Người trồng đậu tương Mỹ lo lắng trước đòn tăng thuế mới

13/05/2019 06:20 GMT+7
Tranh chấp thương mại leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không chỉ gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu, mà còn khiến người trồng đậu tương Mỹ thêm khốn khó.

Trong những dòng tweet vào hôm thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Trump nói rằng sẽ sử dụng số tiền có được thông qua tăng thuế để mua các sản phẩm nông nghiệp trị giá 15 tỷ USD để giúp đỡ ngành này. Tuy nhiên các nhà kinh tế nông nghiệp và người nông dân cho rằng các kế hoạch như vậy đã được thử nghiệm trước đây với kết quả thấp hơn mong muốn.

“Đây có phải một hành động an ủi? Điều này không làm cho chúng tôi vui hơn được. Chúng tôi muốn có lại thị trường”, Drake Bill Gordon, một nông dân thế hệ thứ tư ở Worthington, Minnesota, cũng là Phó chủ tịch Hiệp hội Đậu tương Hoa Kỳ, nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

“Không đến lượt chúng tôi khuyên Tổng thống về cách đàm phán, nhưng chính phủ cũng không thể chỉ bảo cách tôi điều hành công việc của mình. Chúng tôi đã mất 40 năm để xây dựng những thị trường tiêu thụ. Không có thỏa thuận thương mại nào là hoàn hảo. Phần lớn việc buôn bán sản phẩm nông nghiệp với Trung Quốc đang phát triển và hai bên cùng có lợi”, ông Gordon Gordon nói.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng đậu tương vụ trồng 2019-2020 nhiều khả năng sẽ sụt giảm 400 triệu giạ.

Cuối tuần rồi, Mỹ và Trung Quốc đã không đạt được thỏa thuận thương mại. Mỹ đã tăng thuế lên 25%, đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc và chuẩn bị áp thuế 25% mới đối với 325 tỷ USD hàng nhập khẩu khác, dù không rõ khi nào sẽ có hiệu lực. Bắc Kinh gần như ngay lập tức tuyên bố sẽ có các biện pháp đối phó cần thiết.

Các dòng tweet của ông Trump không nói rõ chính phủ Mỹ sẽ mua sản phẩm nào hoặc liệu đó có phải là cách nói vòng vo rằng Chương trình Tạo thuận lợi Thị trường (MFP) khởi động vào giữa năm 2018 sẽ được gia hạn hay không. MFP là kế hoạch chi tới 12 tỷ USD cho nông dân Hoa Kỳ - đặc biệt là người trồng đậu tương - để giúp họ đối phó với thuế quan trả đũa của Trung Quốc khi tranh chấp thương mại diễn ra vào năm ngoái.

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Mỹ đã xuất khẩu lượng hàng nông sản trị giá 9,3 tỷ USD sang Trung Quốc vào năm ngoái. Ngay cả khi thuế được tăng lên thì Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ tư của Mỹ. Đậu tương chiếm một phần ba trong tổng số đó, ở mức 3,1 tỷ USD.

Nhà kinh tế nông nghiệp Scott Irwin, giáo sư tại Đại học Illinois Urbana-Champaign, cho biết mức thiệt hại trên mỗi mẫu đất từ 50 đến 100 USD đối với cây ngô và đậu nành. Đó là nếu không có bất kỳ sự trợ giúp của chính phủ. Ông tin rằng chính phủ có thể sẽ chỉ trả séc cho nông dân thay vì mua hoa màu của họ:

“Chính phủ có thể tiếp tục triển khai MFP và có thể mở rộng thêm vì Tổng thống Trump tin rằng ông có nhiều tiền để trang trải cho thiệt hại của nông dân. Mỗi quốc gia phát triển trên thế giới đều trợ cấp cho ngành nông nghiệp của mình. Chúng ta có lịch sử hơn 80 năm làm việc đó ở Mỹ”, chuyên gia này nói.

Những người nông dân như Gordon nhấn mạnh họ chỉ đơn giản là tìm cách cạnh tranh trên một sân chơi công bằng và bình đẳng, chứ không tìm kiếm một sự trợ giúp khi giá các mặt hàng như đậu tương đang giảm mạnh. Giá đậu tương đang giao dịch gần mức thấp nhất trong một thập kỷ.

“Chúng tôi không muốn mọi người nghĩ rằng chúng tôi đang phàn nàn vì chúng tôi đang có siêu lợi nhuận Hôm nay nếu tôi trồng đậu tương, tôi chắc chắn sẽ mất 65.000 USD. Tôi phải tìm tiền ở đâu đó chỉ để hòa vốn”.

“Đó thực sự là nỗi đau. Thị trường rất thấp, chúng tôi thậm chí không thể hòa vốn để chi trả hóa đơn. Nông dân đang mất trang trại của họ mỗi ngày. Tỷ lệ tự tử của người nông dân đang ở mức cao nhất mọi thời đại, Drake Bill Gordon nói.

Giá đậu tương đang ở gần mức thấp nhất trong 1 thập kỷ.

Bộ Nông nghiệp Mỹ hôm thứ Sáu ước tính trong tháng 5 cho thấy tuy nguồn cung đậu tương đang giảm nhưng giá vẫn sẽ tiếp tục giảm thêm, nhà kinh tế nông nghiệp Chad Hart tại Đại học bang Iowa cho biết. Chuyên gia này cho rằng bắt đầu từ khoảng năm 2013, nguồn cung đậu tương toàn cầu đã vượt xa nhu cầu, dẫn đến giá giảm. Nền kinh tế nông nghiệp đã gặp khó khăn trước khi căng thẳng thương mại xảy ra, nhưng tranh chấp thương mại đã làm trầm trọng thêm lý do tại sao nó sụp đổ.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng đậu tương vụ trồng 2019-2020 nhiều khả năng sẽ sụt giảm 400 triệu giạ đưa tổng sản lượng xuống còn khoảng 4,15 tỷ giạ ở thị trường Mỹ. “Ngay cả khi nguồn cung đang giảm thì sức cầu cũng không đủ mạnh để nâng giá lên”, ông nói.

Đề xuất mua ngũ cốc để cung cấp cho các quốc gia nghèo của ông Trump – theo kinh nghiệm viện trợ trước đây - là con dao hai lưỡi. Chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu mua hàng hóa nông nghiệp trong nước để cung cấp viện trợ nhân đạo bắt đầu từ năm 1954 dưới thời tổng thống Dwight Eisenhower. Hoạt động này được biết đến là Chương trình Thực phẩm vì Hòa bình do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ thực hiện.

“Những gì ông Trump đề xuất không có gì mới. Có chăng là quy mô sẽ lớn hơn”, nhà kinh tế nông nghiệp Chad Hart nhận xét. Lịch sử cho thấy, theo đúng nghĩa đen, đây là hành động bán ngũ cốc giá rẻ vào thị trường địa phương ở các nước kém phát triển, từ đó gây hại cho ngành sản xuất nông nghiệp tại chỗ.

Ông cho biết các bằng chứng trong nhiều thập kỷ đã chỉ ra rằng nếu mục tiêu là hỗ trợ thu nhập nông nghiệp vì giá hàng hóa thấp, tốt hơn là chỉ viết một tấm séc thay vì mua và dự trữ ngũ cốc.

Minh Kỳ - Theo South China Morning Post
Cùng chuyên mục