Lâm sản, thủy sản là "cứu cánh" cho tăng trưởng nông nghiệp
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Có thể thấy, 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp không cao như cùng kỳ năm 2018. Theo Bộ trưởng đâu là nguyên nhân của sự sụt giảm này?
- Theo tôi, có 3 yếu tố dẫn đến kết quả này. Một là tăng trưởng của bức tranh kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại, ảnh hưởng đến cầu của các loại nông sản.
Ngành nông nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2019 đạt 43 tỷ USD. Ảnh: I.T
Hai là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ít nhiều tác động đến quá trình thực hiện nhiệm vụ chung. Một mặt chúng ta có thể tăng cơ hội xuất khẩu, nhưng những biến động ở 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng ảnh hưởng đến sản lượng, cũng như kim ngạch xuất khẩu.
Ba là diễn biến thời tiết bất lợi, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tác động nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, dịch tả lợn châu Phi lan ra hầu khắp các tỉnh trong nước.
Ngành nông nghiệp vẫn kiên định với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2019 đạt 43 tỷ USD. Trong bối cảnh nhiều thị trường chính đang gặp khó khăn, để đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp sẽ thực hiện những giải pháp gì, thưa Bộ trưởng?
- Trong 6 tháng đầu năm 2019, hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm giá từ 5 – 10%, trong đó, cá biệt có một số mặt hàng giảm sâu như lúa gạo. Nguyên nhân là năm 2016, do tác động của El Nino, sản lượng lúa gạo giảm, các nước buộc phải đẩy mạnh dự trữ, khiến cả năm 2018, thị trường xuất khẩu lúa gạo rất khả quan, giá cao kỷ lục. Nhưng bước sang năm 2019, nguồn cung tăng lên, dự trữ kho của các nước đã đủ, cung nhiều hơn cầu, nên giá giảm.
Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, các doanh nghiệp cần tập trung mở rộng các thị trường mới như châu Phi, ASEAN để bù đắp cho thị trường Trung Quốc; giảm giá thành sản xuất bằng cách đầu tư đồng bộ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Về lâu dài, cần rà soát, giảm ít nhất 500.000ha đất lúa để chuyển sang các đối tượng cây trồng, vật nuôi khác có hiệu quả kinh tế cao hơn; đẩy mạnh chế biến để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn…
Trong bối cảnh một số mặt hàng như gạo, cà phê, tiêu gặp khó khăn, chủ trương của Bộ NNPTNT là đẩy mạnh xuất khẩu những ngành hàng có dư địa lớn như lâm sản, thủy sản.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cần nỗ lực chặn đứng dịch tả lợn châu Phi, hạn chế thiệt hại; Mở rộng chăn nuôi gia cầm, đại gia súc.
Chúng ta cũng phải sẵn sàng tâm thế ứng phó với thiên tai. Nếu không áp dụng linh hoạt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai, sẽ khó giữ thành quả tăng trưởng.
Việt Nam và EU vừa ký Hiệp định thương mại tự do EVFTA, cộng với CPTPP vừa có hiệu lực, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại cho nông sản Việt?
- Hai FTA sẽ mang lại lợi thế lớn nhất là với những nhóm ngành hàng đang có thị phần lớn ở những thị trường này như lâm sản, thủy sản; thuế suất nhiều mặt hàng sẽ về 0%, tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu. Tuy vậy, EVFTA cũng tạo ra một số thách thức như hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT).
Chúng ta buộc phải vượt qua những hàng rào phi thuế quan này bằng cách đẩy mạnh liên kết sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng tốt hơn với giá thành hợp lý hơn. Đồng thời, tổ chức lại thị trường trong nước nhằm hạn chế những yếu tố bất lợi để không thua ngay trên sân nhà.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!