Máy bay rơi ở Iran khiến 176 người thiệt mạng: Boeing lại lao đao
Chiếc máy bay phản lực Boeing 737-800 mang số hiệu PS752 của hãng hàng không Ukraine International Airlines cất cánh sáng 8/1 chở theo 167 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng ngay sau khi máy bay vừa rời khỏi sân bay quốc tế Imam Khomeini, Tehran, Iran. Vụ việc xảy ra vào lúc 5h44 giờ Tehran (9h44 giờ Hà Nội).
Truyền thông nhà nước Iran cho hay chiếc Boeing 737-800 vừa đạt đến độ cao khoảng 2.400m thì đột ngột biến mất khỏi màn hình radar trước khi bốc cháy và phát nổ ngay sau đó. Vụ việc xảy ra ngay sau khi Iran bắn hàng chục tên lửa đạn đạo vào căn cứ quân đội Mỹ tại Iraq để trả đũa vụ không kích của Mỹ giết chết chỉ huy quân sự cấp cao, thủ lĩnh lực lượng đặc nhiệm Quds - tướng Qassem Soleimani hôm 2/1.
Đại sứ quán Ukraine tại Tehran tuyên bố loại trừ nguy cơ khủng bố là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn. Theo thông tin sơ bộ, thảm họa hàng không bắt nguồn từ một sự cố động cơ. Cơ quan hàng không dân dụng Iran cho hay đã mở một cuộc điều tra về vụ việc.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây tuyên bố qua một thông điệp đăng tải trên MXH Facebook rằng ông sẽ hủy chuyến công du Oman và trở về Kiev sau thảm họa kinh hoàng khiến 176 nạn nhân thiệt mạng. Tổng thống đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình, thân nhân các hành khách và phi hành đoàn có mặt trên chuyến bay định mệnh.
Các đội cứu hộ khẩn cấp đã được phái đến địa điểm gặp nạn nhưng không thể hỗ trợ lập tức vì khu vực đó bốc cháy dữ dội, trích lời Pirhossein Koulivand, người đứng đầu cơ quan Dịch vụ y tế khẩn cấp của Iran.
Nguồn tin từ FlightRadar 24 cho hay vụ tai nạn xảy ra chỉ khoảng 2 phút sau khi máy bay cất cán. Cũng theo FlightRadar 24, chiếc máy bay xảy ra sự cố đã hoạt động được khoảng 3,5 năm.
Thảm họa hàng không tại Iran cũng được cho là sẽ ảnh hưởng lớn đến danh tiếng gã khổng lồ hàng không Mỹ Boeing, vốn đã lao đao sau hai vụ tai nạn máy bay Boeing 737-800 Max khiến 364 người thiệt mạng. Hàng loạt chính phủ trên thế giới trong năm qua đã ban hành lệnh cấm Boeing 737 Max bay trong không phận, bất chấp việc Cơ quan Quản lý Hàng không Mỹ (FAA) khẳng định Boeing 737 MAX vẫn đủ điều kiện hoạt động. Trước tình hình đó, Boeing đã phải chi gần 5 tỷ USD để bồi thường cho các hãng hàng không bị cấm bay, khoản bồi thường được trừ trực tiếp vào lợi nhuận sau thuế của quý II/2019. Cổ phiếu Boeing đã giảm khoảng 20% kể từ sau bi kịch máy bay rơi ở Ethiopian hồi tháng 3/2019.
Đáng nói hơn, vụ máy bay rơi ở Iran diễn ra chỉ vài ngày trước khi ông David Calhoun nhậm chức CEO Boeing thay thế cho Dennis Muilenburg, người đã bị sa thải hồi tháng 12/2019 sau một năm thảm họa của Boeing. Ông Calhoun được kỳ vọng sẽ đưa Boeing vượt qua cơn khủng hoảng hiện tại, lấy lại uy tín vốn có và vượt mặt đối thủ Airbus của EU.
Trong thập kỷ qua, dòng máy bay Boeing 737-800 cũng dính líu đến hàng loạt thảm họa hàng không chế người như vụ tai nạn khi hạ cánh của chuyến bay Air India Express khởi hành từ Dubai hồi tháng 5/2010 khiến 150 người tử vọng. Gần đây nhất, hồi tháng 2/2016, chiếc Boeing 737-800 của Flydubai cất cánh từ Dubai cũng bị rơi khi hạ cánh tại sân bay Rostov-on-Don (Nga) khiến 62 người thiệt mạng.
Một số hình ảnh hiện trường thảm khốc của vụ tai nạn máy bay ở Tehran khiến 176 người thiệt mạng.