Nhật Bản chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 7 tỉnh thành
Hôm 7/4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chính thức công bố tình trạng khẩn cấp tại 7 tỉnh thành bao gồm Thủ đô Tokyo, Osaka, Hyogo, Fukuoka, Kanagawa, Saitama và Fukuoka. Đây là những thành phố tập trung đông dân cư bậc nhất, chiếm khoảng 44% dân số Nhật Bản. Tình trạng khẩn cấp dự kiến kéo dài 1 tháng.
Trước đó một ngày, có nhiều thông tin cho rằng Chính phủ Nhật Bản chuẩn bị tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi số ca nhiễm dịch Covid-19 liên tục tăng ở nhiều địa phương. Trong đó, thủ đô Tokyo ghi nhận kỷ lục 148 ca nhiễm mới trong ngày 5/4.
“Chúng tôi quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì dự kiến sự lây lan nhanh chóng dịch Covid-19 trên toàn quốc sẽ gây ra tác động to lớn đến cuộc sống của người dân và nền kinh tế” - Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố trước Quốc hội.
Nội các Nhật Bản cũng đồng thời tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 108 nghìn tỷ JPY (990 tỷ USD), tương đương 20% quy mô GDP Nhật Bản, trong nỗ lực bù đắp thiệt hại mà dịch bệnh gây ra với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Tính theo tỷ lệ, gói kích thích này thậm chí lớn hơn cả gói kích thích khổng lồ 11% GDP Mỹ mà Tổng thống Donald Trump phê duyệt hồi cuối tháng 3.
Thủ tướng Abe cho biết các khoản chi tiêu tài khóa trực tiếp sẽ lên tới 39 nghìn tỷ JPY, tức tương đương 7% GDP nền kinh tế Nhật Bản, gấp đôi số tiền Nhật Bản đã chi sau vụ sụp đổ ngân hàng Lehman Brothers và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Nhật Bản hiện chưa phải là điểm nóng bùng phát dịch Covid-19 như nhiều nền kinh tế lớn của thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc, Italy, Đức, Anh, Tây Ban Nha…; nhưng sự gia tăng liên tục các ca nhiễm virus corona tại Tokyo, Osaka và nhiều địa phương khác đã buộc Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Chỉ trong tuần qua, số ca nhiễm Covid-19 tại Tokyo đã tăng hơn gấp đôi lên khoảng 1.200 trường hợp, với 80 ca nhiễm mới được báo cáo hôm 7/4. Tokyo cũng là khu vực có số ca nhiễm mới cao nhất trong cả nước. Tính đến hết 6/4, Nhật Bản xác nhận hơn 4.000 ca nhiễm Covid-19 và 93 ca tử vong trên cả nước.
Việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp như vậy cho phép các thống đốc 7 tỉnh thành này có thẩm quyền yêu cầu người dân cách ly tại nhà và doanh nghiệp đóng cửa. Dự kiến không có hình phạt nào được đưa ra nếu người dân hoặc doanh nghiệp không thực hiện các yêu cầu như vậy, vì việc thực thi chủ yếu dựa trên sự tôn trọng chính quyền.
Thống đốc Tokyo Yuriko Koike cho biết thành phố đang đàm phán với chính quyền trung ương để quyết định xem các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp nào nằm trong diện yêu cầu đóng cửa hoặc cắt giảm giờ làm. Các cơ sở kinh doanh tạp hóa, thuốc và vật tư y tế sẽ không nằm trong diện tạm ngừng hoạt động.
Cũng theo Thủ tướng Shinzo Abe, chính phủ không yêu cầu các công ty đường sắt giảm số lượng tàu điện đang hoạt động. Các cơ sở hạ tầng thiết yếu khác bao gồm thư tín, ngân hàng, ATM cũng duy trì hoạt động bình thường.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Taku Eto hiện đang kêu gọi người dân giữ bình tĩnh, không mua sắm hoảng loạn, chỉ mua những gì cần thiết vì chính phủ đảm bảo đủ nguồn cung lương thực và không có kế hoạch tạm đình chỉ hoạt động nhà máy thực phẩm nào. Ngoài ra, các hoạt động nhập khẩu lương thực, ngũ cốc của Nhật Bản vẫn được đảm bảo.
Dù vậy, các chuyên gia phân tích vẫn chỉ ra rằng những hạn chế kiểm soát dịch bệnh vẫn đang tiếp tục gây thêm thiệt hại cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, vốn đã gần rơi vào suy thoái. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu di chuyển, du lịch giảm mạnh trên toàn cầu do đại dịch Covid-19 bùng phát đang ảnh hưởng mạnh đến ngành du lịch cũng như sản lượng và tiêu thụ của các nhà máy Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản hiện đang kêu gọi một gói chi tiêu khổng lồ hơn nữa để ngăn chặn doanh nghiệp phá sản và làn sóng mất việc làm của người dân, theo ông Takahide Kiuchi, cựu thành viên hội đồng quản trị của Ngân hàng Nhật Bản; hiện là nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Nomura.