Lo ngại làn sóng rời Trung Quốc, Bắc Kinh tìm cách "níu chân" DN nước ngoài
Tại Hội chợ Thương mại Dịch vụ Quốc tế Trung Quốc vừa diễn ra ở Bắc Kinh, các quan chức chính phủ Trung Quốc đã nhấn mạnh sức hấp dẫn của thị trường tỷ dân này khi đưa ra hàng loạt lời hứa hẹn mở cửa hơn nữa nền kinh tế.
"Chúng tôi sẽ xây dựng một hệ thống tài chính cởi mở hơn", Chen Yulu, Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc khẳng định. “Các biện pháp được áp dụng trước đó đang mang đến thành công ban đầu. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư và tổ chức nước ngoài tham gia vào thị trường tài chính của Trung Quốc một cách có trật tự.”
Việc mở cửa thị trường tài chính nội địa là một trong những điều khoản mà Bắc Kinh đã cam kết với Washington trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi đầu năm nay. Điều này đã tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư ở phố Wall, bao gồm các đại gia ngân hàng JP Morgan và Morgan Stanley, các quỹ đầu tư như Vanguard và BlackRock, các công ty tín dụng American Express và Mastercard tiếp cận nhiều hơn đến thị trường tài chính doanh nghiệp và tiêu dùng đang mở rộng với tốc độ ngày một nhanh ở Trung Quốc. Thông qua đó, nó vô hình chung làm chậm lại nỗ lực của phía Washington trong việc phân cực hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đổ tiền vào thị trường vốn Trung Quốc qua nhiều chương trình Kết nối chứng khoán và Kết nối trái phiếu cho phép đầu tư vào chứng khoán nội địa Trung Quốc thông qua thị trường Hồng Kông. Vào cuối tháng 7, tỷ lệ nắm giữ tài sản bằng đồng NDT ở nước ngoài đã tăng 37% so với cùng kỳ năm 2019; lên tới 7,74 nghìn tỷ NDT (1,13 nghìn tỷ USD).
Các nhà phân tích Morgan Stanley trong một báo cáo công bố cuối tuần trước dự báo dòng vốn đầu tư vào Trung Quốc sẽ lên tới 150 tỷ USD trong năm nay và vượt 3 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới.
Cũng tại Hội chợ Thương mại Dịch vụ Quốc tế Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho hay: “Trung Quốc sẽ không ngừng mở cửa nền kinh tế, hạ thấp các rào cản tiếp cận thị trường trong ngành dịch vụ và tích cực tăng cường nhập khẩu các dịch vụ chất lượng cao”.
Ông Fang Xinghai, Phó Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cũng khẳng định thị trường vốn Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa cho các nhà đầu tư nước ngoài khi các cơ quan quản lý trong nước tiếp tục mở rộng chương trình Kết nối Chứng khoán, tìm cách tăng cường khả năng tiếp cận thị trường vốn nội địa cho các quỹ đầu tư.
Còn Zhou Liang, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc thì nhấn mạnh Trung Quốc hoan nghênh sự tham gia của các tổ chức tài chính chuyên biệt vào thị trường vốn nội địa.
Đây được xem là nỗ lực mới nhất của chính phủ Trung Quốc để giữ chân các công ty đa quốc gia tại thị trường nội địa cũng như thu hút các đại gia tài chính quốc tế đổ vốn vào nền kinh tế. Trước đó, chính phủ nhiều nước như Mỹ và Nhật Bản đã kêu gọi các doanh nghiệp rút khỏi thị trường sản xuất Trung Quốc, tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang các thị trường khác hoặc trở về nước để bảo vệ an ninh chuỗi cung ứng. Nhật Bản thậm chí còn có hẳn quỹ tài trợ riêng cho các doanh nghiệp rời khỏi thị trường Trung Quốc. Đến giữa tháng 7/2020, đã có 87 công ty Nhật Bản đủ điều kiện nhận được khoản trợ cấp 70 tỷ JPY (653 triệu USD) để chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về quê hương hoặc sang các quốc gia Đông Nam Á khác như Việt Nam.