"Bắt chước" mô hình kinh tế công nghiệp của Đức, Trung Quốc đang "lấn át" Đức tại châu Âu?

22/08/2021 15:13 GMT+7
Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Cologne, các nhà xuất khẩu Đức đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng tại thị trường nội địa khi hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Liên minh châu Âu (EU) ngày càng có độ tinh vi cao.

Các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang EU ngày càng bao gồm nhiều hàng hóa công nghiệp phức tạp, chẳng hạn như máy móc, dược phẩm và phụ tùng ô tô - vốn từ lâu đã được coi là sản phẩm quan trọng của ngành công nghiệp Đức. Theo nghiên cứu được báo Welt am Sonntag của Đức đưa tin, thị phần của các sản phẩm công nghiệp này trong số mặt hàng mà EU nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng vọt từ 50,7% trong năm 2000 lên 68,2% trong năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Các con số này như một lời cảnh báo gửi đến các chính trị gia và doanh nghiệp Đức, những người đang phải đối mặt với câu hỏi làm thế nào để duy trì sự thành công và vị thế của nền kinh tế công nghiệp Đức trong tương lai. Nhất là trong bối cảnh ngành công nghiệp xe hơi - biểu tượng quan trọng của nền kinh tế Đức - đang gặp khó trước sự cạnh tranh của ngành công nghiệp xe điện mới nổi với những cái tên như Tesla của Mỹ. Còn ngành công nghệ của Đức thì có nguy cơ tụt hậu so với một số quốc gia trong chính khu vực châu Âu. Chưa kể tới chi phí cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch có thể là quá lớn với một cường quốc công nghiệp như Đức.

"Bắt chước" mô hình kinh tế công nghiệp của Đức, Trung Quốc đang "lấn át" Đức tại châu Âu? - Ảnh 1.

Cảnh báo các nhà xuất khẩu Đức đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng tại thị trường nội địa khi hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang EU ngày càng có độ tinh vi cao, đe dọa "lấn át" hàng hóa của Đức (Ảnh: Bloomberg)

Welt am Sonntag dẫn lời nhà kinh tế Juergen Matthes của IW cho biết: “Với việc vai trò của các mặt hàng xuất khẩu Trung Quốc ngày một tăng lên, Đức đang đứng trước sự cạnh tranh mạnh mẽ không chỉ tại thị trường quốc tế mà còn trên chính thị trường nội địa là châu Âu.

Theo một số nhà phân tích, Trung Quốc đang hướng tới mô hình kinh tế của Đức như một định hướng thành công trong tương lai. Sáng kiến “Made in China 2025” của Bắc Kinh với trọng tâm là tăng cường sản xuất trong các lĩnh vực công nghệ, được lấy cảm hứng từ chính cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Đức. 

Với “Made in China 2025”, Bắc Kinh tham vọng tập trung phát triển 10 ngành công nghệ trọng điểm của Trung Quốc bao gồm hàng không vũ trụ, Robot, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, tin học…). Mục đích của sáng kiến không dừng lại ở việc phát triển 10 ngành trên đến trình độ cao mà còn mong muốn giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài theo hướng tự chủ, tự lực tự cường. Kể từ khi ra đời, “Made in China 2025” đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Mỹ cũng như nhiều quốc gia trên thế giới do tham vọng quá lớn của nó. Hồi cuối năm 2019, Michael Brown - một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc đang nỗ lực bắt kịp và dần vượt qua Mỹ trên một số lĩnh vực công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo, khoa học lượng tử, mạng 5G, công nghệ di truyền và không gian. “Tôi tin rằng vấn đề an ninh kinh tế có mối liên hệ mật thiết với an ninh quốc gia” - ông Michael Brown nhấn mạnh, cảnh tỉnh Washington về tham vọng của Bắc Kinh.

Ngay cả chiến dịch siết chặt quy định gần đây của Trung Quốc cũng có sự tương đồng nhất định với một số chính sách tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Dù vậy, nhiều nhà quan sát cho rằng việc Trung Quốc “bắt chước” mô hình kinh tế của Đức có thể không đạt thành công như kỳ vọng do môi trường chính sách bất ổn tại quốc gia Đông Á này. “Bạn sẽ xây dựng chiến lược kinh tế bằng cách đảm bảo chính sách kinh tế là ổn định, rõ ràng và có thể dự đoán được để thu hút nhà đầu tư. Nhưng những gì chúng ta chứng kiến ở Trung Quốc lúc này hoàn toàn ngược lại. Có nhiều điều không chắc chắn và có nguy cơ về sự thay đổi đột ngột của chính sách. Điều này hoàn toàn đối lập với quan điểm chính sách kinh tế nhất quán tại Đức” - nhận định của ông Achim Wambach, chủ tịch Viện nghiên cứu ZEW (Đức) trên tờ Bloomberg.


NTTD
Cùng chuyên mục