Lo nguồn cung thiếu hụt, giá tiêu tiếp đà tăng lấy lại mốc 70.000 đồng/kg

04/05/2023 13:42 GMT+7
VPSA cho rằng nguồn cung hạt tiêu có thể thiếu hụt nếu cứ tiếp diễn tình trạng người dân chặt tiêu để chuyển sang cây trồng khác. Giá tiêu hôm nay 4/5 tại thị trường trong nước tiếp đà tăng 500 đồng/kg tại các vùng trọng điểm. Hiện giá tiêu đã lấy lại mốc 70.000 đồng/kg...

Tiếp đà tăng, giá tiêu lấy lại mốc 70.000 đồng/kg

Giá tiêu hôm nay 4/5 tại thị trường trong nước tiếp tục điều chỉnh tăng 500 đồng/kg tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Hiện giá tiêu tại các vùng trọng điểm dao động quanh mốc 67.500 – 70.000 đồng/kg, giá tiêu đã lấy lại mốc 70.000 đồng/kg.

Tại khu vực Tây Nguyên, giá tiêu hôm nay dao động quanh mức 67.500 - 68.500 đồng/kg. Cụ thể, tại Gia Lai, giá tiêu hôm nay được thương lái thu mua ở mức 67.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu hôm nay cũng tăng 500 đồng/kg lên mức 68.500 đồng/kg.

Tương tự, tại Đông Nam bộ, giá tiêu hôm nay cũng điều chỉnh tăng. Hiện giá tiêu hôm nay tại Bà Rịa Vũng Tàu đang được thương lái thu mua ở mức 70.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg. Tại Đồng Nai giá tiêu dao động quanh mức 69.500 đồng/kg; tại Bình Phước, giá tiêu hôm nay ở mức 69.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Sau 1 tuần đi ngang, giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đã lấy lại đà tăng. Sau kỳ nghỉ lễ kéo dài, các giao dịch tiêu bắt đầu nhộn nhịp trở lại.

Lo nguồn cung thiếu hụt, giá tiêu tiếp đà tăng, lấy lại mốc 70.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Giá tiêu hôm nay 4/5 tại thị trường trong nước tiếp đà tăng 500 đồng/kg tại các vùng trọng điểm. Hiện giá tiêu đã lấy lại mốc 70.000 đồng/kg...

Trên thị trường thế giới, Cộng đồng hồ tiêu quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.275 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550g/l mức 3.325 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 4.830 USD/tấn.

Theo báo cáo tháng 4/2023 của Nedspice Group, vụ thu hoạch tại Việt Nam đã gần kết thúc, trong khi Campuchia đang vào giai đoạn cao điểm. Vụ thu hoạch ở Indonesia, Malaysia và miền Nam Brazil sẽ diễn ra trong 3 - 4 tháng tới. 

Nedspice cho biết sản lượng của Việt Nam năm nay lớn hơn năm ngoái, nhưng triển vọng những năm tới không mấy khả quan. Hầu như không có diện tích trồng mới nào trong những năm gần đây ở Việt Nam khi nông dân đang chuyển hướng sang các loại cây trồng khác cho thu nhập tốt hơn như sầu riêng, chanh leo và cà phê.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các quốc gia khác, dẫn đến sản xuất toàn cầu tiếp tục thấp hơn nhu cầu, tồn kho tại các nước xuất khẩu trọng điểm giảm. 

Tại Indonesia, nông dân nước này đang chuyển sang trồng cọ, cao su và cà phê. Do đó, sản lượng của Indonesia có xu hướng giảm, với vụ mùa của Bangka và Lampung ước tính giảm 10-15%/năm. Hiện sản lượng của Indonesia dự kiến vào khoảng 40 nghìn tấn, tiêu thụ nội địa là 17 nghìn tấn, còn khoảng 20 nghìn tấn dành cho xuất khẩu. 

Còn tại Brazil, nông dân nước này đang tập trung vào cà phê và một số loại cây khác thay vì hạt tiêu. Sản lượng của Brazil tăng trong những năm qua, nhưng xuất khẩu giảm 8% vào năm 2022, do nông dân tích trữ tiêu với hy vọng giá tăng. Nông dân ở bang Espirito Santo đã bán cà phê của họ trước. 

Sản xuất liên tục thu hẹp kéo theo sự sụt giảm trong dự trữ toàn cầu. Nedspice cho rằng khi vụ thu hoạch của Việt Nam kết thúc, dự kiến nguồn cung sẽ thấp hơn nhu cầu vào nửa cuối năm nay. Nếu các nhà đầu cơ tham gia thị trường, xu hướng tăng của giá tiêu sẽ diễn ra nhanh hơn. 

Việt Nam đã xuất khẩu hơn 76 nghìn tấn tiêu trong 3 tháng đầu năm, tăng 43,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, riêng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 25.919 tấn, tăng đột biến hơn 12 lần. Theo Nedspice, những con số này cho thấy một phần đáng kể của vụ mùa khoảng 185 nghìn tấn đã được bán. Với Brazil, theo số liệu của Trung tâm Thống kê Ngoại thương Nhà nước Brazil (Comex Stat), xuất khẩu tiêu của Brazil trong tháng 3 tăng mạnh 24% so với tháng trước lên mức 7.752 tấn. 

Vào tháng 2, giá tiêu đã tăng 12% so với mức đáy kể từ tháng 12 năm ngoái do thị trường được hỗ trợ bởi nhu cầu từ Trung Quốc. Bước sang tháng 3 giá tiêu giảm nhẹ khi vụ thu hoạch tại Việt Nam đạt đỉnh.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến thời điểm cuối tháng 3/2023, vụ thu hoạch tiêu của Việt Nam đã đạt khoảng 70% nên lượng hàng khá dồi dào. Các đại lý, thương lái bắt đầu thu mua  tiêu để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. 

Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết năm nay thu hoạch tiêu diễn ra chậm hơn mọi năm. Nguyên nhân là giá nhân công thu hái tăng cao nên các hộ tự hái, thu hoạch đến đâu, bán đến đó, chưa kể bà con mất thêm thời gian phơi sấy nên tốc độ hàng ra thị trường “nhỏ giọt”. Điều này khiến các doanh nghiệp nếu có đơn hàng lớn thì cũng không thể mua số lượng cần thiết. 

Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam dự báo sản lượng tiêu của nước ta năm 2023 tăng khoảng 7-10% so với 2022 lên khoảng 200.000 tấn. 

Mặc dù vậy, theo ghi nhận diện tích hồ tiêu tại một số địa phương đang có chiều hướng thu hẹp do người dân chuyển sang các cây trồng khác cho thu nhập cao hơn. 

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, tính đến tháng 3 năm nay diện tích cây hồ tiêu của tỉnh đã giảm 10,3% (tương ứng giảm 1.550 ha) so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 13.550 ha. Sản lượng thu hoạch trong 3 tháng đầu năm ước đạt 18.695 tấn, giảm 2.193 tấn so với cùng kỳ. 

Trong khi đó, một số loại cây ăn trái của tỉnh có diện tích tăng cao so với cùng kỳ như: Cây chuối 1.582 ha, tăng 49,37% (+523 ha); Cây sầu riêng 5.264 ha, tăng 53,09% (+1.826 ha). 

Trước đó, năm 2022 diện tích cây hồ tiêu của tỉnh giảm 1.144 ha so với năm 2021 xuống còn 13.857 ha; sản lượng ước đạt 26.492 tấn, giảm 1.284 tấn. 

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở các tỉnh sản xuất trọng điểm khác như Đắk Lắk, Đắk Nông. Cách đây 7 - 8 năm, hồ tiêu từng được ví là loại cây "vàng đen", nhiều nông dân ồ ạt mở rộng diện tích bất chấp quy hoạch. Thế nhưng giờ đây, không ít hộ đang chặt bỏ để trồng sầu riêng, trái cây đang được thị trường Trung Quốc chính thức mở cửa thu mua gần đây. 

Nếu thị trường vẫn không cho thấy sự khởi sắc nhiều khả năng diện tích và sản lượng hồ tiêu sẽ tiếp tục giảm, do nông dân bỏ bê, không chăm sóc. Về lâu dài điều này sẽ ảnh hưởng đến vị thế cây hồ tiêu Việt Nam trên thế giới.

Được biết, trong ngắn hạn, dự báo về thị trường tiêu tháng 5/2023, các chuyên gia nhận định tiếp tục diễn biến tích cực nhờ sản lượng vụ mới của các quốc gia sụt giảm. Điều này dẫn tới nguồn cung trong trung hạn bị thiếu hụt.

Trong khi đó, dự báo của một số tổ chức cho thấy nhu cầu về tiêu và gia vị đã hồi phục sau đại dịch, do đó cầu sẽ vượt cung trong năm nay.

Hoạt động xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam diễn ra sôi động hơn trong quý II/2023 nhờ nhu cầu tăng cao từ các thị trường Trung Quốc, Papua New Guinea, ASEAN, Thổ Nhĩ Kỳ... bù đắp cho nhu cầu nhập khẩu vẫn trầm lắng của thị trường Mỹ và EU.

Số liệu từ các nước sản xuất hàng đầu cho thấy thương mại tiêu đang có dấu hiệu phục hồi tại hai quốc gia sản xuất hàng đầu là Việt Nam và Brazil, nhưng tiếp tục giảm tại Indonesia và Ấn Độ. Bên cạnh đó, nhu cầu từ Trung Quốc và các nước Ả Rập tăng mạnh đang bù đắp cho sự sụt giảm của Mỹ và châu Âu.

Với Việt Nam, Trung Quốc hiện đã vượt qua Mỹ để vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của nước ta trong quý I với tỷ trọng chiếm 33,8% so với 3,9% của cùng kỳ.

Trái ngược với thị trường Trung Quốc, theo số liệu của Tổng cục Hải quan xuất khẩu tiêu sang một số thị trường chính khác lại sụt giảm trong quý I năm nay so với cùng kỳ như: Mỹ giảm 21,6%, Đức giảm 49,3%, Hà Lan giảm 46%, Ấn Độ giảm 20,7%...

Mặc dù vậy, một số thị trường khác ghi nhận xuất khẩu tăng mạnh 2 – 3 lần như Thổ Nhĩ Kỳ (+258,5%), Ai Cập (+258,5%), Senegal (+108,2%), Nga (+111,5%)…



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục