Mỹ âm thầm cho phép mua phân bón Nga
Nỗ lực này là một phần trong các cuộc đàm phán phức tạp và khó khăn đang triển khai với sự tham gia của Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy việc cung cấp phân bón, ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác từ Nga và Ukraine sau khi bị gián đoạn do chiến sự.
EU và Mỹ áp dụng các biện pháp miễn trừ trong các lệnh trừng phạt kinh tế Nga để cho phép buôn bán phân bón, mặt hàng mà Moscow là nhà cung cấp chính trên toàn cầu. Nhưng nhiều chủ tàu thuyền, ngân hàng và công ty bảo hiểm né những giao dịch này do lo ngại vi phạm các biện pháp trừng phạt. Xuất khẩu phân bón của Nga giảm 24% trong năm nay.
Bloomberg chỉ ra, động thái của Mỹ nêu bật thách thức mà Washington và các đồng minh phải đối mặt khi tìm cách tăng sức ép lên Moscow, đồng thời tìm cách hạn chế thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp hàng hóa từ Nga, từ khí đốt, dầu mỏ đến phân bón và ngũ cốc. Giá của tất cả những mặt hàng này đã tăng vọt thêm từ khi chiến sự Ukraine bắt đầu hồi cuối tháng 2.
Washington đã cử một đại diện tham dự cuộc đàm phán ở Moscow hồi đầu tháng 6 bàn về vấn đề nguồn cung. Cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc dẫn đầu. Việc giao không đủ phân bón trong năm nay cũng có thể ảnh hưởng đến vụ mùa của năm sau.
Điện Kremlin đã kêu gọi Mỹ đảm bảo với người mua và chủ tàu thuyền chở phân bón và ngũ cốc về việc không bị trừng phạt, tín hiệu cho thấy đây là điều kiện cho bất kỳ động thái nào để giải phóng các lô nông sản Ukraine thời điểm hiện tại, Bloomberg nhận định.
"Với Nga, điều thực sự quan trọng là giới chức Mỹ phải gửi một tín hiệu rõ ràng rằng những giao dịch này được phép, vì lợi ích của an ninh lương thực toàn cầu và họ không nên từ chối thực hiện chúng" - Ivan Timofeev, chuyên gia về trừng phạt tại Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga do Điện Kremlin thành lập, nói.
Theo liên minh ngũ cốc Nga, tổng lượng xuất khẩu trong mùa này giảm 14% và xuất khẩu lúa mì tăng gấp đôi trong tháng 5.
Trong khi đó, hơn 25 triệu tấn ngũ cốc, dầu hướng dương và các mặt hàng khác đang bị mắc kẹt ở Ukraine do lo ngại an ninh tại các cảng Biển Đen và các tuyến đường hàng hải thường được sử dụng để vận chuyển những mặt hàng này ra thị trường toàn cầu. Giới chức cảnh báo tình hình sẽ nghiêm trọng hơn khi vụ thu hoạch mới bắt đầu.
Đàm phán để giải phóng những lô hàng này diễn ra chậm chạp liên quan tới vấn đề gỡ mìn ở các cảng vào Ukraine. Nga giành được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ trong lời kêu gọi nới lỏng các lệnh trừng phạt vào tuần trước, nhưng những nỗ lực của Ankara để dàn xếp một giải pháp nhằm tái khởi động vận chuyển các lô hàng tới nay cũng chưa mang lại kết quả.