Kinh tế Trung Quốc suy thoái: Lỗi không chỉ tại chiến tranh thương mại
Thương chiến không phải tất cả nguyên nhân tạo nên sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc
Tăng trưởng GDP Trung Quốc quý II/2019 giảm xuống mức 6,2%, mức thấp nhất kể từ năm 1992, theo số liệu từ Cục thống kê quốc gia nước này. Ngay khi dữ liệu kinh tế yếu của Trung Quốc được công bố, Tổng thống Donald Trump lập tức lên Twitter khẳng định “Trừng phạt thuế quan của Mỹ đang khiến các công ty rời khỏi Trung Quốc, chuyển hướng sang những thị trường khác. Hàng ngàn công ty đang ra đi. Đó là lý do tại sao Trung Quốc cần một thỏa thuận với Mỹ.”
Dù cho cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 đã thỏa thuận dừng các trừng phạt thuế quan cũng như phi thuế quan, thì mức thuế tăng lên 25% với 200 tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc áp dụng trước đó vẫn gây tác động lớn đến các ngành công nghiệp, nông nghiệp của Trung Quốc. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra Việt Nam, Hàn Quốc, Bangladesh hay thậm chí Đài Loan là các nền kinh tế hưởng lợi từ thương chiến, do kim ngạch xuất khẩu tăng và đón được các dòng chuyển hướng ra khỏi thị trường Trung Quốc và Mỹ.
Nhưng rõ ràng, thương chiến không phải tất cả nguyên nhân tạo nên sự giảm tốc trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Những khoản nợ khổng lồ và sự thận trọng từ người tiêu dùng mới là điều đáng lo hơn.
Nguy cơ nợ và mất khả năng trả nợ
Trung Quốc đã vật lộn nhiều năm nay trong cuộc chiến kiềm chế mức nợ công khổng lồ, phát sinh do các gói kích thích kinh tế lớn từ hồi khủng hoảng tài chính năm 2008. Cụ thể, các gói kích thích thúc đẩy tăng trưởng đã dẫn đến núi nợ của Chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình lên tới 300.000 tỷ USD, số liệu tính tới tháng 3.2019, theo báo cáo từ Viện Tài chính Quốc tế có trụ sở tại Washington.
Nợ công của Trung Quốc hiện chiếm khoảng 15% tổng số nợ công toàn cầu, theo IIF. Trước thực trạng này, Chính phủ Trung Quốc đã phải thắt chặt hệ thống kiểm soát tài chính, thu hẹp quy mô cho vay của ngân hàng, thậm chí kiểm soát cả hệ thống quỹ tín dụng đen.
Những nỗ lực hạn chế tăng trưởng nợ vô hình chung khiến các công ty Trung quốc gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ ngân hàng. Năm ngoái, số công ty mất khả năng trả nợ đạt mức cao kỷ lục. Nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, số công ty mất khả năng trả nợ đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Wind - một tổ chức phân tích tài chính Trung Quốc.
“Các khoản tín dụng không chảy vào lĩnh vực cần thiết” - Stephen Innes, đối tác quản lý thị trường của công ty đầu tư Vanguard (Singapore) nhận định. Innes ước tính khoảng 50% số công ty mất khả năng trả nợ là các công ty tư nhân.
Người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu
Các nhà xuất khẩu quốc tế lao đao vì doanh số giảm tại thị trường Trung Quốc
Một nguyên nhân nữa tác động đến tăng trưởng giảm tốc của Trung Quốc trong năm nay là sự cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng, những người đang lo lắng về các khoản nợ cá nhân và tương lai của nền kinh tế. Giá bất động sản tăng cao cũng làm giảm sức mua.
Doanh số bán lẻ tại thị trường Trung Quốc tăng 8,4% trong 6 tháng đầu năm 2019, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các công ty nước ngoài cảm nhận rõ ràng áp lực từ điều này.
Doanh số của Apple tại Trung Quốc giảm 21,5% trong quý II so với cùng kỳ năm 2018. Doanh số của Ford cũng giảm tới 22% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số General Motors không khá hơn, mức giảm là 12%.
Sự giảm tốc từ nhiều năm nay
Thực tế, sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đã xuất hiện trước chiến tranh thương mại nhiều năm. Tăng trưởng GDP nước này đạt mức cao kỷ lục 14,2% năm 2007 nhưng nhanh chóng giảm liên tục kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008.
Chính phủ nước này đã hạ mục tiêu tăng trưởng xuống còn 6-6,5% trong năm 2019. Những nỗ lực dịch chuyển cơ cấu kinh tế từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế công nghệ và dịch vụ cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Cụ thể, Bắc Kinh đã bắt đầu cắt giảm sản xuất trong các ngành công nghiệp nặng như thép, xi măng…, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển hướng sang khu vực công nghệ và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn. Quá trình chuyển đổi đã làm trỗi dậy những đế chế công nghệ khổng lồ như Tencent, Huawei hay Alibaba, nhưng đồng thời cũng khiến công nhân Trung Quốc phải vật lộn với nguy cơ thất nghiệp.
Trung Quốc gần đây đã giảm thuế và tăng đầu tư cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng trong nỗ lực ngăn chặn sự giảm tốc của nền kinh tế, nhưng điều này dường như đang dần mất đi hiệu quả.
Brock Silvers, CEO của Kaiyuan Capital (Thượng Hải) nhận định: “Tiếp tục các dự án cơ sở hạ tầng để khôi phục nền kinh tế là điều không thể, và hệ thống phân bổ vốn do Nhà nước Trung Quốc điều hành ngày càng trở thành mớ hỗn độn. Bắc Kinh đã và đang nỗ lực khôi phục nền kinh tế, nhưng phương pháp cũ của họ (sự kích thích từ phía Nhà nước) không thể khắc phục được các vấn đề mới”.