Nhiều yếu tố ủng hộ đà giảm của tỷ giá

04/07/2019 13:33 GMT+7
Đã xuất hiện những dấu hiệu ủng hộ cho đà giảm của tỷ giá trong thời gian qua. Những yếu tố chính hỗ trợ bao gồm: Chiến tranh thương mại có những dấu hiệu tích cực và nguồn cung ngoại tệ đang khá dồi dào.

Trong ngắn hạn, tỷ giá liên ngân hàng vẫn đang trong đà giảm và nhiều khả năng có thể về tới giá mua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tức 23.200 đồng/đô la Mỹ.

Triển vọng lạc quan sau cuộc họp thượng đỉnh G-20

Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã trải qua giai đoạn tăng mạnh mẽ, vượt tất cả các mức kháng cự trong quá khứ, vượt cả ngưỡng cản tâm lý 23.400. Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại tỷ giá đã giảm tương đối về quanh mức 23.250 đồng/đô la sau cuộc họp G-20 diễn ra vào ngày 28 và 29/6 vừa qua.

Căng thẳng Mỹ - Trung từ lâu đã trở thành yếu tố chính chi phối tâm lý thị trường. Minh chứng rõ ràng nhất là đợt tăng tỷ giá vượt mức 23.400 đồng trong giai đoạn cuối tháng 5 chịu tác động chủ yếu từ chiến tranh thương mại. Việc hai bên nhất trí nối lại đàm phán thương mại đã giảm sức ép đáng kể lên thị trường.

Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ hoãn vô thời hạn kế hoạch tiếp tục áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng giá trị lên tới 300 tỉ đô la Mỹ, nhiều hơn mức 200 tỉ đô la hàng hóa mà Mỹ áp thuế 25% vào hồi tháng 5.

Chúng ta có thể thấy được sự cứng rắn trong lập trường của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, trong khi Mỹ lại là thị trường xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc những năm qua, nên việc Trung Quốc nhượng bộ và kiềm chế Mỹ là lối đi “khôn ngoan” nếu không muốn chứng kiến kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng khi nền kinh tế nước này vẫn đang trong thời kỳ giảm tốc.

Dư địa đang dồi dào, kết hợp với diễn biến thuận lợi từ tình hình tài chính quốc tế là những căn cứ quan trọng củng cố đà giảm của tỷ giá.

Thông tin từ cuộc gặp gỡ giữa ông Donald Trump và Tập Cận Bình tại G-20 vừa qua đã ngay lập tức được phản ánh trên thị trường, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng đã giảm khoảng 40-50 đồng, về mức 23.250 đồng/đô la vào cuối phiên 1-7. Giới ngân hàng đang kỳ vọng vào một thỏa thuận Mỹ - Trung, hoặc chí ít tâm lý thị trường sẽ tốt hơn trong thời gian hai bên đình chiến và đi tới đợt đàm phán mới.

Nguồn cung ngoại tệ vẫn khá dồi dào

Nếu dự trữ ngoại hối là dư địa của NHNN để kiềm chế đà tăng tỷ giá thì hiện tại, thị trường cũng có đủ nguồn ngoại tệ để bản thân nó tự điều tiết tỷ giá. Tổng thống Mỹ Doanald Trump từng dọa tiếp tục đánh thuế lên lô hàng hóa trị giá 300 tỉ đô la của Trung Quốc hồi đầu tháng 6. Áp lực lên thị trường lúc đó không nhỏ, đồng nhân dân tệ liên tục mất giá trước đô la Mỹ, tuy nhiên tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng lại có bước giảm, trái ngược với dự tính nhiều nhà đầu tư.

Nguyên nhân của đà giảm này là do trạng thái ngoại tệ toàn hệ thống ngân hàng vào tháng 6 khá lớn, có lúc lên tới hơn 1 tỉ đô la. Nguồn cung ngoại tệ này có thể đến từ hai yếu tố chính: Cán cân thương mại ước tính dương trong tháng 6, đồng thời có một lượng ngoại tệ lớn về hệ thống từ việc bán vàng “lậu” qua biên giới.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 6, cán cân thương mại ước tính dương khoảng 400 triệu đô la, kéo mức lũy kế sáu tháng đầu năm ước tính xuống âm 34 triệu đô la, mức tương đối thấp. Nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu ròng đã củng cố đáng kể cho thanh khoản hệ thống trong bối cảnh chịu nhiều sức ép từ thị trường tài chính quốc tế.

Một nguồn ngoại tệ lớn khác tới từ việc buôn bán vàng qua biên giới. Việc buôn bán này xảy ra khi có khoảng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới đã cao hơn giá vàng trong nước suốt từ đầu tháng 6 đến nay. Hiện tại, Nhà nước đang độc quyền việc sản xuất vàng, vì vậy nguồn cung vàng có thể ít thay đổi và khó tăng trong thời gian ngắn khi có cú sốc tài chính xảy ra.

Cầu về vàng trên thế giới đã tăng khá cao trong thời gian vừa qua do căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, ảnh hưởng lớn tới triển vọng kinh tế toàn cầu, khiến rủi ro từ việc nắm giữ các loại tiền giấy tăng cao. Cầu vàng trong nước cũng vì thế tăng theo. Nếu theo lý thuyết, cầu tăng cao hơn khả năng thích ứng từ phía cung thì giá sẽ tăng mạnh. Giá vàng trong nước hoàn toàn có thể tăng tương xứng với đà tăng của vàng thế giới.

Thông thường, trong trường hợp này, NHNN sẽ cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng vật chất cho các doanh nghiệp được cấp phép để đáp ứng nhu cầu trong nước. Song, tại thị trường Việt Nam, giá vàng trước đó đã ổn định và thấp hơn giá vàng quốc tế trong thời gian khá lâu, nên khi giá vàng trong xu thế tăng, người dân đã đổ xô đi bán vàng kiếm chênh lệch mà không găm giữ khiến giá vàng không tăng nóng, cộng hưởng với việc ghìm giá từ các nhà đầu tư vàng, đã khiến giá vàng trong nước thấp hơn quốc tế và tạo cơ hội cho các lỗ hổng buôn bán vàng lậu qua biên giới cho chính những nhà đầu tư này.

Số vàng xuất lậu không có thống kê cụ thể, song vô hình trung lại kéo nguồn ngoại tệ bên ngoài về trong nước, lượng ngoại tệ được phỏng đoán lên tới vài trăm triệu đô la, kết hợp cùng nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu ròng đã tạo nền tảng khá tốt để kiềm chế tỷ giá. Còn nhớ hồi đầu năm, mỗi khi thị trường dư thừa ngoại tệ, NHNN là chủ thể chính mua lượng ngoại tệ này để củng cố dự trữ.

Song thời điểm hiện tại, tỷ giá giảm nhưng vẫn cao hơn giá mua ngoại tệ từ phía NHNN. Điều này khiến lượng lớn ngoại tệ tồn đọng trong hệ thống và tạo dư địa cho chính thị trường trong việc điều tiết tỷ giá.

Lãi suất nội tệ liên ngân hàng tăng cao

Dư địa đang dồi dào, kết hợp với diễn biến thuận lợi từ tình hình tài chính quốc tế là những căn cứ quan trọng củng cố đà giảm của tỷ giá. Ngoài ra, lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng đang neo ở mức khá cao, tăng mạnh trong tuần vừa qua sau khi Kho bạc Nhà nước đồng loạt rút tiền tại ngân hàng gốc quốc doanh, trong khi lãi suất đô la Mỹ vẫn duy trì ổn định cũng góp phần làm giảm tỷ giá.

Khi những dự tính về đà tăng tỷ giá không còn, lợi nhuận kỳ vọng từ việc đầu cơ ngoại tệ sẽ biến mất, lúc đó, lãi suất thực của đồng tiền nào mạnh hơn sẽ chi phối tỷ giá theo hướng của đồng tiền đó.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, lãi suất nội tệ đã tăng mạnh kể từ tuần trước chỉ mang tính ngắn hạn. Nhiều khả năng lãi suất sẽ giảm trong thời gian tới khi các ngân hàng đã qua kỳ báo cáo bán niên, không nhất thiết phải duy trì số dư dự trữ lớn trên bảng cân đối.

Vì vậy, yếu tố lãi suất này không hỗ trợ tỷ giá được lâu, song lãi suất cũng không thể giảm đột ngột trong 1-2 tuần tới. Giá đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng vào ngày 1-7 chỉ cao hơn 50 đồng so với giá NHNN mua (23.200 đồng/đô la Mỹ), nên khả năng cao tỷ giá xuống tới mức giá này trong thời gian gần.

Theo TBKTSG
Cùng chuyên mục