Nga ùn ứ thịt lợn khó xuất, Trung Quốc có thể giảm nhập khẩu thịt tới 20%
Triển vọng nhu cầu đối với thịt lợn của Trung Quốc vẫn khá thấp do các biện pháp phong tỏa chống dịch Covid-19
USDA cho rằng nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc trong năm 2022 có thể giảm 20% và đẩy thương mại toàn cầu xuống mức thấp hơn.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết trong khi nhu cầu của các nước nhập khẩu lớn khác có sự phục hồi sau thời gian gián đoạn nguồn cung cấp liên quan đến đại dịch thì nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc lại liên tục lao dốc trong những tháng đầu năm.
Cụ thể, số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy trong tháng 5, Trung Quốc nhập khẩu 130 nghìn tấn thịt heo, tương đương 240,5 triệu USD, giảm 66% về lượng và giảm 76% về trị giá so với tháng 5/2021.
Tính chung 5 tháng đầu năm, nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc đạt 680 nghìn tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, giảm 65% về lượng và giảm 75% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện, Tây Ban Nha là thị trường lớn nhất cung cấp thịt heo cho Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm, với 411 triệu USD, chiếm 30,5% trong tổng trị giá nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc, giảm 78% so với cùng kỳ năm 2021.
Đứng thứ hai là Brazil, kim ngạch nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc từ thị trường này đạt 282 triệu USD, chiếm 21% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2021.
Triển vọng thị trường heo ở Trung Quốc trong thời gian tới vẫn khá thấp do các lệnh hạn chế phong tỏa chống Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ giảm và thói quen của người tiêu dùng đang chuyển dần sang sử dụng thịt gia cầm.
Vài tháng gần đây, giá thịt heo ở Trung Quốc có khởi sắc nhưng tỷ suất lợi nhuận kém nên người chăn nuôi không mặn mà, tổng đàn nái của nước này dự kiến sẽ giảm trong ngắn hạn, thông tin được đưa ra bởi Viện Kinh tế và Phát triển Nông nghiệp thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, thị trường vẫn phải đối mặt với những hạn chế, gồm cả các lệnh phong tỏa chống Covid-19, có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ thịt lợn. Triển vọng nhu cầu đối với thịt lợn của Trung Quốc vẫn khá thấp do các biện pháp phong tỏa chống dịch Covid-19 và sự chuyển đổi tiêu thụ sang thịt gia cầm.
Trong khi đó, Viện Kinh tế và Phát triển Nông nghiệp thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết đàn lợn nái của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm trong ngắn hạn do tỷ suất lợi nhuận kém, mặc dù giá thịt lợn tăng trong mấy tháng gần đây.
Tháng 5/2022, Trung Quốc cũng nhập khẩu 220 nghìn tấn thịt trâu, bò (HS 2001, 0202), với trị giá 1,5 tỷ USD, tăng 31,7% về lượng và tăng 79,4% về trị giá so với tháng 5/2021.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu thịt trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh của Trung Quốc đạt 920 nghìn tấn, trị giá 6 tỷ USD, giảm 5,2% về lượng, nhưng tăng 30% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Brazil, Argentina, Urugoay, Hoa Kỳ, Úc...
Trong đó, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp thịt trâu, bò cho Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2022, chiếm 33,5% trong tổng trị giá nhập khẩu thịt trâu, bò của Trung Quốc.
Được biết, trong tháng 6/2022, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ có nhiều biến động, sau khi giảm xuống mức 104,9 UScent/lb vào ngày 09/6/2022, giá có xu hướng tăng trở lại. Ngày 28/6/2022, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ giao tháng 7/2022 dao động ở mức 110,1 UScent/lb, tăng 1,6% so với cuối tháng 5/2022 và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Còn tại Nga, Liên minh các nhà sản xuất thịt lợn Nga cho biết, sản lượng thịt lợn của nước này dự kiến sẽ tăng 200 nghìn tấn trong năm 2022, nhưng sẽ khó xuất khẩu. Trong quý I/2022, sản lượng ngành chăn nuôi lợn của Nga đã tăng 5,8% (tương đương tăng 67,5 nghìn tấn) so với cùng kỳ năm 2021 và dự báo cả năm 2022 có thể đạt mốc 4,4 triệu tấn. Tuy nhiên hoạt động xuất khẩu thịt lợn đang bị thu hẹp do các chính sách cấm vận từ phương Tây, nên nguồn cung trên thị trường nội địa dự báo sẽ tăng thêm khoảng 100 nghìn tấn. Do dư cung thịt lợn nên Nga hi vọng có thể gia tăng tiêu thụ ở thị trường trong nước.