Muốn làm ăn ở Trung Quốc, phải tuân theo luật chơi của Bắc Kinh!

05/04/2021 14:35 GMT+7
Vụ việc tẩy chay hàng loạt thương hiệu H&M, Nike, Adidas... gần đây được cho là lời cảnh báo của Bắc Kinh đến các doanh nghiệp phương Tây rằng bất kỳ tập đoàn đa quốc gia nào cũng cần tuân theo luật chơi của Trung Quốc nếu muốn hoạt động ở Trung Quốc.

Các công ty muốn kinh doanh tại thị trường Trung Quốc từ lâu đã buộc phải thỏa hiệp để kiếm lợi từ đất nước tỷ dân. Nhưng giờ đây, một cuộc tranh chấp ngoại giao leo thang về vấn đề nhân quyền giữa Trung Quốc và các quốc gia phương Tây đang khiến các công ty này phải đối mặt với sự lựa chọn quyết liệt giữa lợi nhuận và nguyên tắc quốc gia.

Những căng thẳng đã leo thang khi các nhà chức trách Mỹ, EU và Anh cáo buộc chính phủ Trung Quốc về hành vi đàn áp người dân tộc Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương thông qua hình thức lao động cưỡng bức, giam giữ hàng loạt.

Bắc Kinh đã kịch liệt phủ nhận các cáo buộc, đồng thời tuyên bố những nơi bị phương Tây chỉ trích là trại giam giữ hàng loạt thực chất là trung tâm đào tạo nghề. Nhưng điều này không làm hạ nhiệt căng thẳng.

Vài ngày sau, hàng loạt thương hiệu bán lẻ phương Tây như H&M, Nike, Adidas đã bị đe dọa tẩy chay tại thị trường Trung Quốc vì một tuyên bố khẳng định lập trường chống lại cáo buộc lao động cưỡng bức để sản xuất bông ở Tân Cương. Các sản phẩm của H&M thậm chí còn bị hàng loạt sàn thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc gỡ bỏ hoàn toàn.

Vụ việc được cho là lời cảnh báo của Bắc Kinh đến các doanh nghiệp phương Tây rằng bất kỳ tập đoàn đa quốc gia nào cũng cần tuân theo luật chơi của Trung Quốc nếu muốn hoạt động ở Trung Quốc.

Muốn làm ăn ở Trung Quốc, phải tuân theo luật chơi của Bắc Kinh! - Ảnh 1.

Muốn làm ăn ở Trung Quốc, phải tuân theo luật chơi của Bắc Kinh!

Nhiều tập đoàn đa quốc gia trước đây có “thói quen” sẵn sàng tuân theo luật chơi mà Bắc Kinh đưa ra, do sức hấp dẫn quá lớn từ nền kinh tế - thị trường khổng lồ tỷ dân với sức tiêu thụ hàng hóa - dịch vụ bao gồm cả hàng xa xỉ rất lớn. Nhưng khi căng thẳng chính trị giữa Trung Quốc và phương Tây leo thang và cuốn cả các tập đoàn này vào giữa cơn lốc xoáy, họ khó tránh khỏi việc phải chọn một bên.

James McGregor, Chủ tịch của công ty tư vấn APCO Worldwide tại Trung Quốc cho biết: “Những công ty này bị cuốn vào trung tâm (cuộc chiến) và không có câu trả lời nào để hài lòng cả đôi bên. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc cảm thấy thực sự bị đe dọa bởi các lệnh trừng phạt (của phương Tây), và họ quyết định trả đũa mạnh mẽ nhất có thể để các công ty phải khuất phục trước ảnh hưởng của chính phủ”.

Các công ty nước ngoài khó rời bỏ thị trường tỷ dân của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bởi sức tiêu dùng phong phú và tầng lớp trung lưu ngày một tăng khơi mở tiềm năng lớn lao về tiêu thụ.

Ông Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á, đồng thời là giám đốc Dự án Điện lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: “Việc tiếp cận thị trường nội địa ở Trung Quốc luôn là điều hấp dẫn. Nhiều năm trước, khi những công ty tiên phong tiến vào Trung Quốc, họ thậm chí chấp nhận không kiếm tiền trong một số năm, nhưng vẫn ở lại, vì cuối cùng thị trường tỷ dân này rồi sẽ chi tiêu khi người dân ngày càng giàu có”.

Các công ty quốc tế thường bị buộc phải nhượng bộ, tuân theo luật chơi của Bắc Kinh nếu muốn tiếp cận thị trường. Ví dụ, họ buộc phải hoạt động thông qua các liên doanh được thành lập với những đối tác địa phương, hay bị ép buộc chuyển giao công nghệ - một trong những điều mâu thuẫn chính làm bùng phát chiến tranh thương mại Mỹ Trung dưới thời Trump.

Một số công ty từ chối tuân thủ quy tắc này đã bị chặn hoàn toàn khỏi Trung Quốc. Ví dụ, Google từng cung cấp dịch vụ tìm kiếm ở Trung Quốc từ năm 2006-2010, với sự kiểm duyệt kết quả theo định hướng của Bắc Kinh. Nhưng khi Google quyết định chấm dứt hoạt động kiểm duyệt như vậy, dịch vụ tìm kiếm Google đã bị cấm hoàn toàn khỏi Trung Quốc.

Ngay cả những công ty có mối quan hệ tương đối chặt chẽ với các quan chức Trung Quốc như Tesla cũng phải đối diện thách thức khi hoạt động tại thị trường tỷ dân. Tesla gần đây cũng lao đao khi quân đội Trung Quốc đã cấm các phương tiện sản xuất bởi nhà sản xuất ô tô điện Mỹ ra vào các khu phức hợp quân đội do lo ngại tính bảo mật của hệ thống camera trong phương tiện. Vài ngày sau, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc, CEO Tesla Elon Musk đã không tiếc dành lời có cánh để khen ngợi quốc gia tỷ dân.

Isaac Stone Fish, Giám đốc điều hành của Strategy Risks, một công ty nghiên cứu vấn đề rủi ro doanh nghiệp ở Trung Quốc, cho biết: “Các doanh nghiệp đã buộc phải chọn bên và họ đang thực sự cố gắng để không phải làm điều đó một cách công khai, rạch ròi… Họ đang cố gắng cân bằng giữa thị trường quan trọng nhất (quê nhà) và thị trường tăng trưởng quan trọng nhất (Trung Quốc), dù đôi khi điều đó đồng nghĩa với việc phải hy sinh các nguyên tắc”.


NTTD
Cùng chuyên mục