Giá tiêu tụt dưới mốc quan trọng 60.000 đồng/kg, quá nhiều nỗi lo
Thị trường trầm lắng, giá tiêu tụt dưới mốc quan trọng 60.000 đồng/kg
Giá hạt tiêu hôm nay (15/10) quay đầu giảm 500 đồng/kg tại các tỉnh trọng điểm trong nước. Hiện tại, giá thu mua tại tỉnh Gia Lai đã giảm xuống mức 59.500 đồng/kg. Thị trường nội địa đang ghi nhận khoảng giá 59.500 - 62.000 đồng/kg. Trong đó, Gia Lai và Đồng Nai lần lượt giao dịch với giá là 59.500 đồng/kg và 60.000 đồng/kg. Kế đó, hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cùng ghi nhận mức giá là 60.500 đồng/kg sau điều chỉnh. Tương tự, giá tiêu hôm nay tại hai tỉnh Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng giảm về mức tương ứng là 61.500 đồng/kg và 62.000 đồng/kg.
Như vậy, đúng như lo ngại, sau những phiên trầm lắng và giảm, thị trường hạt tiêu trong nước chính thức tụt giá dưới mốc quan trọng 60.000 đồng/kg.
Cùng đà giảm của thị trường trong nước, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế cũng giảm 100 USD/tấn với tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam. Tính trong 2 tuần đầu tháng 10/2022, giá tiêu trong nước giảm tới 3.500 - 4.000 đồng/kg.
Trái ngược thị trường trong nước, mặt hàng tiêu đen thế giới hồi phục trở lại sau đà giảm liên tiếp trong thời gian qua.
Theo đó, giá tiêu đen Lampung (Indonesia) tăng nhẹ 0,11%, lên mức 3.722 USD/tấn. Giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA tiếp tục giữ ở mức 5.100 USD/tấn.
Tương tự, giá hạt tiêu đen Brazil ASTA 570 neo ở mức 2.600 USD/tấn.
Đối với mặt hàng hạt tiêu trắng, thị trường Indonesia tăng nhẹ và giữ ổn định ở Malaysia.
Cụ thể, giá hạt tiêu trắng Muntok của Indonesia tăng nhẹ 0,10%, lên mức 6.023 USD/tấn. Trong khi đó, giá hạt tiêu trắng Malaysia ASTA duy trì ổn định ở mức 7.300 USD/tấn.
Thị trường hàng hóa nói chung và hạt tiêu nói riêng vừa nhận tin không vui khi Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9.
Theo đó, CPI của Mỹ đã tăng 0,4%, cao hơn mức dự báo 0,3% của các chuyên gia. So với cùng kỳ, lạm phát toàn phần tăng 8,2%, thấp hơn nhiều so với mức 9% vào tháng 6 nhưng vẫn dao động gần mức cao nhất kể từ đầu những năm 1980.
Lạm phát tăng tiếp tục củng cố cho việc tăng lãi suất trong đầu tháng 11/2022 tới của Mỹ, đồng nghĩa với đồng USD tiếp tục neo ở mức cao, những đồng nội tệ của các quốc gia khác sẽ bị giảm giá trị, dẫn đến doanh nghiệp gặp khó trong xuất khẩu.
Cũng theo công bố, chỉ số giá lương thực của Mỹ đã tăng 0,8% so với tháng trước, bằng với mức tăng trong tháng 8 và tăng 11,2% so với cùng kỳ. Giá lương thực tăng sẽ khiến người dân tập trung cho những nông sản thiết yếu. Cà phê và hạt tiêu sẽ bị giảm nhu cầu.
Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt 62,32 nghìn tấn, trị giá 307,59 triệu USD, giảm 4,4% về lượng, nhưng tăng 31,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Mỹ giảm nhập khẩu hạt tiêu từ hầu hết các nguồn cung chủ yếu, ngoại trừ Việt Nam và Trung Quốc. 8 tháng đầu năm 2022, Mỹ nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam đạt xấp xỉ 45,5 nghìn tấn, trị giá 222,23 triệu USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 45,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ chiếm 73% trong 8 tháng đầu năm 2022, cao hơn so với mức 67,17% trong 8 tháng đầu năm 2021.
Đầu tháng 10/2022, giá hạt tiêu trên thị trường thế giới biến động theo xu hướng giảm. Theo báo cáo của Ấn Độ, giá hạt tiêu của nước này liên tục giảm trong gần 1 tháng qua. Theo Hiệp hội Hạt tiêu thế giới, ngày 7/10/2022, giá hạt tiêu đen và trắng tại Indoneisia ở mức 3.824 USD/tấn và 6.214 USD/tấn, một số nhà sản xuất đã quay trở lại mua hàng.
Tại Brazil, giá hạt tiêu đen ở mức 2.550 USD/tấn. Tại Malaysia, giá hạt tiêu đen và trắng ở mức 5.100 USD/tấn và 7.300 USD/tấn. Tại Việt Nam, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l ở mức 3.250 USD/tấn và 3.350 USD/tấn, hạt tiêu trắng ở mức 4.850 USD/tấn.
Dự báo giá hạt tiêu thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm do nhu cầu giảm ở nhiều quốc gia, đặc biệt là nhu cầu từ Trung Quốc. Đồng USD neo cao đang kìm hãm xuất khẩu các nước. Lượng hạt tiêu tồn kho ở Việt Nam ước đạt 80.000 – 100.000 tấn, khối lượng tương đối cao trong bối cảnh xuất khẩu giảm.
Hiện thương lái Trung Quốc và các nhà xuất khẩu hạt tiêu lớn ở Việt Nam đang trong trạng thái chờ đợi. Thời điểm hiện tại, giá hạt tiêu của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi mà các nhà nhập khẩu châu Âu và Mỹ đã ký hợp đồng đến cuối năm nay.
Giá hạt tiêu trong nước đã giảm mạnh, xuống gần ngưỡng 60.000 đồng/kg, trong bối cảnh xuất khẩu giảm và thị trường đang có dấu hiệu xả hàng nhằm thu hồi vốn phục vụ cho sản xuất vụ mùa mới. Ngày 8/10/2022, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa đã giảm từ 2.500 – 3.000 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát) so với ngày 30/9/2022, xuống mức thấp nhất 60.500 đồng/kg tại tỉnh Gia Lai; mức cao nhất 63.500 đồng/kg tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; các khu vực khảo sát khác quanh mức 62.000 – 62.500 đồng/kg. Giá hạt tiêu trắng ở mức 109.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 9/2022 và thấp hơn so với mức 120.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2021.
Những thách thức lớn của ngành tiêu như giá bán thấp, thiếu tính bền vững
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 9/2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam giảm tháng thứ 3 liên tiếp, đạt 13,86 nghìn tấn, trị giá 56,83 triệu USD, giảm 25,8% về lượng và giảm 25,3% về trị giá so với tháng 8/2022, so với tháng 9/2021 giảm 9,1% về lượng và giảm 7,7% về trị giá. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 174,53 nghìn tấn, trị giá 770,44 triệu USD, giảm 18% về lượng, nhưng tăng 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Diễn biến giá: Tháng 9/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.099 USD/tấn, tăng 0,7% so với tháng 8/2022 và tăng 1,5% so với tháng 9/2021. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.414 USD/tấn, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Về thị trường: Tháng 9/2022 so với tháng 9/2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Mỹ, Nga. 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường Mỹ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Đức, Anh giảm, nhưng xuất khẩu sang Ấn Độ, Hà Lan, Hàn Quốc, Philippines, Nga, Thái Lan tăng.
Thị trường tiêu Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong tháng 8/2022 đạt 2,65 triệu USD, giảm 34,6% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc đạt xấp xỉ 30,12 triệu USD, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ cấu nguồn cung 8 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu hạt tiêu từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu hạt tiêu chủ yếu từ các thị trường như: Indonesia, Việt Nam, Brazil, Ý, Malaysia, Ấn Độ.
Tháng 8/2022, Việt Nam trở thành nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho Trung Quốc, kim ngạch đạt xấp xỉ 1,15 triệu USD, giảm 31,9% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam đạt 9,47 triệu USD, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 28,15% trong 8 tháng đầu năm 2021 lên 31,46% trong 8 tháng đầu năm 2022.
Tháng 8/2022, Indonesia trở thành nguồn cung hạt tiêu lớn thứ 2 cho Trung Quốc, kim ngạch đạt 895 nghìn USD, giảm 48,1% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, Indonesia vẫn là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho Trung Quốc, kim ngạch đạt xấp xỉ 14,64 triệu USD, giảm 25,7% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hạt tiêu của Indonesia trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 52,32% trong 8 tháng đầu năm 2021 xuống 48,6% trong 8 tháng đầu năm 2022.
Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng tiêu được giao dịch trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ngành tiêu Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn như giá bán thấp, thiếu tính bền vững.
Thị trường tiêu của Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục trầm lắng trong thời gian tới. Với tình hình hiện nay, nếu không có sự tăng tốc mạnh từ thị trường Trung Quốc, thì cột mốc xuất khẩu 1 tỷ USD của ngành hàng này khó đạt được trong năm nay.
Lý do là bởi Trung Quốc - thị trường tiêu thụ hạt tiêu hàng đầu, đang siết chặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam sắp vào vụ thu hoạch mới với kỳ vọng đạt năng suất tốt hơn vụ thu hoạch năm ngoái, do đó, các nhà xuất khẩu đang đẩy mạnh bán hàng để chuẩn bị cho vụ mới.
Xuất khẩu tiêu của Việt Nam những tháng còn lại của năm nay trông chờ vào tín hiệu từ thị trường Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).
Với Trung Quốc, theo dự báo của một số doanh nghiệp xuất khẩu tiêu, thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng căng thẳng chính trị tại Đông Âu và chính sách “Zezo Covid” của Trung Quốc.
Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) cho biết, Trung Quốc đã quay trở lại mua tiêu nhưng điều này có thể không đủ để thúc đẩy thị trường do Brazil và Indonesia đang bước vào mùa thu hoạch trong năm 2022. IPC kỳ vọng thị trường hạt tiêu sẽ ổn định và tăng lên trong tháng 11 và tháng 12/2022.
Để giảm thiểu những tác động của thị trường, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, tránh những rủi ro của giá lên xuống bấp bênh, ngành tiêu trong nước cần thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sự ổn định để có đầu ra bền vững.
Từ giờ đến hết năm 2022, thị trường trông chờ vào lực cầu từ thị trường hơn tỷ dân Trung Quốc và những thị trường khác khi bước vào giai đoạn tiêu dùng dịp lễ Tết cuối năm.
Ngay từ cuối năm ngoái, VPA nhận định chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc tác động không nhỏ tới thị trường hạt tiêu Việt Nam khi 90% lượng hạt tiêu của Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Do đó, chỉ khi thị trường này tăng mạnh nhập khẩu tiêu các tháng còn lại của năm nay như dự báo nêu trên thì xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ khởi sắc.
Theo Hiệp hội Hạt tiêu Quốc tế (IPC), lượng hàng trong kho ở các quốc gia tiêu thụ vẫn còn đáp ứng đủ nhu cầu, do đó, giá hạt tiêu toàn cầu trong những tháng qua và bây giờ không cho thấy sự dao động lớn mặc dù sản lượng được dự báo tiếp tục giảm 3% trong năm 2022, chủ yếu giảm từ Việt Nam và Ấn Độ.