“Ngày một giỏ không bỏ nghề muối” và mặn chát nỗi niềm diêm dân

08/04/2020 06:24 GMT+7
Tam Hòa là làng nghề làm muối truyền thống nổi tiếng của xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, làng muối có tuổi đời hàng trăm năm này đang đối mặt với nguy cơ mai một dần.

“Chát mặn” nỗi niềm diêm dân

Buổi chiều, giữa những cơn gió cuồn cuộn mặn mòi của xứ biển, cánh đồng muối Tam Hòa chuyển sang màu trắng bạc. Từ hàng trăm năm trước cho đến hôm nay, các thế hệ người dân sinh sống trên mảnh đất Tam Hòa đã không ngừng tận dụng và cải tạo những cánh đồng cát bằng phẳng ven biển để làm ra hạt muối. Và, cũng từng đó thời gian, nghề muối đã góp phần hình thành nên vùng diêm nghiệp đông đúc, trù phú, nuôi sống bao thế hệ người dân trên mảnh đất này.

“Ngày một giỏ không bỏ nghề muối” và mặn chát nỗi niềm diêm dân - Ảnh 1.

Hiện nay, tại Hòa Lộc, có khoảng 1000 diêm dân vẫn theo nghề truyền thống

Đã có một thời, muối Tam Hòa theo các chuyến xe ngựa, xe trâu, rồi xe thồ, xe đạp, đi đến khắp các vùng miền trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa. Màu trắng tinh khiết, độ mặn đặc trưng của muối phơi thủ công trên cát đã làm nên thương hiệu riêng cho muối Tam Hòa. Nhắc đến muối Tam Hòa, người ta không chỉ nhắc đến một sản phẩm kinh tế, mà còn nhắc đến những giá trị văn hóa cốt lõi hình thành và ăn sâu trong đời sống của cộng đồng dân cư.

Ngày hôm nay, muối Tam Hòa vẫn trắng và mặn mòi vị biển. Thế nhưng, có lẽ chưa bao giờ, nghề muối nơi đây lại rơi vào cảnh gieo neo như bây giờ. Kéo theo đó, thân phận người làm muối cũng mặn chát những nỗi niềm trong thời buổi kinh tế thị trường.

“Ngày một giỏ không bỏ nghề muối” và mặn chát nỗi niềm diêm dân - Ảnh 2.

Chưa bao giờ diêm dân Hậu Lộc lại thấy nghề muối khó khăn như hiện tại

Ngồi nghỉ trên bờ ruộng chờ muối khô, bà Trần Thị Quyền, một diêm dân 70 chia sẻ: “Gia đình tôi, từ ông bà, cha mẹ đều là những diêm dân. Tôi làm muối từ lúc còn nhỏ tí xíu. Nghề muối giúp vợ chồng tôi nuôi lớn 3 đứa con hai trai một gái; nhưng nghề ấy vất vả quá. Đến già, cuộc sống của chúng tôi vẫn khó khăn”.

Một ngày trần lưng làm việc trên gần 1000m2 ruộng muối, cả gia đình bà Quyền mới thu được trên dưới 1 tạ muối. Với giá muối hiện nay, khoảng trên 2000 đồng/kg, công sức lao động  vất vả của bà chỉ đổi lại được khoảng 200.000 đồng. Đó là những ngày nắng ráo. Còn những ngày mưa gió, diêm dân đành phải nghỉ ở nhà. Vì vậy, ngay cả trong những tháng mùa hè, thu nhập của người làm muối cũng rất bấp bênh nếu thời tiết mưa nắng thất thường.

Có lẽ vì sự vất vả ấy mà cả 3 người con của bà Quyền đều không theo nghề truyền thống của gia đình. Họ bươn chải đi xa làm thuê làm mướn, hoặc tìm nghề khác trên chính quê hương mình. Cả gia đình chỉ còn bà Quyền vẫn trăn trở  với những hạt muối trên đồng, một phần bởi không làm muối nữa bà chẳng biết làm gì, phần khác bởi nghề này đã ăn vào máu thịt, nếu bỏ đi thì nhớ.

Giống như bà Quyền, bà Trương Thị Tâm cũng là diêm dân có thâm niên trong nghề. Nghề muối không đủ sống, chồng bà đi làm xây dựng và nuôi thủy sản để tăng thu nhập cho gia đình. Các con của ông bà, người học xong đại học, đứa đang trên ghế nhà trường, đều  không có ý định sẽ nối nghiệp mẹ làm muối trong tương lai.

Hiện nay, Hòa Lộc còn trên dưới 50 ha diện tích đất sản xuất muối, với năng suất đạt khoảng 120 tấn/ha. Công việc sản xuất nặng nhọc, giá thành sản phẩm rẻ, lại thêm đầu ra bấp bênh khiến làng nghề trăm năm tuổi đang dần trở nên mai một…

“Ngày một giỏ không bỏ nghề muối” và mặn chát nỗi niềm diêm dân - Ảnh 3.

Giá muối hiện đang có mức từ 2000-2500 đồng/kg.

Cơ hội nào cho muối Tam Hòa?

 Xác định nghề muối là nghề truyền thống quý báu của quê hương, đồng thời vẫn có vai trò giải quyết việc làm cho người dân, nên chính quyền xã Hòa Lộc đang nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp tích cực nhằm duy trì sản xuất, trong đó có việc hỗ trợ tìm đầu ra cho Diêm dân, thành lập HTX diêm nghiệp... Cùng với chính quyền, nhiều tổ chức nghề nghiệp và cá nhân trong xã Hòa Lộc cũng tích cực chung tay để vực dậy nghề muối Tam Hòa. 

Ông Đào Nguyên Hồng, Giám đốc HTX muối Tam Hòa là ví dụ điển hình. Tiếp đón chúng tôi ngay trên cánh đồng muối, với bộ quần áo lao động cũ cùng khuôn mặt khắc khổ rám nắng, vị Giám đốc ngoài 70 tuổi trông không khác gì những diêm dân đang lao động xung quanh. Chỉ vào những ô chạc muối đổ bê tông nối liền nhau thành dãy dài, ông Hồng cho biết diện tích sản xuất muối của các thành viên trong hợp tác xã muối Tam Hòa vào khoảng 23 ha, với sản lượng khoảng 4000 tấn/ năm, chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng muối toàn xã. 

“Ngày một giỏ không bỏ nghề muối” và mặn chát nỗi niềm diêm dân - Ảnh 4.

Cơ sở vật chất sản xuất muối dù đã được cải thiện nhưng cũng không giúp diêm dân bớt khó khăn.

HTX đã tổ chức nạo vét kênh mương dẫn nước vào ruộng muối, kiên cố hóa 245 m kênh mương bằng bê tông, vận chuyển được 400m3 khối đất bờ mương cấp 1…Đồng thời, HTX cũng đã hoàn thành việc xây dựng kho chứa ngay trên đồng muối với trữ lượng 200 tấn/ kho.

Trong số những người tâm huyết với nghề muối Tam Hòa, bắt đầu xuất hiện dần những nhân tố trẻ. Lê Văn Kiên, năm nay mới 29 tuổi, là một trong số đó. Kiên từng theo học chuyên ngành Tự động hóa tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ra trường, Kiên có 2 năm làm việc trong ngành thủy điện tại huyện miền núi Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. 

Sau cùng, Kiên quyết định trở về Hòa Lộc. Trong bối cảnh những người trẻ dần rời bỏ nghề muối truyền thống, Kiên lại chủ động tiếp cận với nghề, bởi mong muốn được góp phần gìn giữ nghề truyền thống của quê hương.

“Ngày một giỏ không bỏ nghề muối” và mặn chát nỗi niềm diêm dân - Ảnh 5.

Dù không muốn bỏ nghề muối, song cuộc sống quá khó khăn khiến hiện không còn mấy người mặn mà với nghề này.

Hai năm gần đây, Lê Văn Kiên được bầu vào ban chủ nhiệm HTX muối Tam Hòa, đảm nhiệm cương vị Phó giám đốc. Với kiến thức bài bản được học tại giảng đường đại học, cộng thêm nhiệt huyết của tuổi trẻ, Lê Văn Kiên đang ấp ủ nhiều kế hoạch thay đổi nghề muối của quê hương.

Dẫu xuất hiện những nhân tố tích cực trong lao động sản xuất và một vài tín hiệu vui trong phát triển cơ sở hạ tầng, xong thực tế, để vực dậy nghề muối Tam Hòa trong bối cảnh hiện nay là rất khó. Ngay cả ông Giám đốc HTX muối Tam Hòa Đào Nguyên Hồng cũng không thể đưa ra những khẳng định lạc quan về nghề muối trong tương lai. 

Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, giá trị sản phẩm không cao, đầu ra bấp bênh… là những vấn đề không dễ giải quyết trong một sớm một chiều. Từ chỗ là nghề chính, là kế sinh nhai của bao thế hệ người dân Hòa Lộc, diêm nghiệp Tam Hòa giờ đây buộc phải chấp nhận trở thành nghề phụ tại chính nơi nó được sinh ra.

Diêm dân Tam Hòa từ xa xưa đã truyền nhau câu cửa miệng “ngày một giỏ không bỏ nghề muối”, để thể hiện tình yêu sâu nặng, sự gắn bó sắt son với nghề; và cũng là để nhắn nhủ cháu con phải có trách nhiệm gìn giữ truyền thống của quê hương. Tuy nhiên, với nhiều khó khăn vây bủa như hiện nay, nếu không có giải pháp căn cơ trong thời gian tới, nguy cơ nghề muối Tam Hòa thất truyền sẽ vẫn luôn hiện hữu…

"Sản lượng liên tục giảm"

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc chia sẻ với Etime: “Nếu như năm 2017, giá muối chỉ trên 1000 đồng/kg thì hiện nay, đang giữ mức 2000-2500 đồng/kg. Tuy nhiên, do giá trị từ nghề muối quá thấp so với các ngành nghề khác, nên người dân vẫn không mặn mà. Sản lượng muối trong những năm gần đây liên tục giảm. Năm 2019, sản lượng muối đạt 7500 tấn. Năm 2020, dự kiến giảm còn khoảng 7000 tấn. Diện tích đất làm muối bị bỏ hoang nhiều, nên xã đã tiến hành chuyển đối 12 ha từ đồng muối thành ao nuôi tôm. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này, hiện cũng còn nhiều bất cập”.

Lam Giang
Cùng chuyên mục