Liên tiếp chịu sức ép tứ bề, cổ phiếu ngân hàng vẫn được kỳ vọng tăng trưởng mạnh

09/04/2022 11:19 GMT+7
Các nhà phân tích của Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng lạc quan với nhóm cổ phiếu ngân hàng khi mức tăng trưởng dự phóng năm 2022F trên 30%. Ngoài ra, câu chuyện phát hành riêng lẻ như ở VPB (15% cổ phần) với SMBC trong thời gian tới cũng là câu chuyện thú vị để tạo tâm lý tích cực cho thị trường.

Thị trường chứng khoán tháng 4/2022 - Tích lũy đi lên

Báo cáo chiến lược tháng 4/2022 của Khối phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) phát hành với tựa đề "Lực đẩy từ mùa đại hội cổ đông và báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh" cho rằng: Triển vọng thị trường chứng khoán tháng 4 là "Tích lũy đi lên". Chỉ số VN Index sẽ dao động trong khoảng 1.480 - 1.570. Dòng tiền sẽ tiếp tục hướng tới các cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng mạnh trong năm 2022 sau khi các thông tin về mục tiêu kinh doanh được chia sẻ sau Đại hội cổ đông (ĐHCĐ).

Trong tháng 4, VDSC dự đoán thị trường sẽ chú ý nhiều đến các thông tin từ ĐHCĐ khi triển vọng tăng trưởng 2022 được đánh giá rõ ràng hơn với chia sẻ từ ban lãnh đạo. Do đó, VDSC cho rằng dòng tiền trên thị trường sẽ luân chuyển vào các nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng mạnh năm 2022 hoặc có yếu tố câu chuyện riêng (ví dụ như phát hành cổ phiếu).

Dù vậy, VDSC cũng lo ngại về khả năng điều chỉnh ở các nhóm cổ phiếu nhỏ thiếu các yếu tố cơ bản tốt sau mùa ĐHCĐ và sự dè chừng của nhà đầu tư cho nhóm cổ phiếu này sau những hành động gần đây của cơ quan chức năng trong việc xử lý các hành động thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Chịu sức ép tứ bề, cổ phiếu ngân hàng vẫn được kỳ vọng tăng trưởng mạnh

Đối với nhóm cổ phiếu Ngân hàng, các nhà phân tích của VDSC tin tưởng triển vọng lạc quan với nhóm này khi mức tăng trưởng dự phóng năm 2022F ở mức trên 30%. Ngoài ra, câu chuyện phát hành riêng lẻ của VPB (15% cổ phần) với SMBC trong thời gian tới cũng là câu chuyện thú vị để tạo tâm lý tích cực cho thị trường.

Trước đó, trong tháng 3 nhà đầu tư vẫn thận trọng do căng thẳng chính trị Ukraine-Nga, lạm phát và thông tin tiêu cực từ việc bắt chủ tịch FLC liên quan tội danh "thao túng giá cổ phiếu". Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã chịu áp lực bán trong tháng 3 khi căng thẳng chính trị Nga – Ukcraine leo thang cùng với tâm lý tiêu cực ở các ngân hàng là chủ nợ lớn của FLC như STB, OCB,...

Liên tiếp chịu sức ép tứ bề, cổ phiếu ngân hàng vẫn được kỳ vọng tăng trưởng mạnh  - Ảnh 2.

Các cổ phiếu được các tổ chức trong nước bán/mua nhiều nhất (tỷ đồng) trong tháng 3

Mặc dù chịu áp lực bán ra trong hai tháng qua nhưng dữ liệu thống kê cho thấy sự đảo chiều của dòng vốn ngoại ở nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tháng 3 khi họ mua ròng 692 tỷ đồng so với việc bán ròng 110 tỷ đồng trong tháng 2. 

"Khi mùa ĐHCĐ thường niên của ngành ngân hàng đang đến gần, chúng tôi kỳ vọng các cổ phiếu của các ngân hàng với câu chuyện xúc tác tăng vốn sẽ có diễn biến tốt. Chúng tôi ưu thích VPB vì ngân hàng này có những câu chuyện thường được những nhà đầu tư cá nhân yêu thích như ghi nhận các khoản lợi nhuận bất thường, phát hành riêng lẻ và thâm nhập thị trường mới", trích báo cáo chiến lược của VDSC.

VDSC ước tính thị giá cổ phiếu VPB của VPBank có thể tăng trưởng lên 46.200 đồng/cp trong tháng 4/2022.

Cũng nhóm ngân hàng, VDSC khá lạc quan với giá cổ phiếu của Ngân hàng HDBank khi dự báo giá cổ phiếu HDB có thể lên mức 32.000 đồng/CP trong tháng 4/2022.

Cơ sở để Khối phân tích VDSC đưa ra nhận định trên là giao dịch độc quyền bancassurance có thể diễn ra vào khoảng giữa năm với mức phí trả trước hấp dẫn sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ cho việc tăng giá cổ phiếu HDB. HDBank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng đầu. Ngân hàng đã nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong ngành (khoảng 15%) vào đầu năm nhờ vai trò trong việc tái cơ cấu và quản lý các quỹ tín dụng của nhân dân. Tăng trưởng tín dụng năm 2022 có thể là cao nhất trong ngành.

Kết hợp với việc giải ngân tốt hơn tại HDSaison và dư nợ được tái cơ cấu có thể quản lý được, các nhà phân tích cho rằng HDBank sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2022 bất chấp động lực trong hệ số CIR suy yếu.

Q. Nguyễn
Cùng chuyên mục