Nhãn Hưng Yên mất mùa, giá bán tăng vọt khiến nhiều nhà vườn trắng tay
Thất thu nhưng vẫn phải chi thêm tiền đầu tư
Tại huyện Khoái Châu, “thủ phủ” nhãn của tỉnh Hưng Yên, những ngày tháng 7, tháng 8 hàng năm là thời gian nhộn nhịp người mua kẻ bán. Các xe tải, xe con chở nhãn của các lái buôn tấp nập ngược xuôi trên các con đường làng.
Mùa nhãn 2019, khung cảnh chung là sự đìu hiu, những rặng nhãn xanh tươi nhưng không có hoặc chỉ lơ thơ quả trải dài trên toàn huyện. Việc mất mùa khiến bầu không khí ảm đạm phủ lên các con đường làng, từng gương mặt người.
Vào khu vườn rộng 3 mẫu (khoảng hơn 10.000 m2) của gia đình ông Nguyễn Văn Lập (thôn An Cảnh, Hàm Tử, Khoái Châu), một trong những hộ trồng nhãn lớn nhất trên địa bàn.
Những cây nhãn quý, lâu năm trong vườn đa phần không có quả, theo chia sẻ của ông Lập, thời tiết năm nay diễn biến khó lường, nhiệt độ quá cao khiến nhiều cây không ra hoa, có những cây ra quả non nhưng chỉ sau một cơn mưa lại rụng.
“Năm ngoái, gia đình tôi thu hoạch được khoảng 30 tấn nhãn, thu về hơn 300 triệu đồng. Năm nay, sản lượng ước tính chỉ đạt khoảng 2 tấn, cho dù giá có cao hơn năm ngoái cũng không đủ bù các chi phí”. – Ông Lập buồn bã nói.
Vườn nhà ông Nguyễn Văn Lập chỉ đạt sản lượng 1/15 so với năm ngoái.
Cũng theo ông Lập, khó khăn của người dân trồng nhãn còn nằm ở chỗ, dù mất mùa, thất thu nhưng vẫn phải chi thêm tiền chăm sóc cây. Các nhà vườn phải lo chi phí nhân công cắt cây, tỉa cành, phân bón, thuốc sâu để chuẩn bị cho mùa vụ năm sau.
Cùng chung hoàn cảnh với ông Lập, ông Nguyễn Văn Yêm (Hàm Tử, Khoái Châu) có 2 mẫu đất trồng nhãn cũng cho sản lượng thấp. Tuy nhiên, ông Yêm may mắn hơn khi vẫn giữ được nhiều cây sai quả, năng suất đạt khoảng 7 tấn.
“Năm ngoái, tổng sản lượng nhãn của tôi đạt 20 tấn, năm nay chỉ được khoảng 7 tấn. Tuy sụt giảm số lượng nhưng giá 1 cân nhãn năm nay ước tính khoảng 30 đến 35 nghìn/kg, cao hơn năm ngoái chỉ đạt mức 10 đến 12 nghìn/kg nên về kinh tế nói chung cũng không bị thiệt hại nhiều.” – Ông Yêm nói.
Cũng theo ông Yêm, thời tiết thất thường là nguyên nhân chính dẫn đến việc mất mùa năm nay, đặc biệt chỉ sau đợt mưa cuối tháng 2 âm, thời điểm cây đang ra hoa kết trái.
Không chỉ tại Hàm Tử, nhiều xã trồng nhãn trên địa bàn huyện Khoái Châu như Đông Kết, Tân Châu… cũng rơi vào tình trạng mất mùa, nhiều diện tích tại xã Đông Kết được phản ánh mất trắng vườn do cây không đậu quả.
Giá nhãn dự báo tăng cao
Theo thông tin từ phòng Nông nghiệp huyện Khoái Châu sản lượng nhãn năm nay giảm chỉ còn 1/3 so với năm ngoái đạt khoảng 9.000 tấn (năm 2018 đạt 30.000 tấn).
Dự báo giá các loại nhãn Hưng Yên tăng mạnh, một số hộ trồng nhãn cho biết, giá loại nhãn “siêu ngọt” (loại 1) mua tại vườn ở mức 70.000 - 100.000 đồng/kg, qua các kênh phân phối giá nhãn có thể lên tới 100.000 - 120.000 đồng/kg.
Hiện nay, tại thị trường Hà Nội, nhãn chín sớm đang được bán trong các siêu thị, chợ truyền thống với mức giá dao động từ 55.000 – 70.000 đồng/kg.
Nhiều vườn nhãn lâu năm tại tỉnh Hưng Yên không có quả.
Ông Nguyễn Thanh Quyết, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp, huyện Khoái Châu cho biết, nguyên nhân mất mùa nhãn do thời tiết có diễn biến bất thường.
Vào dịp Tết Nguyên đán năm nay khi cây nhãn bắt đầu phân hoá hoa nhiệt độ cần ở mức thấp thì lại cao, trong tháng 5 có những đợt nắng nóng khiến cây rụng hoa, quả, bên cạnh đó là những cơn mưa bất chợt khiến nhãn năm nay mất mùa.
“Tình trạng mất trắng vườn diễn ra cục bộ ở một số nơi tại huyện Khoái Châu, nhãn năm nay được giá nên tổng giá trị thu từ nhãn năm nay của huyện Khoái Châu vẫn tương đương năm trước. Chỉ có các hộ gia đình không giữ được khoảng 50% là thiệt hại.” - Ông Quyết nói.
Toàn tỉnh Hưng Yên có hơn 3.820 ha trồng nhãn (huyện Khoái Châu chiếm khoảng 50%) năm 2018 sản lượng đạt trên 48.000 tấn. Năm 2018 giá nhãn đại trà trung bình đạt từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, năm nay giá nhãn đầu vụ tại vườn 40.000 - 45.000 đồng/kg, vào chính vụ giá có thể giảm 35.000 - 40.000 đồng/kg nhưng vẫn gấp 3 giá nhãn năm ngoái.
Năm nay, giá nhãn cao nhưng sản lượng chỉ còn 1/3, với một số nhà vườn giữ được sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Đối với các nhà sản lượng quá thấp sẽ phải chịu thiệt hại nghiêm trọng lên tới hàng trăm triệu đồng.
Thanh Phong