“Lấy ngắn nuôi dài” để phát triển đồng bằng Sông Cửu Long
Nuôi cá tra xuất khẩu. Ảnh minh họa.
Đó là: (i) Tầm nhìn và mục tiêu dài hạn phải là “thuận thiên và phát triển bền vững;
(ii) Quan điểm chỉ đạo phải biến thử thách thành cơ hội, nhất là xem nước mặn cũng là tài nguyên, tôn trọng quy luật tự nhiên, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy kinh tế nông nghiệp; sự bền vững của vùng cũng là bền vững quốc gia, của tiểu vùng Mekong và quốc tế;
(iii) Chủ trương và định hướng phải lấy con người là trung tâm và hài hòa đất và nước trong phát triển;
(iv) Giải pháp tổng thể phải là quy hoạch tích hợp, cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội hợp lý và hoàn thiện thể chế liên kết vùng;
(v) Về tổ chức thực hiện phải có 12 bộ ngành, TPHCM, 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tham gia và tranh thủ hỗ trợ quốc tế.
Thực hiện được năm giá trị cốt lõi này không dễ chút nào. Vì hàng loạt vấn đề phải sắp xếp lại liên quan tới dòng chảy hội nhập và biến đổi khí hậu.
Vì thế, tại hội nghị ngày 18-6 nhìn lại 2 năm thực hiện nghị quyết này, Chính phủ đưa ra 4 chuyên đề thảo luận: (i) Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sạt lở; (ii) Tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu; (iii) Giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững; (iv) Công tác quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút đầu tư cho vùng ĐBSCL.
Tuy nhiên, cái khó lớn nhất của các địa phương là phải rà soát, sửa chữa, lập kế hoạch chuyển đổi và thích ứng theo bốn chuyên đề này và hướng về năm nội dung giá trị cốt lõi Nghị quyết 120-CP.
Do vậy, chúng tôi đề nghị giải pháp “Lấy ngắn nuôi dài thực hiện Nghị quyết 120-CP”qua kinh nghiệm thưc tiễn ở các địa phương để tương tác với bốn chuyên đề trên.
Về tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu
Hiện nay, trong thực tế có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cho ba ngành hàng chủ lực là thủy sản, trái cây và lúa gạo theo hướng giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị đầu ra, ứng dụng nông nghiệp thông minh; và đang trong tiến trình chuyển đổi sử dụng đất lúa không hiệu quả sang đối tượng thủy sản và cây ăn quả theo lợi thế sinh thái của địa phương và tiểu vùng.
Đồng thời với đặc tính đa dạng sinh học và ngành nghề truyền thống của vùng, nhiều địa phương đã hình thành mỗi làng một sản phẩm rất phù hợp để kết hợp phát triển du lịch và chương tình OCOP (chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị) của Trung ương.
Để tạo cơ hội cho các mô hình thực tế này phát triển, cần nối kết với cụm công nghiệp chế biến từng ngành hàng, mạng lưới dịch vụ và du lịch qua liên kết vùng. Từ đó tạo ra cơ hội khác về nối kết khu, cụm công nghiệp và kinh tế mà từng địa phương đã quy hoạch thời gian qua.
Nếu làm lan tỏa được các mô hình thực tế theo nhu cầu thị trường, chuyển dịch lao động, phát triển sử dụng đất hiệu quả, ứng dụng công nghệ 4.0 với sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp và địa phương thì bài toán lấy ngắn nuôi dài thực hiện Nghị quyết 120-CP mới hiệu quả.
Liên quan đến quản lý nước, thích ứng biến đổi khí hậu và nâng cao sinh thái người dân
Đã có nhiều mô hình thực tế hiệu quả ở vùng ngọt về tiết kiệm nước và giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất cây trồng, vật nuôi. Ở vùng lợ và mặn, có những mô hình nông lâm ngư kết hợp như rừng - tôm sinh thái vùng bán đảo Cà Mau, lúa - tôm ven biển và tôm thâm canh hài hòa môi trường mà một số doanh nghiệp đang triển khai. Nhiều mô hình thu hoạch nước trong mùa mưa để sử dụng nước sinh hoạt trong mùa khô.
Tuy nhiên, phát triển các mô hình thực tế nêu trên còn bị giới hạn bởi lẽ còn rời rạc ở cấp độ hộ, doanh nghiệp, cộng đồng và từng địa phương riêng lẻ. Vì thế khó nối kết các địa phương theo từng tiểu vùng sinh thái (vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, ven biển Đông, bán đảo Cà Mau, vùng giữa sông Tiền, sông Hậu) và tương tác các tiểu vùng cho toàn vùng. Thêm vào đó, sự tương tác giữa tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển hạ tầng vùng không thể tách rời quản lý và sử dụng nước bền vững.
Do vậy, cách thức quản lý và sử dụng nước nâng cao sinh kế người dân, phát triển kinh tế - xã hội và quản lý tài nguyên hợp lý theo hướng “thuận thiên” cần làm theo 6 cấp, từ hộ, cộng đồng, địa phương, tiểu vùng, vùng, cho đến cấp quốc gia, thì việc lấy ngắn nuôi dài thực hiện Nghị quyết 120-CP hiệu quả hơn. Từ đó Chính phủ có cơ hội phát triển chính sách quản lý nước 6 cấp, kêu gọi đầu tư các cấp, đối thoại chính sách quản lý và sử dụng nước sông Mekong bền vững hơn.
Liên quan đến hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng và nhà ở
Đây là bài toán rất khó cho ĐBSCL vì nhu cầu phát triển giao thông và nhà ở rất lớn, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư cao. Đồng thời cần giải quyết các bất cập về quy hoạch phát triển công nghiệp và đô thị, tập quán sống tập trung ở ven sông song song với tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển, ô nhiễm nguồn nước sông, khai thác sử dụng nước ngầm ngày càng nhiều.
Vì thế cần giải quyết bài toán ngắn hạn qua rà soát nhu cầu phát triển hạ tầng vùng, ít nhất tương tác giữa hai chuyên đề và chọn thứ tự ưu tiên đầu tư phát triển hợp lý, nhất là phát triển hạ tầng thị trường qua nối kết giao thông và hệ thống logistics cho từng lĩnh vực và ngành hàng cụ thể.
Trong dài hạn, cần phát triển hạ tầng thị trường theo quy hoạch vùng nguyên liệu. Như thế mới tạo cơ hội việc làm và tăng thu nhập người dân nông thôn, từ đó hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới hiệu quả và tác động đến phát triển nguồn nhân lực qua phát triển giáo dục và ứng dụng công nghệ vào nông thôn trong tương lai.