Mỹ - Trung điện đàm "mang tính xây dựng" trong nỗ lực giải quyết tranh chấp thương mại
Đại diện Văn phòng thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin mới đây đã có cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn hôm 9.7 liên quan đến các nỗ lực tiếp theo để giải quyết tranh chấp thương mại, theo nguồn tin từ các quan chức Mỹ.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow khẳng định đàm phán đã diễn ra tốt đẹp “trên tinh thần xây dựng”. Ông cũng hé lộ khả năng về một cuộc đàm phán trực tiếp diễn ra tại Bắc Kinh, nhưng đồng thời cảnh báo rằng “không có một cách kỳ diệu nào để lập tức đạt tới một thỏa thuận khó khăn”.
“Mọi thứ cần có trình tự của nó, như việc đông qua rồi xuân tới. Chúng tôi hy vọng có thể đạt được một vị trí thích hợp sau tất cả, nhưng không ai biết trước điều gì”.
Các cuộc đàm phán giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã bị đình trệ hồi tháng 5.2019 sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc không thực hiện các cam kết thay đổi hệ thống pháp lý liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ cũng như chính sách ngoại giao mà hai bên đã thỏa thuận trước đó. Cũng theo ông Kudlow, hiện chưa rõ cả hai bên sẽ nối lại đàm phán trên cơ sở các thỏa thuận đã đạt được hồi đầu năm nay, hay bắt đầu ở điểm xuất phát khác.
Cả hai bên được cho là sẽ tiếp tục đàm phán trực tiếp vào thời điểm thích hợp, nhưng các thông tin chi tiết liên quan hiện vẫn chưa được công bố.
Phái đoàn ngoại giao Mỹ và Trung Quốc gặp gỡ trong vòng đàm phán hôm 29.3 tại Bắc Kinh
Hồi cuối tháng 6, tại cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức ở Nhật Bản, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thống nhất đình chỉ mọi trừng phạt thuế quan và nối lại vòng đàm phán. Trong khi Mỹ giảm bớt một số lệnh cấm vận với Huawei, Trung Quốc cũng sẽ khởi động lại các giao dịch mặt hàng nông sản Mỹ.
“Chủ tịch Tập Cận Bình hy vọng cả Mỹ và Trung Quốc sẽ quay trở lại đúng chỗ của mình trên bàn đàm phán, trong khi những giao dịch nông sản được tiếp tục. Việc Mỹ dỡ bỏ một số hạn chế trong thời gian ngắn sẽ phần nào giúp gã khổng lồ viễn thông Huawei tránh khỏi khủng hoảng” - ông Larry Kudlow cho hay.
Tuy nhiên, ông Kudlow cũng thừa nhận Trung Quốc đã không đưa ra một mốc thời gian cụ thể nào cho việc tái khởi động các giao dịch nông sản với Mỹ, hay thậm chí là mốc thời gian đạt đến thỏa thuận. Nhiều nguồn tin thân cận của CNBC cũng khẳng định thông tin này. Như vậy, ngay cả khi đàm phán được nối lại, không có cơ sở chắc chắn cho thấy khoảng cách giữa Bắc Kinh và Washington đang thu hẹp.