Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và hành trình đưa Vietjet Air thành hãng hàng không thứ 2 ASEAN
Trong danh sách "Những nữ doanh nhân quyền lực của châu Á", CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành một trong hai đại diện danh giá của Việt Nam được góp mặt vào top 25 doanh nhân nổi bất nhất châu Á do tạp chí Forbes bình chọn. Đây không phải là lần đầu nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo được xướng tên trong danh sách của Forbes. Được biết, trước đó, bà Thảo trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2017 do Forbes bình chọn.
Theo Forbes, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã làm nên lịch sử khi trở thành người phụ nữ duy nhất khởi nghiệp và điều hành một hãng hàng không thương mại lớn mang tên Vietjet Air. Xây dựng Vietjet Air thành công cũng khiến cho bà trở thành một doanh nhân giàu có. Bà Thảo là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam và là người phụ nữ tự thân giàu có nhất Đông Nam Á với tổng tài sản trị giá 2,5 tỷ USD. Điều này chứng tỏ rằng, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã có bước đi và chiến lược kinh doanh đúng đắn khi đầu tư vào thị trường ngành hàng không khốc liệt.
"Đã khởi nghiệp phải làm ăn lớn"
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo sinh ra trong một gia đình Hà Nội gốc. Năm 17 tuổi, bà Thảo đi du học đại học ngành Kinh tế tài chính tại Nga với bảng thành tích học tập xuất sắc. Cũng tại Nga, bà Thảo bắt đầu bén duyên với công việc kinh doanh ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ 2 trong bối cảnh thị trường Đông Âu đang khan hiếm hàng tiêu dùng. Nhận thấy nhu cầu tiêu dùng có tiềm năng, bà Thảo bắt đầu kinh doanh đủ mọi thứ từ hàng điện tử, máy fax, máy vi tính, đồng hồ, hàng nông sản từ các nước Châu Á như Nhật, Hàn, Hong Kong sang Đông Âu. Đồng thời, bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm như phân bón, sắt thép, thiết bị,...
Với triết lý kinh doanh không có hứng thú "làm chuyện cò con", đã làm phải làm lớn và khác biệt, chỉ sau 3 năm khởi nghiệp, bà Thảo đã có 1 triệu USD đầu tiên vào lúc bấy giờ nhờ kinh doanh các loại hàng điện tử, máy văn phòng, máy fax và cao su tự nhiên. Với số vốn này, bà Thảo chuyển sang kinh doanh những mặt hàng công nghiệp như sắt thép, máy móc, phân bón và một số loại hàng hóa khác.
Sau khi quay về Việt Nam, bà Thảo đầu tư vào hai lĩnh vực tài chính và bất động sản, để lại nhiều dấu ấn trong kinh doanh. Năm 1992, bà Thảo cùng với chồng là doanh nhân Nguyễn Thanh Hùng đã thành lập Công ty Sovico, tập trung vào các lĩnh vực liên quan tới đầu tư, kinh doanh và tài chính. Năm 2000, bà Thảo góp vốn thành lập Ngân hàng Techcombank và VIB tại Việt Nam. Tới năm 2003, bà Thảo trở thành Tổng giám đốc của Ngân hàng HD Bank.
Năm 2004, bà Thảo một lần nữa thâu tóm và trở thành cổ đông chính của Tập đoàn địa ốc Phú Long, thực hiện thương vụ mua bán đình đám khách sạn 5 sao Furama Đà Nẵng từ tay tập đoàn đầu tư nước ngoài. Bà Thảo trở thành người Việt Nam đầu tiên chính thức sở hữu hệ thống nghỉ dưỡng (resort) tiêu chuẩn 5 sao quốc tế tại Việt Nam vào năm 2005.
Xóa bỏ định kiến, gây dựng Vietjet Air trở thành hãng hàng không đứng thứ hai ASEAN
Trong khi thị trường lúc bấy giờ đang nặng định kiến về hàng không tư nhân và nam giới chiếm ưu thế trong lịch sử ngành hàng không thì vào năm 2007, bà Nguyễn Thị Phương Thảo lại có quyết định táo bạo khi dấn thân vào lĩnh vực hàng không, kêu gọi một nhà nhà đầu tư khác thành lập nên Hãng hàng không tư nhân Vietjet.
Tháng 12/2011, Hãng hàng không tư nhân Vietjet chính thức cất cánh, mở ra chương mới trong lĩnh vực hoạt động hàng không thương mại tại Việt Nam. Ban đầu đi vào hoạt động, hãng hàng không Vietjet Air chỉ mở các đường bay nội địa với vốn điều lệ ban đầu là 600 tỷ đồng.
Năm 2013, Vietjet Air bỏ ra hơn 9 tỷ USD để thuê và mua 100 máy bay Airbus. Thương vụ này được coi là sự bứt phá mạnh mẽ của một hãng hàng không tư nhân mới trong ngành thay vì như trước đây chỉ độc quyền bởi Vietnam Airlines.
Tổng giám đốc Thương mại toàn cầu của Airbus, ông John Leahy dành lời khen ngợi về bà Thảo rằng đây là "người phụ nữ có bàn tay sắt bọc nhung. Cứ thử đàm phán hợp đồng với bà ấy mà xem".
Năm 2017, cổ phiếu Vietjet niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) với vốn hóa thị trường thời điểm đó 1,4 tỉ USD. Trong năm tiếp theo, Vietjet vận chuyển 23 triệu lượt khách, chiếm 46% thị phần hành khách nội địa. Con số này tương đương hơn một nửa lượt khách của AirAsia, hãng hàng không giá rẻ số một tại Đông Nam Á. Doanh thu của Vietjet tăng 27% đạt mức 2,3 tỉ USD trong năm 2018, trong khi doanh thu của AirAsia chỉ tăng 9% và đạt 2,5 tỉ USD. Trong năm nay, Vietjet dự kiến vận chuyển 30 triệu lượt khách, tăng trưởng 30%.
Với nhu cầu du lịch hàng không tại các nước Châu Á - Thái Bình Dương đang tăng cao, Vietjet đã đặt hàng tổng cộng 386 tàu bay mới, gồm 200 chiếc từ Boeing và 186 chiếc từ Airbus.
Từ hãng hàng không giá rẻ khởi nghiệp ban đầu với rất ít máy bay, trở thành hãng hàng không lớn thứ 2 Đông Nam Á, vượt cả "ông lớn" Vietnam Airlines và AirAsia, chỉ đứng sau Singapore Airlines. Cổ phiếu hãng hàng không tăng hơn gấp đôi kể từ thời điểm IPO vào năm 2017, giá trị vốn hóa thị trường đạt 3 tỉ USD. Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng cho biết đang đàm phán với các đối tác trên toàn khu vực để mở rộng hoạt động bên ngoài Việt Nam.