Lạng Sơn: Nỗ lực áp dụng kỹ thuật phục tráng giống dứa bản địa
Đề tài thực hiện nhằm mục tiêu hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống, thâm canh, sơ chế, bảo quản Dứa. Xây dựng vườn lưu giống gốc, xây dựng mô hình thâm canh Dứa theo tiêu chuẩn VietGap, xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm Dứa Hữu Lũng.
Từ khi triển khai đến nay, đề tài đã thực hiện và theo dõi các thí nghiệm tại xã Minh Sơn và xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng với các nội dung: nghiên cứu ảnh hưởng của các biện pháp kỹ thuật xử lý ra chồi đến hệ số nhân giống và chất lượng chồi; ảnh hưởng thời gian xử lý ra hoa ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng dứa bản địa Hữu Lũng; khối lượng chồi ảnh hưởng đến thời gian xử lý ra hoa và năng suất, chất lượng; Xây dựng vườn lưu giữ giống gốc có quy mô 1.000 m2. Đến nay, bước đầu cho thấy vườn thí nghiệm và vườn lưu giữ giống gốc cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Toàn huyện Hữu Lũng hiện có khoảng hơn 111 ha dứa, trong đó, dứa trái vụ tập trung nhiều nhất ở các xã: Minh Sơn, Minh Hòa, Nhật Tiến với diện tích khoảng 30 ha. Trung bình năng suất dứa của các hộ dân đều đạt 90 tạ/ha/năm, tổng sản lượng là hơn 609 tấn và liên tục tăng qua các năm. Tính ra mỗi năm, thu nhập từ cây dứa đạt gần 5 tỷ đồng, trung bình đạt hơn 63 triệu/ha/năm.
Tại một số xã, người dân đã có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc và áp dụng kỹ thuật để thu dứa trái vụ nên hiệu quả kinh tế từ cây trồng này ngày một tăng. Cách đây 2 năm, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, huyện cũng đã hỗ trợ xã Minh Sơn trồng 6 ha dứa trái vụ.
Ông Lương Văn Bính, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hữu Lũng cho biết: Dứa là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, nông dân áp dụng kỹ thuật xử lý ra trái nên dứa có bán quanh năm. Hữu Lũng trước đây vốn đã nổi tiếng với sản phẩm nông nghiệp là quả dứa vì trước đây trên địa bàn vốn có nông trường trồng dứa. Nhưng theo thời gian, nông trường này giải thể, cho đến vài năm trở lại đây cây dứa lại phát triển mạnh và diện tích đang liên tục tăng.
"Thời gian tới, từ các nguồn vốn ngân sách, huyện sẽ tiếp tục định hướng, hỗ trợ các xã mở rộng thêm diện tích trồng dứa. Trong tương lai, huyện hướng đến việc xây dựng thương hiệu dứa Hữu Lũng trở thành sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện, được thị trường biết đến nhiều hơn, bên cạnh đó huyện cũng sẽ chú trọng về đầu ra, nhằm tăng thu nhập cho người trồng dứa".
Anh Hoàng Văn Giới kể: Người dân Cã Troong, xã Minh Sơn trồng dứa đã nhiều năm nay, song với lối canh tác cũ chỉ trồng dứa chính vụ nên hiệu quả kinh tế không cao. Dứa chính vụ cho thu hoạch vào tháng 5, tháng 6 hằng năm, thời gian ngắn nên gặp khó khăn về nhân lực, phương tiện vận chuyển và thị trường tiêu thụ. Trước những bất lợi về thị trường, những năm gần đây, người trồng dứa đang dần chuyển từ trồng dứa chính vụ sang trồng dứa trái vụ cho thu nhập cao.
“Ban đầu, tôi trồng với mục đích tự phục vụ gia đình, cải thiện đời sống, sau đó nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây phù hợp với trồng dứa và có thể phát triển thành hàng hóa, gia đình tôi đã tập trung mở rộng diện tích và chủ yếu trồng dứa trái vụ. Đến nay, gia đình tôi trồng gần 3 vạn cây, giá bán dứa trái vụ từ 7.000 - 12.000 đồng/kg tùy từng thời điểm, tính ra tiền lãi từ cây dứa trái vụ cũng được khoảng 60 – 70 triệu đồng/năm.
Dứa Hữu Lũng là dứa trái vụ nhưng được đánh giá chất lượng thơm, ngon không hề thua kém chính vụ. Hiện cây dứa trái vụ đã và đang mở ra một hướng đi mới cho người dân các xã nói riêng và cả huyện Hữu Lũng nói chung. Đề tài triển khai sẽ mở ra cơ hội phục tráng nguồn gen bản địa, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của loại trái cây đặc sản của huyện Hữu Lũng.