Minh Phú lỗ hơn 88 tỷ trong 6 tháng đầu năm, chiến lược của ông Lê Văn Quang có đưa MPC về đích?

01/08/2023 13:25 GMT+7
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Thủy sản Minh Phú (MPC) ghi nhận 4.472,5 tỷ đồng doanh thu, giảm 49%; lỗ sau thuế hơn 88 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 242 tỷ đồng.

Thủy sản Minh Phú báo lãi quý II/2023 giảm 93,2%

CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II và lũy kế 6 tháng đầu năm 2023. Trong kỳ, Thủy sản Minh Phú ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.350 tỷ đồng, giảm 47,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn bán hàng giảm 44% xuống 2.019 tỷ đồng, lợi nhuận gộp kỳ này giảm 63% xuống 331 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm 20% xuống 14%.

Doanh thu hoạt động tài chính giảm 18,8% xuống 12,4 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 41,5% xuống hơn 50 tỷ đồng. Chi phí bán hàng ở mức 181,6 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 74,5 tỷ đồng, cùng giảm 61% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận khác lãi 2,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 158 triệu đồng.

Kết quả quý II/2023, Thủy sản Minh Phú báo lãi hợp nhất đạt 10,1 tỷ đồng giảm 93,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lãi công ty mẹ đạt gần 11 tỷ đồng.

Minh Phú lỗ hơn 88 tỷ trong 6 tháng đầu năm, chiến lược của ông Lê Văn Quang có đưa MPC về đích? - Ảnh 1.

BCTC hợp nhất quý II/2023 của MPC

Lũy kế 6 tháng đầu năm, MPC ghi nhận 4.472,5 tỷ đồng doanh thu, giảm 49%; lỗ sau thuế hơn 88 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 242 tỷ đồng.

Năm 2023, Minh Phú đặt mục tiêu doanh thu đạt 12.789,5 tỷ đồng, giảm 22% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 689,7 tỷ đồng; trong đó, Minh Phú Cà Mau kỳ vọng mang về 360 tỷ đồng, Minh Phú Hậu Giang đạt 350 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 639,3 tỷ đồng, giảm 23%.

Như vậy, sau 6 tháng MPC mới đạt 35% mục tiêu doanh thu và còn xa mới đạt được kế hoạch lãi.

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Thủy sản Minh Phú giảm nhẹ so với đầu năm, ở mức 10.433 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 67,4% xuống 273,2 tỷ đồng; đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng 32,3% lên 61,5 tỷ đồng, đầu tư chứng khoán 8,8 tỷ đồng, dự phòng giảm giá chứng khoán gần 5,6 tỷ đồng.

Phải thu khách hàng ngắn hạn giảm 21% xuống 976 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng 11% lên hơn 5.600 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả của MPC giảm nhẹ xuống 4.760 tỷ đồng, vay nợ ngắn hạn giảm nhẹ 3% xuống 3.669 tỷ đồng, vay nợ dài hạn tăng 51,7% lên 201,3 tỷ đồng.

Trong kỳ, Thủy sản Minh Phú bán hàng cho CTCP Thủy sản Minh Phú Hậu Giang giá trị 2.204 tỷ đồng, ngược lại, MPC cũng mua hơn 2.100 tỷ đồng hàng hóa của Thủy sản Minh Phú Hậu Giang. MPC bán cho Công ty Mseafood Corporation hơn 133,4 tỷ đồng, giao dịch với Ebisumo Logistics Co,,Ltd gần 64,5 tỷ đồng, bán hàng hóa, dịch vụ cho Công ty TNHH nuôi trồng Thủy sản MPLA 88 tỷ đồng...

Chiến lược của Thủy sản Minh Phú

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, lãnh đạo Thuỷ sản Minh Phú nhận định, kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong năm 2023 chưa lạc quan hơn nhưng công ty đã và đang có những mục tiêu phát triển trong tương lai. Cụ thể, công ty đặt chiến lược trọng tâm phấn đấu đến năm 2030 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng với Ấn Độ và phấn đấu đến năm 2035 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng với Ecuador.

Ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc MPC đã nhấn mạnh, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cho Thuỷ sản Minh Phú cũng như ngành tôm Việt Nam thì không còn con đường nào khác ngoài việc phải giảm được giá thành tôm nuôi xuống bằng Ấn Độ, tiến tới là ngang bằng Ecuador.

Để cạnh tranh được với tôm Ấn Độ và tôm Ecuador, vị lãnh đạo Thuỷ sản Minh Phú đưa ra bốn giải pháp chiến lược.

Thứ nhất, tận dụng các loài tôm bản địa của Việt Nam mà đối thủ không có. Theo đó, Thuỷ sản Minh Phú sẽ không trực tiếp cạnh tranh với mức giá quá thấp của Ecuador, thay vào đó tập đoàn này sẽ gia tăng sản xuất và xuất khẩu tôm sú, tôm bạc thẻ và tôm đất; đẩy nhanh, đẩy mạnh gia hoá cải thiện di truyền tôm bố mẹ sú/tôm bố mẹ bạc thẻ/tôm bố mẹ đất. Đây là 3 loại tôm bản địa của Việt Nam mà Ecuador không có, từ đó tiến tới nâng thị phần của tôm sú từ 20% lên 50%, tôm bạc thẻ và tôm đất từ 5% lên 20%.

Thứ hai, hợp tác với đối tác nước ngoài để nâng cao chất lượng tôm giống. Thuỷ sản Minh Phú cho biết sẽ hợp tác với các công ty sản xuất tôm bố mẹ ở Hawaii (Hoa Kỳ) để gia hoá và sản xuất tôm bố mẹ thẻ chân trắng ở Việt Nam, nhằm tạo ra tôm giống có khả năng chống chịu tốt và thích ứng tốt với dịch bệnh, thời tiết, khí hậu và môi trường của Việt Nam, cũng như có giá thành tôm bố mẹ thấp.

Thứ ba, sản xuất tôm giống kháng bệnh. Thuỷ sản Minh Phú sẽ tập trung sản xuất ra tôm giống chất lượng cao kháng bệnh và thích nghi với thời tiết khí hậu, môi trường Việt Nam đưa tỷ lệ thành công của ngành nuôi tôm Việt Nam đến năm 2030 đạt trên 60% và đến năm 2035 đạt trên 80%.

Thứ tư, hoàn thiện các mô hình nuôi tôm để hạ giá thành về tương đương Ấn Độ và Ecuador. Thuỷ sản Minh Phú đề ra việc triển khai các mô hình nuôi tôm sú rừng, tôm sú quảng canh, tôm sú bán thâm canh, tôm sú - lúa, tôm thẻ chân trắng thâm canh và tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao phù hợp với từng vùng miền với giá thành thấp bằng Ấn Độ từ năm 2030 và bằng Ecuador từ năm 2035.

O.L
Cùng chuyên mục