Nhiều tuyến đường xuống cấp, chấn chỉnh các sở GTVT Tây Nguyên

21/05/2021 06:15 GMT+7
Một số tuyến đường còn tồn tại nhiều điểm xuống cấp gây mất an toàn, Tổng cục Đường bộ VN chấn chỉnh các Sở GTVT Tây Nguyên khắc phục, bảo trì các tuyến đường để đảm bảo an toàn giao thông.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấn chỉnh công tác quản lý, bảo trì các tuyến quốc lộ do các tỉnh Đắk Nông, Kom Tum, Gia Lai quản lý.

Cụ thể, sau khi kiểm tra hiện trường các tuyến quốc lộ do các địa phương nêu trên được giao quản lý, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, một số đoạn tuyến còn tồn tại chưa đảm bảo như: lề đất chưa được san gạt, rãnh chưa được khơi thông, ổ gà chưa được khắc phục, sơn kẻ đường bị mờ...

Nhiều tuyến đường xuống cấp, chấn chỉnh các sở GTVT Tây Nguyên - Ảnh 1.

Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên bị xuống cấp.

Trước tình trạng mất an toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các sở GTVT cần chỉ đạo nhà thầu khẩn trương khắc phục, đảm bảo chất lượng mặt đường êm thuận, thoát nước, đảm bảo ATGT.

Bên cạnh đó phải tăng cường giám sát, đảm bảo chất lượng công tác bảo dưỡng thường xuyên, đặc biệt là việc nghiệm thu phải chặt chẽ.

"Kiên quyết giảm trừ tiền các nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên nếu để xảy ra tồn tại, cắt giảm chi phí cho công việc không làm hoặc làm kém để nâng cao trách nhiệm nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên", Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu.

Về công tác đảm bảo hành lang ATGT đường bộ, kiểm soát xe quá tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các sở GTVT tiếp tục thực hiện và đề xuất giải tỏa đất của đường bộ (làm điểm một số đoạn tuyến) nhằm lan tỏa, tuyên truyền vận động người dân, doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành; Phối hợp với lực lượng liên quan tăng cường kiểm soát xe quá tải trên địa bàn.

Đối với công trình chuyển tiếp 2020 -2 021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các sở GTVT chỉ đạo nhà thầu thi công hoàn thành công trình và giải ngân trong quý II; Tăng cường kiểm tra, phát hiện các tồn tại, chỉ đạo tư vấn và nhà thầu khắc phục đảm bảo chất lượng và hoàn thành trách nhiệm bảo hành công trình theo đúng quy định.

Với công tác sửa chữa định kỳ, Tổng cục Đường bộ VN chỉ đạo khẩn trương hoàn thành các thủ tục lựa chọn nhà thầu để sớm thi công các công trình chưa triển khai thi công, đảm bảo chất lượng, tiến độ, giải ngân, tránh nợ đọng vốn đã được bố trí của dự án.

Trong tháng 4, các lực lượng kiểm tra 10.000 xe, Thanh tra các Sở Giao thông Vận tải và các Cục Quản lý đường bộ sử dụng cân xách tay phát hiện hơn 1.400 xe vi phạm, tước hơn 500 giấy phép lái xe và xử phạt nộp kho bạc Nhà nước hơn 12 tỷ đồng.

Đánh giá về tình trạng xe quá, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng: "Tình trạng xe quá tải bùng phát trở lại, có một phần nguyên nhân do các doanh nghiệp khoán chuyến vận chuyển và vì lợi nhuận nên các doanh nghiệp đã ép các xe phải chở quá tải so với quy định".

"Trong tháng 4/2021, các lực lượng chuyên ngành tiếp tục duy trì công tác kiểm tra tải trọng xe, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông, góp phần ngăn chặn tình trạng xe quá tải tái diễn", ông Huyện cho hay.

Cũng theo ông Huyện, do lực lượng thanh tra giao thông mỏng nên không thể kiểm soát được tất cả các tuyến đường, đặc biệt một số quốc lộ và một số tuyến đường địa phương, nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, các dự án xây dựng, san lấp mặt bằng, nhà máy ximăng, khu công nghiệp... tình trạng xe sang tải vẫn tái diễn phức tạp.

Đáng báo động là tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên một số quốc lộ, đường đô thị và đường địa phương đã tái diễn, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông nhất là tại các tỉnh thành như Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định.


Thế Anh
Cùng chuyên mục