Mỹ áp thuế hơn 400% thép Việt: "Nguy cơ kép" của ngành thép

04/07/2019 20:00 GMT+7
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, đây là "nguy cơ kép" với ngành thép, do Mỹ áp dụng mức thuế cao với thép nguyên liệu nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan, không chỉ từ Trung Quốc.

Báo cáo cạnh tranh năm 2018 của Bộ Công Thương ghi nhận, trong giai đoạn từ 2007-2016, ngành thép Việt Nam đã đối mặt với 29 vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước.

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, báo cáo về tình hình thương mại, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, 6 tháng đầu năm có nhiều điểm đáng lưu ý khi tiếp tục diễn biến phức tạp, thương mại và kinh tế thế giới đều suy giảm; thương mại toàn cầu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, tuy khó khăn nhưng hoạt động xuất khẩu, thương mại vẫn đạt được kết quả tương đối tích cực, tương đối ổn định, đạt được mục tiêu kép.

Vì thế, 6 tháng cuối năm sẽ đẩy nhanh tiến trình hội nhập, đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại để phát triển thị phần, nhất là tại các thị trường có Hiệp định Thương mại tự do.

“Để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2019, thì trong 6 tháng cuối năm, chúng ta phải đạt quy mô xuất khẩu hơn 23 tỷ USD/tháng. Nhiều dấu hiệu cho thấy lạc quan. Cơ hội tăng trưởng của các ngành hàng thuỷ sản dệt may là rất lớn”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá, tăng trưởng công nghiệp 6 tháng cuối năm có dư địa lớn với một số dự án, cơ sở chế biến chế tạo đi vào hoạt động.

Đặc biệt, trao đổi về tuyên bố mới đây của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ về việc sẽ áp mức thuế lên tới 456,23% giá trị sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, lần áp thuế này không phải áp dụng với thép nguyên liệu nhập từ Trung Quốc mà lại từ Hàn Quốc, Đài Loan.

“Như vậy, đây là "nguy cơ kép" với ngành thép, Mỹ sẽ không chỉ tăng nguy cơ áp thuế với nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc mà còn từ các thị trường khác”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương phân tích thêm, trước kia Mỹ chấp nhận cốt thép nhập khẩu về Việt Nam rồi chế biến xuất khẩu sang nước này. Tuy nhiên hiện nay, phía Mỹ cho rằng quá trình biến đổi này là không đáng kể. Do đó, phía Mỹ tăng thuế mức lên trên 400%.

Chỉ đạo thêm về những vấn đề trên, tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, xuất khẩu tuy không đạt như kỳ vọng nhưng vẫn rất tích cực. Điều này đòi hỏi Trung ương, địa phương cần tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường mới, thúc đẩy thị trường hiện có.

Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương tới việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động cấp phép, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), khai báo hải quan… cũng như quan tâm, chọn lọc chặt chẽ hơn các dự án FDI…

Trước đó, ngày 2/7, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép CR và thép CORE của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Theo DOC, việc sản xuất thép CR, CORE từ thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc là chuyển đổi không đáng kể, giúp lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Dự kiến, DOC sẽ thông báo quyết định cuối cùng về cuộc điều tra này vào tháng 9/2019.

Theo Báo Hải quan
Cùng chuyên mục