Ngân hàng “ép” khách phải mua bảo hiểm cháy nổ chung cư?
Hiện nay, một số ngân hàng thương mại đang áp dụng quy định khách hàng cá nhân vay tiền ngân hàng thương mại để mua căn hộ phải mua bảo hiểm cháy nổ nhà chung cư. Việc áp dụng quy định này đang đẩy người vay vào thế đành “chịu trận”, dẫn đến tình trạng “ép” khách hàng phải mua bảo hiểm cháy nổ khi ký các Hợp đồng tín dụng vay tiền.
Hợp đồng bảo hiểm cháy nổ cho căn hộ chung cư được ngân hàng bán kèm khi vay tiền.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay tín dụng của ngân hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh, đẩy khách hàng vào tình thế phải mua bảo hiểm chỉ định, ảnh hưởng trực tiếp cạnh tranh với các công ty kinh doanh bảo hiểm khác trên thị trường.
“Việc mua hiểm đối với tài sản là cần thiết để dự phòng các trường hợp rủi ro gây tổn thất đến tài sản của khách hàng. Tuy nhiên, nếu ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm của chính ngân hàng cho vay là không hợp lý và thể hiện quan hệ tín dụng không phù hợp, bất bình đẳng đối với khách hàng”, luật sư Trương Anh Tú nhận định.
Phân tích về nhận định của mình, luật sư Trương Anh Tú cho rằng, mặc dù quy định Bảo hiểm cháy nổ là bắt buộc đối với các tổ chức cá nhân khi đầu tư, sử dụng nhà chung cư theo Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu dự án chung cư vẫn do chủ đầu tư sở hữu thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ. Trường hợp người mua chung cư đã được chuyển quyền sở hữu chung cư thì trách nhiệm lúc này mới thuộc về người mua.
“Đối chiếu với trường hợp ngân hàng “đẩy” khách hàng vào tình thế lựa chọn mua là không phù hợp với quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng khi khách hàng chưa là chủ sở hữu căn hộ chung cư nên chưa thể phát sinh trách nhiệm bắt buộc phải đóng bảo hiểm cháy nổ”, luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo vị Chủ tịch Công ty TAT Law firm, dưới góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khách hàng có quyền lựa chọn việc mua bảo hiểm ở công ty bảo hiểm khác chứ không phải là đơn vị bảo hiểm đã có liên kết với khách hàng có sự chỉ định của ngân hàng.
Bên cạnh đó, quy định pháp luật hiện hành đối với các ngân hàng không có quy định bắt buộc bên vay phải mua bảo hiểm tín dụng. Cho nên, việc khách hàng mua thêm bảo hiểm tín dụng đối với khoản vay là thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng trên cơ sở ý chí tự nguyện của hai bên.“Hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng và Hợp đồng bảo hiểm giữa khách hàng và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm là hai giao dịch hoàn toàn độc lập với nhau. Phí bảo hiểm là một trong những thỏa thuận riêng giữa khách hàng và đơn vị kinh doanh bảo hiểm”, luật sư Trương Anh Tú phân tích.
Trong trường hợp ngân hàng làm đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thì ngân hàng chỉ thực hiện thu phí bảo hiểm theo ủy quyền của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 về quyền “Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ”.