Lãnh đạo Australia, Hàn Quốc đánh giá ý nghĩa chiến lược của RCEP

16/11/2020 06:00 GMT+7
Thủ tướng Australia cho biết RCEP khẳng định cam kết chung của khu vực về mở cửa thương mại và đầu tư; trong khi Hàn Quốc đặt nhiều kỳ vọng vào Hiệp định RCEP.
Lãnh đạo Australia, Hàn Quốc đánh giá ý nghĩa chiến lược của RCEP - Ảnh 1.

Thủ tướng Australia Scott Morrison phát biểu tại Canberra. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 15/11 tuyên bố việc ký kết Hiệp định RCEP giữa Australia và 14 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khác khẳng định cam kết chung của khu vực về mở cửa thương mại và đầu tư, bất chấp những thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra.

Trong một thông báo, ông Morrison khẳng định chính sách thương mại của Australia là hỗ trợ việc làm cho người dân, thúc đẩy cơ hội xuất khẩu và đảm bảo một khu vực mở với chuỗi cung ứng mạnh mẽ hơn. RCEP được xây dựng dựa trên những thành công thương mại của Australia và là tin tốt cho các doanh nghiệp nước này.

Nhà lãnh đạo Australia nhấn mạnh: “Với 1/5 số việc làm của Australia phụ thuộc vào thương mại, Hiệp định RCEP sẽ rất quan trọng khi Australia và khu vực bắt đầu quá trình tái thiết sau đại dịch COVID 19. Hiệp định bao trùm khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới và, khi các nền kinh tế RCEP tiếp tục phát triển và tầng lớp trung lưu của các nước gia tăng, điều này sẽ mở ra cánh cửa mới cho nông dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư Australia."

Còn Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham nhấn mạnh RCEP sẽ là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới và sẽ cải thiện cơ hội xuất khẩu cho nông dân và doanh nghiệp Australia, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ.

Ông Birmingham nhận định Hiệp định sẽ giúp các nhà xuất khẩu Australia tham gia vào một khu vực đang phát triển bùng nổ trên toàn cầu, vơi các nước thành viên RCEP chiếm gần 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và dân số thế giới.

Bộ trưởng Thương mại Australia nêu rõ RCEP được thúc đẩy bởi 10 quốc gia thành viên của ASEAN. Các quốc gia ASEAN cùng nhau tạo thành đối tác thương mại hai chiều lớn thứ hai của Australia và đã thành công đưa Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc tham gia vào khối thương mại khu vực cùng với các quốc gia này.

Ông Birmingham khẳng định Hiệp định đã mất tám năm để đàm phán nhưng đã được ký kết vào thời điểm không thể quan trọng hơn khi kinh tế và thương mại toàn cầu đang bất ổn. Hợp tác kinh tế trên quy mô lớn như khu vực RCEP gửi một tín hiệu mạnh mẽ rằng các nước trong khu vực cam kết tuân thủ các nguyên tắc thương mại mở để phục hồi sau COVID-19, cũng giống như trong những năm tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trước đây.

Sự mở cửa hơn nữa trong khu vực, cũng như sự tích hợp nhiều hơn các chuỗi giá trị và các quy tắc xuất xứ chung mà Hiệp định mang lại, sẽ giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư Australia hoạt động trên khắp khu vực dễ dàng hơn, và giúp Australia tiếp tục phát triển xuất khẩu.

Ông Birmingham cho biết các nhà doanh nghiệp Australia cung cấp dịch vụ tài chính, giáo dục, y tế, kỹ thuật và các dịch vụ chuyên nghiệp khác sẽ được hưởng những lợi ích cụ thể, được hội nhập tốt hơn trong khu vực và có nhiều quyền tiếp cận hơn trong các quốc gia RCEP.

Australia cam kết phê chuẩn đầy đủ RCEP càng sớm càng tốt để nông dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư Australia có thể tiếp cận các lợi ích của Hiệp định.

Australia cũng cam kết hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực 46 triệu AUD (hơn 32 triệu USD) để giúp các nước ASEAN đủ điều kiện thực hiện các cam kết RCEP, đảm bảo RCEP phát huy hết tiềm năng của Hiệp định.

Hàn Quốc đặt nhiều kỳ vọng vào Hiệp định RCEP

Hãng tin Yonhap ngày 15/11 đưa tin về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được Tổng thống Moon Jae-in và các nhà lãnh đạo 14 nước châu Á-Thái Bình Dương ký kết vào cùng ngày, nhấn mạnh rằng Hiệp định trên sẽ giúp Hàn Quốc - một nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực đa phương hóa quan hệ thương mại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động.

RCEP bao gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Theo quy định, RCEP sẽ có hiệu lực khi 6 quốc gia thành viên ASEAN và ba thành viên không thuộc ASEAN phê chuẩn.

RCEP chiếm khoảng 1/4 hoạt động thương mại toàn cầu và 1/3 dân số thế giới. Thỏa thuận gồm 15 thành viên này ban đầu cũng mong muốn thuyết phục Ấn Độ tham gia nhưng bất thành. Nếu tính cả Ấn Độ, các thành viên RCEP có thể cùng nhau trở thành một khối thương mại khổng lồ với hơn một nửa dân số toàn cầu.

Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết một hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô kỷ lục như vậy sẽ giải quyết những bất ổn trong môi trường kinh doanh toàn cầu và thúc đẩy thương mại tự do. Điều này cũng sẽ giúp Hàn Quốc đối phó tốt hơn với sự suy yếu của chủ nghĩa đa phương và xu hướng nội địa hóa của chuỗi giá trị toàn cầu.

Số liệu từ Bộ Thương mại Hàn Quốc chỉ ra rằng xuất khẩu của nước này sang ASEAN đã tăng từ gần 39 tỷ USD vào năm 2007 lên con số khổng lồ hơn 95 tỷ USD vào năm 2019 nhờ vào FTA Hàn Quốc-ASEAN. Dựa trên số liệu tham khảo đó, Hàn Quốc nhận định RCEP có thể giúp nền kinh tế lớn thứ tư tư châu Á mở rộng sự hiện diện ở Đông Nam Á hơn nữa.

Về quy mô kinh tế, RCEP vượt các khối kinh tế khu vực khác như Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) và Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Năm 2019, xuất khẩu của Hàn Quốc sang các quốc gia thành viên của USMCA đạt gần 90 tỷ USD, trong khi xuất khẩu sang CPTPP đạt 126 tỷ USD. Những con số trên đều dưới mức 269 tỷ USD hàng hóa Hàn Quốc được xuất sang các quốc gia RCEP.

Hiệp định RCEP cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Hàn Quốc hạ thấp các rào cản thương mại, khi nền kinh tế này phải đối phó với tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, căng thẳng thương mại với Nhật Bản và đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc - nước có tới 40% kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc, đã và đang nỗ lực đa dạng hóa danh sách đối tác thương mại và thâm nhập sâu hơn vào các nước Đông Nam Á.

Hồi tháng 1/2020, Hàn Quốc và Philippines đã tiến hành vòng đàm phán FTA chính thức thứ năm. Các cuộc đàm phán với Malaysia cũng đang được tiến hành và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) với Indonesia đang chờ một lễ ký chính thức. Gần đây, Seoul cũng khởi động các cuộc đàm phán FTA với Campuchia.

Một khía cạnh đáng chú ý khác là RCEP đã trở thành thỏa thuận thương mại tự do đầu tiên được ký kết với sự tham gia của Hàn Quốc và Nhật Bản. Mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên xấu đi sau khi Tokyo đột ngột thắt chặt kiểm soát hoạt động xuất khẩu các nguyên liệu công nghiệp quan trọng sang Hàn Quốc vào năm ngoái.

Lãnh đạo Australia, Hàn Quốc đánh giá ý nghĩa chiến lược của RCEP - Ảnh 2.

Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoài hoạt động xuất khẩu hàng hóa, lĩnh vực dịch vụ của Hàn Quốc cũng sẽ được hưởng lợi từ RCEP nhiều hơn so với các FTA hiện có. Vì hiệp định này cho phép các công ty giải trí và trò chơi của Hàn Quốc khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài lớn hơn.

Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn có kế hoạch duy trì các rào cản cao để bảo vệ các phân khúc dễ bị tổn thương của mình. Trước đó, Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc cho biết họ sẽ giữ mức thuế cao đối với các sản phẩm tươi sống như gạo, ớt, tỏi, hành và táo nhập khẩu vào nước này.

Singapore: RCEP là một trong những thành tựu ấn tượng của ASEAN trong 2020

Bà Jessica Wa’u, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu ASEAN của Viện các vấn đề quốc tế Singapore, ngày 15/11 nhận định, ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là một trong những thành tựu ấn tượng của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2020, khi Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN.

Bà Jessica Wa’u cho rằng việc ký kết RCEP là đặc biệt ấn tượng sau tám năm đàm phán. Nó là dấu mốc quan trọng đối với ASEAN khi dẫn dắt hiệp định thương mại lớn nhất thế giới này, đồng thời đưa khu vực xích lại gần nhau hơn về thương mại. RCEP là một báo hiệu rằng ASEAN muốn làm việc với các quốc gia khác và tăng cường hội nhập kinh tế, kể cả sau một năm 2020 đầy biến động.

Một thành tựu ấn tượng khác của ASEAN trong năm 2020 là khả năng tập hợp những nỗ lực tập thể trong xử lý đại dịch COVID-19. Điều này đã được thể hiện rõ trong việc liên lạc và chia sẻ thông tin thường xuyên trong khối thông qua các nền tảng như Trung tâm ảo Biodiaspora của ASEAN (ABVC). Và giờ đây sẽ có những nỗ lực chung để các nước ASEAN cùng nhau phục hồi sau đại dịch với tư cách là một khu vực thông qua Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF).

Đánh giá về những nỗ lực của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN trong việc linh hoạt tổ chức các hội nghị trực tuyến do tác động của đại dịch COVID-19, bà Jessica Wa’u nhận định, các cuộc họp trực tuyến đã rất hữu ích và cần thiết trong một năm mà các nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách của ASEAN không thể gặp nhau trực tiếp.

Việt Nam đã thể hiện vai trò dẫn dắt với tư cách Chủ tịch ASEAN trong việc triệu tập các hội nghị cấp cao trực tuyến trong năm qua.

Theo bà Jessica Wa’u, trong tương lai, ASEAN có thể chuyển một số cuộc họp của khối sang hình thức trực tuyến hoặc có thể kết hợp giữa các cuộc họp trực tuyến và trực tiếp.


Theo TTXVN
Cùng chuyên mục