Mexico từ chối thỏa thuận cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng của OPEC+, giá dầu lao dốc

10/04/2020 09:40 GMT+7
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu giữa OPEC và các đồng minh đang gặp phải những rào cản khi Mexico trong cuộc họp hôm 9/4 tuyên bố từ chối chia sẻ mức cắt giảm sản lượng mà khối này đưa ra.
Mexico từ chối thỏa thuận cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng của OPEC+, giá dầu lao dốc - Ảnh 1.

Giá dầu lao dốc khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ vấp phải sự từ chối bất ngờ từ Mexico

Cuộc họp khẩn giữa tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh bắt đầu từ 10:30 sáng và kết thúc vào buổi tối (theo giờ Mỹ). Các thành viên khác của OPEC+ dẫn đầu là Nga và Saudi Arabia trong phiên họp đã thống nhất mức cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tấn công nhu cầu dầu thô toàn cầu. Nhưng việc Mexico từ chối chia sẻ mức cắt giảm này đang đưa cuộc thảo luận của OPEC+ vào thế bế tắc mà chưa có thỏa thuận cụ thể nào. OPEC+ dự kiến sẽ tiếp tục họp vào 10/4, theo nguồn tin từ Bloomberg.

Tờ Reuters đưa tin thỏa thuận cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày có vẻ sẽ kéo dài trong 2 tháng là tháng 5 và tháng 6 trước khi giảm xuống mức 8 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2020 và 6 triệu thùng/ ngày kể từ tháng 1/2021 đến 22/4/2021. OPEC+ cũng kêu gọi các nhà sản xuất nằm ngoài khối bao gồm Mỹ thực hiện cắt giảm sản lượng khoảng 5 triệu thùng/ ngày trong nỗ lực bình ổn giá dầu toàn cầu.

Sau cuộc họp khẩn, Bộ trưởng Năng lượng Mexico Rocío Nahle tuyên bố trên Twitter rằng nước này sẵn sàng cắt giảm sản lượng 100.000 thùng dầu/ ngày trong 2 tháng tới. Mức cắt giảm như vậy chỉ bằng 1/4 con số đề nghị 400.000 thùng/ ngày mà OPEC+ đặt ra với Mexico, theo Reuters.

Bất chấp tiềm năng thỏa thuận cắt giảm sản lượng khổng lồ, giá dầu vẫn giảm trong phiên giao dịch 9/4 do các nhà đầu tư quan ngại mức cắt giảm ấy không đủ để bù đắp nhu cầu dầu giảm mạnh trên toàn cầu do hệ lụy từ dịch Covid-19. Giá dầu WTI của Mỹ  9,29%, tương đương 2,33 USD/ thùng xuống mức 22,76 USD/ thùng. Trước đó, trong phiên giao dịch, có thời điểm hợp đồng tương lai dầu WTI tăng hơn 12% lên mức 28,36 USD/ thùng khi có báo cáo cho rằng Saudi Arabia và Nga đang thảo luận về mức cắt giảm sản lượng ít nhất 20 triệu thùng/ ngày. Giá dầu Brent chuẩn quốc tế cũng giảm 4,14% xuống 31,48 USD/ thùng. 

Ông Bjornar Tonhaugen, người đứng đầu công ty Rystad Energy nhận định: “Mặc dù mức cắt giảm 10 triệu thùng/ ngày có thể giúp thị trường giảm bớt nguồn cung trong thời gian ngắn, nhưng đó vẫn là động thái đáng thất vọng với những người nhận ra rằng tình trạng dư cung dầu đã trở nên nghiêm trọng ra sao (khi nhu cầu dầu thế giới giảm mạnh)”. 

Tổng thư ký OPEC, ông Mohammad Barkindo nhận định: “Dịch Covid-19 là con quái vật vô hình đang tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế. Đối với thị trường dầu mỏ, đại dịch đã đảo lộn hoàn toàn mức cân bằng cung cầu kể từ cuộc họp cuối cùng của OPEC+ hôm 6/3 đến nay”. 

Helima Croft, chuyên gia nghiên cứu từ RBC nhận định: “Thị trường đã thất vọng do mức cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng/ ngày do những kỳ vọng ban đầu về việc cắt giảm 20 triệu thùng/ ngày. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng điều quan trọng nhất để vực dậy thị trường là vực dậy nhu cầu dầu giảm mạnh và đưa cuộc chiến giá cả giữa Nga - Saudi Arabia kết thúc nhanh chóng”. 

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette hôm 9/4 cho rằng OPEC+ dễ dàng đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu 10 triệu thùng hoặc cao hơn, nhưng rõ ràng những diễn biến mới đây không chứng thực suy đoán đó. Các Bộ trưởng Năng Lượng của nhóm G20 sẽ họp bất thường hôm 10/4 trong nỗ lực thúc đẩy đối thoại và hợp tác toàn cầu để bình ổn thị trường năng lượng, mở ra cửa sáng cho nền kinh tế.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục