Lùi đàm phán sang tháng 9, Mỹ và Trung Quốc đều không vội vàng
Mỹ và Trung Quốc lên kế hoạch vòng đàm phán tiếp theo trong tháng 9
Đàm phán diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Trump liên tục gây áp lực, chỉ trích thiện chí của Trung Quốc
Các quan chức Mỹ bao gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Văn phòng Thương mại Robert Lighthizer đã kết thúc cuộc hội đàm với phái đoàn ngoại giao Trung Quốc vào chiều Thứ Tư. Ngay sau đó, thông báo từ Nhà Trắng cho hay Washington sẽ là địa điểm diễn ra vòng đàm phán tiếp theo được tổ chức vào đầu tháng 9 tới.
Cũng trong tuyên bố này, Nhà Trắng khẳng định hai bên đã có những tiến bộ tích cực trong các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan hay xuất nhập khẩu nông sản sau cuộc gặp gỡ hôm 31/7.
Theo thông báo từ phía Mỹ, Trung Quốc đã xác nhận cam kết tăng cường mua nông sản Mỹ. Còn theo nguồn tin từ Tân Hoa Xã, các nhà đàm phán đã đi đến thống nhất trong vấn đề tăng cường nhập khẩu nông sản Mỹ dựa trên nhu cầu trong nước cũng như các điều kiện thuận lợi từ Mỹ. Tờ Tân Hoa Xã nhận định đây có thể xem là cuộc trao đổi thẳng thắn, hiệu quả và mang tính chất xây dựng giữa hai phái đoàn ngoại giao về các vấn đề kinh tế - thương mại lớn lao.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đồng thời nhấn mạnh hai quốc gia cần hợp tác thay vì đối đầu, và lặp lại thông điệp đàm phán thương mại cần tiến hành trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng chủ quyền của nhau.
Vòng đàm phán diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump liên tục chỉ trích Trung Quốc lật lọng, không mua nông sản Mỹ như cam kết bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20. Ông Trump còn bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào nỗ lực tiến đến thỏa thuận thương mại của phía Bắc Kinh.
Đáp lại luận điệu này, tờ Nhân dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã khẳng định Bắc Kinh đang thể hiện những thiện chí của mình, không có lý do gì nước này đi ngược lại cam kết khi mà hàng triệu tấn đậu nành Mỹ đang được vận chuyển đến cảng Trung Quốc bằng đường biển. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying cũng khẳng định việc Mỹ liên tục gây áp lực lên đàm phán là không có nghĩa lý gì. “Chỉ khi Mỹ thực sự thể hiện sự chân thành và tin tưởng, hai bên mới có thể đạt đến tiến bộ trong đàm phán.”
Kỳ vọng thỏa thuận thương mại vẫn mờ nhạt
Từ trước khi đàm phán Mỹ Trung diễn ra, các nhà phân tích đã luôn nhận định triển vọng cho những thỏa thuận lớn là rất thấp, trong bối cảnh cả hai bên không tỏ rõ thiện chí hay sự tin tưởng lẫn nhau. Hồi đàm phán đổ vỡ đầu tháng 5, cả Bắc Kinh và Washington đã không ngừng đổ lỗi cho nhau về những mâu thuẫn chưa thể giải quyết.
“Tôi kỳ vọng rất ít vào đàm phán, nhưng tôi vẫn thất vọng” - ông David Dollar từ Brookings Institution chia sẻ với Bloomberg. “Việc trì hoãn vòng đàm phán tiếp theo đến đầu tháng 9 là dấu hiệu cho thấy không bên nào cảm thấy sự bức thiết trong việc đạt được thỏa thuận”.
Thực tế, ông Trump nhiều lần tỏ ra thoải mái với tình trạng hiện tại. Ông Trump cũng cho rằng phía Trung Quốc sẽ trì hoãn đàm phán đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020 để xem liệu có thể tiến hành đàm phán với một vị Tổng thống “tay mơ” nào khác không.