TT Trump liên tiếp trừng phạt DN Trung Quốc: vì sao Bắc Kinh bất lực, không thể phản đòn?

12/08/2020 17:02 GMT+7
Từ ZTE, Huawei cho đến TikTok và WeChat, ngày càng nhiều công ty công nghệ Trung Quốc bị chính quyền Trump đưa vào tầm ngắm với những lệnh hạn chế và trừng phạt nghiêm ngặt. Nhưng cho đến nay, phản ứng của Bắc Kinh rất yếu ớt.

Ngoài việc đe dọa sẽ ban hành một danh sách đen đáp trả, chính quyền ông Tập Cận Bình cho đến nay không có hành động cứng rắn nào cụ thể sau hàng loạt động thái "đàn áp" công nghệ từ Washington. Bà Nina Xiang, người sáng lập China Money Network nhận định "nguyên nhân khiến Bắc Kinh im hơi lặng tiếng như vậy là do Trung Quốc không có nhiều lựa chọn trong việc trả đũa Mỹ - siêu cường đang thống trị ngành công nghệ toàn cầu".

TT Trump trừng phạt loạt DN Trung Quốc, vì sao Bắc Kinh chịu “nhắm mắt làm ngơ”? - Ảnh 1.

"Trung Quốc không có nhiều lựa chọn trong việc trả đũa Mỹ - siêu cường đang thống trị ngành công nghệ toàn cầu"

“Khi nói đến các động thái trả đũa, lựa chọn khả dĩ nhất của Bắc Kinh để làm tổn thương các công ty công nghệ Mỹ là nhắm đến các gã khổng lồ như Apple, Intel, Qualcomm, Micron Technology, Broadcom và Boeing. Nói cách khác, Bắc Kinh nên nhắm vào các công ty Mỹ đang thu về lợi nhuận khổng lồ từ doanh số bán hàng tại Trung Quốc. Các đại gia công nghệ như Qualcomm, Broadcom và Micron Technology là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng và thiệt hại nhất bởi bất kỳ hành động nào của Trung Quốc, bởi đa phần lợi nhuận của các công ty này đến từ thị trường tỷ dân Đông Á.

Vấn đề ở đây là những con chip mà các công ty Mỹ này bán ra rất cần thiết cho lĩnh vực công nghệ Trung Quốc. Việc cấm cửa Qualcomm, Broadcom hay Micron Technology do đó chỉ khiến các công ty công nghệ Trung Quốc tổn thất nhiều hơn mà thôi” - bà Nina Xiang nhấn mạnh.

Bà Xiang chỉ ra cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung kéo dài 2 năm nay đã làm suy giảm phần nào sự phụ thuộc của các công ty Mỹ vào nguồn thu từ Trung Quốc. Ví dụ, doanh thu của Boeing tại thị trường Trung Quốc đại lục đã giảm mạnh từ 12 tỷ USD năm 2017 xuống chỉ còn 5,7 tỷ USD trong năm 2019, tức chỉ chiếm khoảng 7% tổng doanh thu của hãng trên toàn cầu. Với trường hợp của Qualcomm, doanh thu từ thị trường Trung Quốc cũng giảm mạnh từ 14,6 tỷ USD năm 2017 xuống 11,6 tỷ USD năm 2019. Còn với đại gia công nghệ Apple, doanh số bán hàng giảm mạnh từ 59 tỷ USD hồi năm 2015 xuống chỉ còn 44 tỷ USD trong năm 2019, tức chưa đầy 17% so với tổng doanh số trên toàn cầu. Điều này vô hình chung làm giảm khả năng gây thiệt hại của Trung Quốc với các doanh nghiệp công nghệ Mỹ.

Phân tích cụ thể trường hợp của Apple, bà Nina Xiang nhấn mạnh đại gia công nghệ này hiện là “viên ngọc quý trên vương miện thống trị công nghệ của Mỹ”, và Trung Quốc cần phải “cực kỳ thận trọng vì bất kỳ hành động nào chống lại Apple đều có thể phải nhận về loạt đòn trả đũa mạnh mẽ hơn từ Mỹ”.

“Bên cạnh vai trò thống trị hệ thống thanh toán bằng đồng USD trong nền tảng tài chính toàn cầu, Mỹ cũng giữ vai trò nền tảng trong hệ thống internet toàn cầu. Mỹ có sức mạnh và tiềm lực phá hủy toàn bộ hệ thống kỹ thuật số của Trung Quốc” - bà Nina Xiang cảnh báo. “Ví dụ, một lệnh cấm các thực thể Trung Quốc sử dụng hệ điều hành của Mỹ ngay lập tức sẽ làm tê liệt các thiết bị công nghệ của Trung Quốc, bởi cho đến năm 2019, hệ điều hành Windows của Microsoft vẫn chiếm 82% thị phần tại Trung Quốc”. Mặc dù các công ty phát triển công nghệ nội địa đang nỗ lực tạo ra hệ điều hành thay thế như Linux, nhưng sẽ mất một chặng đường dài để việc thay thế được triển khai hoàn toàn.

Theo chuyên gia quan sát Nina Xiang, động thái như vậy là rất khó xảy ra, nhưng chắc chắn đã được chính phủ hai bên xem xét kỹ càng và cân nhắc đến. “Sự thật đơn giản là Trung Quốc chỉ là nước đi sau trong lĩnh vực công nghệ và cho đến nay vẫn tụt hậu trong hầu hết các lĩnh vực từ sản xuất chip, robot cho đến chế tạo máy bay và công nghệ dược phẩm. Tất nhiên có một số ngoại lệ, chẳng hạn như Huawei hiện đã vươn lên thành nhà tiên phong công nghệ mạng 5G. Nhưng trên rất nhiều lĩnh vực từ trí tuệ nhân tạo, công nghệ giám sát và nhận diện khuôn mặt, việc khẳng định sức mạnh thống trị của Trung Quốc dựa trên quy mô thương mại, nghiên cứu và vốn đầu tư… là hoàn toàn sai lầm. Hãy nghĩ mà xem: có công ty công nghệ Trung Quốc nào không bị ảnh hưởng nếu không có công nghệ Mỹ hay không? Câu trả lời là không”.

Theo bà Nina Xiang, phản ứng kiên nhẫn của Bắc Kinh cho đến nay chỉ ra rằng họ sẽ “ngồi yên” cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới - điều có thể làm thay đổi cục diện quan hệ Mỹ Trung. Nhưng điều này không có nghĩa là Trung Quốc hoàn toàn thất bại. Bởi nếu xung đột công nghệ giữa hai quốc gia tiếp tục trở nên tồi tệ, Trung Quốc có nền tảng, nguồn lực và các đồng minh để có thể dần bắt kịp công nghệ Mỹ, xây dựng hệ sinh thái công nghệ của riêng mình và cuối cùng thách thức vị thế thống trị công nghệ của Mỹ. Do đó, “một cuộc chiến tranh công nghệ leo thang với Trung Quốc không có lợi cho lợi ích dài hạn của Washington”, bà Nina Xiang khẳng định.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục