Nhiều nghi ngờ quanh thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1

16/12/2019 18:49 GMT+7
Sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tuyên bố thông qua thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, một câu hỏi vẫn còn khiến các chuyên gia kinh tế băn khoăn là vấn đề mua nông sản của Trung Quốc.
Nhiều nghi ngờ quanh thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 - Ảnh 1.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhất trí thông qua thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 hôm 13/12

Hôm 13/12, truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Bắc Kinh và Washington đã thống nhất thông qua thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 về nguyên tắc ngay trước thềm hạn chót thuế quan 15/12.

Theo tuyên bố từ Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc sẽ mua khoảng 50 tỷ USD nông sản Mỹ như một phần nội dung của thỏa thuận. Cụ thể hơn, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tiết lộ với Reuters rằng Trung Quốc sẽ mua thêm ít nhất 16 tỷ USD nông sản Mỹ trong mỗi 2 năm tới đây, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản từ Mỹ sang thị trường Trung Quốc tăng lên gần 50 tỷ USD trong năm 2020 và 2021.

Đáng chú ý là trước đó, Trung Quốc đã nhiều lần phản đối một cam kết như vậy. Bắc Kinh đề nghị tăng mua nông sản theo nhu cầu thị trường thay vì số lượng cụ thể. Hồi năm 2017, trước khi thương chiến leo thang, Trung Quốc chỉ nhập khẩu 24 tỷ USD nông sản Mỹ. Vậy nên, cam kết mới đây khiến các nhà kinh tế không khỏi nghi ngờ.

Ông Ting Lu, nhà kinh tế nghiên cứu các vấn đề Trung Quốc tại Nomura cho hay: “Quy mô mua nông sản này dường như không hợp lý. Các quan chức Trung Quốc có vẻ đang né tránh đề cập tới những con số nhập khẩu cụ thể trong các cuộc họp báo liên quan đến thỏa thuận”. Tức là bất chấp việc Washington nhấn mạnh kim ngạch nhập khẩu 40-50 tỷ USD nông sản, người Trung Quốc có vẻ không sẵn lòng nhập khẩu khối lượng khổng lồ như vậy. 

Nhất là khi khoảng 50% trong kim ngạch nhập khẩu nông sản Mỹ của Trung Quốc là đậu nành làm thức ăn chăn nuôi. Nhưng trong năm qua, quy mô đàn lợn Trung Quốc đã bị tàn phá tới 50% do dịch tả lợn Châu Phi bùng phát. Không chỉ nhu cầu đậu nành trong nền kinh tế không còn mạnh mẽ như xưa, mà nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã chủ động tìm tới nguồn cung đậu nành giá rẻ từ các quốc gia như Brazil; Argentina để thay thế.

Kim ngạch thương mại song phương Mỹ Trung đã giảm mạnh sau khi cuộc chiến tranh thương mại đầy cay đắng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bùng nổ hồi năm 2018. Khi đó, từ thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 2 của Mỹ, Trung Quốc đã tụt xuống vị trí thứ 5 với kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 9,2 tỷ USD, số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Một vấn đề khác trong quan hệ thương mại Mỹ Trung là thị trường vẫn chưa rõ khi nào Mỹ sẽ đình chỉ triệt để các mức thuế quan lên tới 25% với hàng hóa Trung Quốc hiện nay. Trong một thông báo phát đi hôm 13/12, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ tuyên bố giảm thuế với 120 tỷ USD hàng tiêu dùng Trung Quốc từ 15% xuống còn 7,5%, nhưng vẫn giữ nguyên mức thuế 25% với 250 tỷ USD hàng hóa có hiệu lực hồi tháng 6.

Các nhà phân tích dự đoán đây là động thái nhằm đảm bảo đòn bẩy mạnh mẽ trên bàn đàm phán Mỹ Trung giai đoạn 2 ngay sau khi thỏa thuận giai đoạn 1 được ký kết vào đầu tháng 1. Tuy nhiên, thỏa thuận giai đoạn 2 dự kiến sẽ diễn ra đầy khó khăn do đề cập đến những mâu thuẫn cốt lõi giữa hai nền kinh tế. Không loại trừ khả năng Donald Trump leo thang thương chiến và thuế quan để buộc Bắc Kinh ký vào một thỏa thuận có lợi cho Mỹ.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục