Ngân hàng Châu Âu quyết không cắt giảm lãi suất bất chấp tác động từ dịch virus corona
Thay vì cắt giảm lãi suất như giới đầu tư kỳ vọng, ECB quyết định công bố các biện pháp hỗ trợ tín dụng như bơm thanh khoản 120 tỷ EUR vào thị trường thông qua mua trái phiếu.
Trước đó, các nhà đầu tư kỳ vọng ECB cắt giảm lãi suất khoảng 0,1% như một động thái kích thích khu vực kinh tế đồng EUR vốn đang trì trệ. Nỗi lo ngại một đợt suy thoái kinh tế trên toàn khu vực do tác động của dịch virus corona đã khiến thị trường chứng khoán Châu Âu tràn sắc đỏ, lợi suất trái phiếu kho bạc giảm mạnh, nhất là khi số ca nhiễm virus tăng mạnh ở các nước Italy, Đức, Anh…
Những ngân hàng Trung Ương lớn trên thế giới bao gồm Cục Dự trữ Liên bang FED của Mỹ, Ngân hàng Anh, Ngân hàng Australia… đã dẫn đầu các động thái cắt giảm lãi suất để xoa dịu thị trường trước sự bùng phát dịch bệnh. Nhưng ECB ở một lập trường khác hằn, bởi mức lãi suất cơ bản của khu vực đồng EUR vốn dĩ đã ở mức -0,5% và khó có dư địa nới lỏng thêm nữa. Do đó, có thể lý giải tại sao ECB chọn cách bơm thanh khoản thay vì cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Cho đến hết ngày 12/3, toàn thế giới xác nhận hơn 127.000 ca nhiễm virus corona và hơn 4.300 ca tử vong, theo dữ liệu thống kê từ Đại học Johns Hopkins.
Bà Christine Lagarde, Chủ tịch ngân hàng ECB hồi đầu tháng cho biết ngân hàng này sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của dịch virus corona. Trong một cuộc họp báo hôm 12/3, bà Lagarde cũng nhận định sự bùng phát dịch virus corona là một cú sốc lớn với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế khu vực đồng EUR nói riêng.
ECB cũng khuyến khích các ngân hàng Châu Âu vay tiền từ Ngân hàng Trung Ương với lãi suất -0,75% để cho phép doanh nghiệp và người tiêu dùng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với nguồn vốn. Lãi suất âm có nghĩa là ECB đang trả tiền để các ngân hàng thương mại, ngân hàng cổ phần vay từ họ, qua đó phân bổ luồng tín dụng đến các đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
“ECB đã hoàn tất vai trò của mình, bây giờ là thời gian dành cho hành động của các chính phủ” - bà Christine Lagarde nói thêm.
Ngân hàng Trung Ương Châu Âu ECB chịu trách nhiệm về chính sách tiền tệ cho 19 nền kinh tế Châu Âu. Phần chính sách tài khóa thuộc quyền hạn của các Chính phủ từng quốc gia. “Chính phủ và tất cả các tổ chức tài chính khác được kêu gọi thực hiện các hành động kịp thời để giải quyết những thách thức hiện tại liên quan đến vấn đề sức khỏe cộng đồng - ngăn ngừa sự lây lan dịch virus corona cũng như giảm thiểu tối đa tác động kinh tế.”