Lo các doanh nghiệp "bỏ rơi" thị trường Trung Quốc, ông Tập vội gửi thông điệp nóng
Trong lá thư gửi Hội đồng CEO toàn cầu, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh nền tảng kinh tế Trung Quốc vẫn bền vững bất chấp tác động của đại dịch Covid-19 cũng như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. “Trung Quốc sẽ không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh với doanh nghiệp trong nước và quốc tế, để mang đến những cơ hội mới, triển vọng mới. Bạn đã lựa chọn đúng đắn khi mở rộng hoạt động kinh doanh sang thị trường Trung Quốc để thúc đẩy sự phát triển” - trích nội dung lá thư được tờ Tân Hoa xã đăng tải. “Tôi kỳ vọng bạn sẽ duy trì quan hệ làm ăn win - win và tăng cường hợp tác, hội nhập sâu rộng với các doanh nghiệp Trung Quốc”.
Hội đồng CEO toàn cầu là nhóm các CEO cấp cao điều hành các công ty đa quốc gia từ 39 nước và vùng lãnh thổ. Nhóm này được thành lập năm 2013 bởi Hiệp hội Hữu nghị Nhân dân Trung Quốc, một trong những tổ chức ngoại giao của Bắc Kinh nhằm mục đích cải thiện quan hệ của Bắc Kinh với các công ty đa quốc gia trên toàn cầu.
Thông điệp được ông Tập phát đi trong bối cảnh Trung Quốc vừa công khai số liệu tăng trưởng GDP quý II/2020 đạt 3,2%, vượt xa kỳ vọng của các nhà phân tích. Hồi quý I/2020, kinh tế Trung Quốc chứng kiến mức giảm tốc -6.8%, tồi tệ nhất trong gần 3 thập kỷ do tác động từ các biện pháp phong tỏa kiểm dịch, hạn chế sự lây lan virus SARS-CoV-2. Nhưng nhờ những biện pháp chặt chẽ như vậy, Trung Quốc sau đó đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố kiểm soát thành công đại dịch và mở cửa trở lại nền kinh tế.
Ông Tập đồng thời hứa hẹn Trung Quốc sẽ thúc đẩy mở cửa kinh tế giữa lúc các doanh nghiệp toàn cầu lo ngại về sự leo thang căng thẳng Mỹ - Trung cũng như nguy cơ phân cực giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thêm vào đó, mối quan hệ lạnh đi giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia sau hàng loạt sự kiện gần đây như Úc kêu gọi điều tra nguồn gốc dịch Covid-19, Canada phán quyết rắn với “công chúa” Huawei Mạnh Vãn Châu, xung đột biên giới Trung - Ấn, Anh cấm cửa Huawei… cũng làm dấy lên nhiều mối lo ngại.
Trung Quốc thậm chí đã ban hành các biện pháp trừng phạt với Canada và Úc do cáo buộc các nước này tham gia vào chính trị trong nước. Về phía Anh và Ấn Độ, Trung Quốc cũng cảnh báo sẽ có hành động đáp trả cần thiết nếu căng thẳng tiếp tục leo thang.
Hồi tháng trước, công ty nghiên cứu nguồn cung Qima đã thực hiện khảo sát trên 200 công ty sở hữu chuỗi cung ứng toàn cầu. Đáng chú ý, 95% doanh nghiệp Mỹ được hỏi cho biết họ đang lên kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung, thay thế các nhà cung cấp Trung Quốc do hàng loạt bất ổn có thể dự đoán trước.
Hơn một nửa doanh nghiệp Châu Âu cũng có ý định giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung Trung Quốc, theo kết quả khảo sát của Qima.
Khi các chính trị gia Washington và Brussel củng cố lập trường chống lại Bắc Kinh, đích thân ông Tập đã nỗ lực thuyết phục các đại gia doanh nghiệp trên toàn cầu ở lại thị trường Trung Quốc với những lời hứa hẹn về cơ hội kinh doanh đầy sáng sủa như trong thông điệp mới đây. Động thái này nhằm duy trì vị thế quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu, điều đang có nguy cơ lung lay bởi những chính sách cứng rắn từ chính quyền Trump.
Tuy nhiên, chiến lược thu hút đầu tư mà Bắc Kinh đang thực hiện ngày càng mất đi sức hấp dẫn, nhất là sau dự luật an ninh quốc gia mới với Hồng Kông bị các chính phủ Anh, Mỹ phản đối mạnh mẽ.