Mỹ tìm cách hủy tư cách luật sư của Huawei

04/06/2019 14:08 GMT+7
Huawei đang rất nỗ lực trong việc đưa ông James Cole, cựu Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Mỹ, trở lại ghế luật sư chính trong vụ kiện tụng liên quan đến hơn 20 cáo buộc vi phạm lợi ích an ninh quốc gia.

Các công tố viên Mỹ hôm 3.6 đã yêu cầu thẩm phán tòa án quận Brooklyn bác bỏ những động thái mới đây của Huawei sau khi Nhà Trắng cố gắng hủy bỏ tư cách luật sư bào chữa của ông James Cole trong một vụ kiện cáo buộc Huawei gian lận ngân hàng và ăn cắp bí mật thương mại.

Trước đó, hồi tháng 5, các công tố viên Mỹ từng đơn đệ trình lên tòa án Brooklyn về việc tước quyền bào chữa cho Huawei của ông James Cole - người từng giữ vị trí chủ chốt trong bộ Tư pháp Mỹ do những xung đột lợi ích. Khi ông James Cole còn công tác trong bộ Tư pháp, Huawei đã bị chính phủ Mỹ cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại và vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế với Iran. Điều này có nghĩa là vị luật sư của Huawei có thể đang nắm được những thông tin tình báo chống lại Huawei và sử dụng chúng trong vụ kiện tụng sắp tới.

Các công tố viên cho hay, ông Cole từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ trong những năm 2015; và từng đại diện cho Chính phủ tiến hành một cuộc điều tra liên quan đến Huawei. Do vậy, vị thế luật sư chính cho Huawei hiện tại không phù hợp với ông Cole.

Huawei kịch liệt phản đối việc James Cole bị hủy bỏ tư cách luật sư bào chữa 

Trong chiều ngược lại, Huawei đang cố gắng làm rõ thông tin về cuộc điều tra mà James Cole tham gia trước đó. Gã khổng lồ viễn thông yêu cầu các công tố viên công khai thông tin liên quan để giải trình việc tại sao James Cole không có tư cách trở thành luật sư chính của Huawei trong vụ kiện tới đây. Tất nhiên, Mỹ đang cố gắng ngăn chặn nỗ lực của Huawei.

“Trường hợp này là vô tiền khoáng hậu. Chưa từng có bất kỳ quan chức cấp cao nào trong Bộ Tư Pháp trở thành đại diện pháp lý cho một đối tượng xung đột quyền lợi với cơ quan này. Nói một cách đơn giản, là vai trò của quan chức đó liên quan đến những thông tin mật khá nhạy cảm” - các công tố viên cho hay trong tờ trình gửi đến Thẩm phán Ann Donnelly (Tòa án quận Brooklyn, New York).

James Cole hiện vẫn giữ im lặng về sự việc, còn người phát ngôn của Huawei hiện cũng từ chối bình luận thêm.

Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã đề nghị xét xử Huawei với 23 cáo buộc liên quan đến hàng loạt tội danh như đánh cắp bí mật thương mại, lừa gạt điện tín, vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế Mỹ áp lên Iran…. Chính phủ Mỹ sau đó đã bổ sung Huawei vào một danh sách đen với quan ngại đế chế viễn thông này là mối đe dọa cho an ninh quốc gia và chính sách ngoại giao.

Vụ kiện Huawei cũng là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, tạo nên thế cục bế tắc trên bàn đàm phán thương mại.

Bà Mạnh Vãn Châu, con gái CEO Huawei Nhậm Chính Phi cũng bị cáo buộc lừa đảo nhiều tổ chức tài chính, núp bóng công ty công nghệ Skytech để tiến hành giao dịch thương mại với Iran - vốn đang chịu sự trừng phạt kinh tế của Mỹ. Bà Mạnh sau đó kịch liệt phủ nhận cáo buộc của Mỹ và đang đấu tranh chống dẫn độ từ Canada sang Mỹ. Nếu bị định tội, bà Mạnh có thể đối mặt với mức án khoảng 30 năm tù giam tại hải ngoại.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục