Nhìn lại tuần lễ “kinh hoàng” của Huawei
Trụ sở tập đoàn Huawei ở Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc (Ảnh: Reuters).
Huawei mất quyền truy cập vào các hệ điều hành
Sau khi sắc lệnh của Tổng thống Trump có hiệu lực, Google ngay lập tức chấm dứt hoạt động kinh doanh với Huawei. Google đã ngừng mọi hoạt động kinh doanh với Huawei trong đó có liên quan đến chuyển giao phần cứng, phần mềm và các dịch vụ kỹ thuật, trừ các hoạt động công khai thông qua giấy phép mã nguồn mở.
Quyết định này đã “giáng đòn” mạnh mẽ tới các hoạt động kinh doanh và sản phẩm của công ty này. Qua đó gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc ngay lập tức mất quyền truy cập vào các bản cập nhật của hệ điều hành Android, tức sẽ không có bản cập nhật bảo mật Android nào cho các thiết bị của Huawei, bao gồm cả P30, P30 Pro, Mate 20 Pro...
Sau Google, Microsoft cũng lấp lửng ý định ngừng cập nhật hệ điều hành Windows cho mảng máy tính của Huawei. Nếu Microsoft “đóng băng” các thỏa thuận thì đó sẽ là một vấn đề cực kỳ nan giải với Huawei trong mảng máy tính. Nếu Microsoft không cấp phép cho Huawei hệ điều hành Windows, các mẫu máy tính của hãng công nghệ Trung Quốc gần như không có bất cứ cơ hội nào để cạnh tranh trên thị trường.
Cũng giống như Android, Huawei được cho là đang phát triển một hệ điều hành riêng để thay thế cho Windows. Song sẽ phải mất không ít thời gian để hoàn tất việc này. Kể cả khi ra mắt hệ điều hành mới, thuyết phục người dùng mua các mẫu máy tính chạy hệ điều hành không phải Windows cũng là một vấn đề lớn.
Đối tác cắt đường làm ăn
Các công ty sản xuất chip của Mỹ ngay sau đó cũng có động thái dừng hợp tác với Huawei. Trong đó, 3 nhà thiết kế và cung cấp chip hàng đầu thế giới là Intel, Qualcomm và Broadcom đã bất ngờ ngừng hợp tác với Huawei.
Hiện tại Intel đang cung cấp cho Huawei chip máy chủ và bộ vi xử lý dành cho máy tính xách tách do Huawei sản xuất. Trong khi đó Qualcomm và Broadcom đang cung cấp linh kiện để sản xuất modem và một số loại chip khác cho Huawei.
Tiếp đó, ARM- đối tác quan trọng sản xuất chip Kirin cũng có tuyên bố tương tự với Huawei. Đây được coi là “cú đánh” đau nhất đối với hãng điện thoại Trung Quốc này kể từ khi Google ra quyết định ngừng cấp bản cập nhật phần mềm Android.
Chip Kirin của ARM là cấu trúc "huyết mạch" để Huawei tồn tại (Ảnh: Engadget).
ARM là nhà thiết kế vi xử lý hàng đầu thế giới và được coi là huyết mạch của thị trường smartphone bởi vì công ty này đảm nhiệm các hoạt động bên trong của hầu hết smartphone. Nếu không có giấy phép, hãng smartphone Trung Quốc sẽ không thể tiếp tục sản xuất bộ xử lý cũng như duy trì hoạt động của công ty bán dẫn khổng lồ HiSilicon. Việc ARM tuyên bố chấm dứt quan hệ với Huawei đồng nghĩa rằng tập đoàn công nghệ Trung Quốc đối mặt nguy cơ không còn tự sản xuất chip của riêng mình.
Không chỉ các công ty sản xuất chip của Mỹ, Infineon Technologies - một nhà sản xuất chip của Đức cũng đã ngưng giao dịch với Huawei. Công ty Đức là nhà cung cấp các sản phẩm bán dẫn cho Huawei, trong đó có vi điều khiển và mạch tích hợp quản lý năng lượng, với lượng hàng đáp ứng tương đối nhỏ, khoảng 100 triệu USD mỗi năm. Theo một số chuyên gia đánh giá việc hãng chip Đức ngừng hợp tác với Huawei có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, trong đó có việc các đối tác tại châu Âu và châu Á làm điều tương tự.
Nhiều nhà mạng lớn dừng mọi đơn hàng
Tại Anh, hai nhà mạng lớn hàng đầu châu Âu EE và Vodafone thông báo sẽ tạm ngưng cấp phép cho điện thoại của Huawei dùng mạng 5G của mình.
Châu Á là một trong những thị trường trọng điểm của Huawei cũng bắt đầu đưa ra những phản ứng tạm thời ngừng kinh doanh với Huawei. Công ty viễn thông hàng đầu Nhật Bản, NTT Docomo thông báo rằng hãng này đã dừng lại việc nhận các đơn đặt hàng cho chiếc điện thoại này, và đang nghiên cứu về các tác động của lệnh giới hạn từ Mỹ. Các nhà mạng khác như KDDI và SoftBank Corp cũng cho biết sẽ trì hoãn vô thời hạn ngày ra mắt của chiếc điện thoại mới từ Huawei.
Mới đây, công ty Nhật Bản Toshiba cũng quyết định dừng cung cấp linh kiện cho Huawei. Toshiba Electronics Devices & Storage, công ty con của hãng điện tử Nhật, được cho là công ty chuyên cung cấp các ổ đĩa cứng, linh kiện bán dẫn và hệ thống xử lý dữ liệu tốc độ cao LSI cho Huawei.
Trong khi đó, tại Singapore và Philippines, một số người tiêu dùng cũng đã tìm cách bán tháo điện thoại Huawei vì lo ngại rằng việc Google ngưng làm ăn với công ty của Trung Quốc sẽ làm giá đoạn dịch vụ.
Việc đồng loạt bị các hãng công nghệ này ngừng hợp tác có thể sẽ khiến Huawei thực sự lâm vào khủng hoảng. Hiện Huawei đang là hãng smartphone lớn thứ hai thế giới về mặt doanh số và là một trong những hãng cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, tuy nhiên vị thế này có thể thay đổi trong tương lai.