Nga đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu bên lề G20
Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi, ông Khalid al-Falih cho hay thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ nhiều khả năng sẽ kéo dài thêm khoảng 9 tháng. Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin viện dẫn việc giá dầu chịu áp lực từ nguồn cung của Mỹ tăng cũng như tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại để lý giải việc gia hạn thỏa thuận cùng OPEC.
Phát biểu sau cuộc hội đàm với Hoàng tử Arab Saudi Mohammed bin Salman bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, ông Putin cho hay thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ hết hiệu lực vào 30.6 sẽ tiếp tục được gia hạn. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh của nó gồm Nga (gọi tắt là OPEC+) sẽ dự cuộc họp vào đầu tháng 7 tới để thỏa thuận các chi tiết liên quan đến việc cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Mỹ - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới không tham gia thỏa thuận này.
“Cả Nga và Arab Saudi sẽ tiếp tục gia hạn thỏa thuận. Chúng tôi hiện vẫn chưa quyết định liệu thỏa thuận sẽ kéo dài bao lâu, 6 tháng hay 9 tháng. Có lẽ là 9 tháng” - ông Putin cho hay.
Khi được hỏi về sự cắt giảm sản lượng sâu hơn, Bộ trưởng Năng lượng Khalid al-Falih chia sẻ: “Tôi không nghĩ điều đó cần thiết với thị trường”. Ông cũng bày tỏ hy vọng thị trường dầu sẽ ổn định trong khoảng 6 đến 9 tháng tới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Thái tử Mohammed bin Salman của Arab Saudi trong cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản
Có được sự đồng thuận của Nga, OPEC+ hiện chỉ còn chờ Iran tán thành để đạt được một thỏa thuận suôn sẻ. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ trong thời gian qua đã khiến xuất khẩu dầu của Iran trượt dốc không phanh. Iran ngay sau đó lên án lệnh trừng phạt của Mỹ là bất hợp pháp, nhưng không khiến tình hình thêm triển vọng.
Kirill Dmitriev, giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư trực tiếp Nga, người đã tham gia vào thỏa thuận giữa Nga và OPEC cho hay thỏa thuận có hiệu lực từ năm 2017 đã làm tăng nguồn thu ngân sách của Nga lên hơn 110 tỷ USD. “Quan hệ đối tác chiến lược của OPEC+ trong đó có Nga đã góp phần đặc biệt quan trọng trong việc ổn định thị trường dầu mỏ, qua các thỏa thuận tăng hoặc giảm sản lượng dầu dựa trên nhu cầu thị trường.”
Giá dầu Brent đã tăng 25% kể từ đầu năm 2019, khi OPEC+ đặt bút ký thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ 1,2 triệu thùng mỗi ngày. Tuy nhiên, giá dầu có thể bị ảnh hưởng khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc làm giảm nhu cầu dầu và dầu mỏ Mỹ tràn lan trên thị trường. Thỏa thuận của Nga và Arab Saudi ngay trước kỳ họp của OPEC+ được kỳ vọng góp phần giải quyết tình trạng trên.