"Phất" lên ầm ầm, doanh thu gần 10 tỷ đồng mỗi năm nhờ mạnh dạn vay tiền làm trang trại
Mở rộng trang trại lên gấp 3 lần, cuộc sống "phất" lên
Đến thăm mô hình kinh tế trang trại vườn – ao – chuồng (VAC) của anh Nguyễn Văn Kiệt (50 tuổi) ở thôn Đông Hòa, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, được anh cho biết, xuất thân trong một gia đình thuần nông, ngoài mấy sào ruộng anh còn làm thêm các công việc tự do khác để kiếm sống, tuy nhiên thu nhập khá bấp bênh.
Năm 2003, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Agribank Chi nhánh thị xã Điện Bàn, cộng với số tiền tích góp được hơn 50 triệu đồng, anh quyết định xây dựng mô hình kinh tế trang trại làm bước đi khởi nghiệp cho gia đình mình.
Ban đầu, do vốn ít nên trang trại chỉ có quy mô khoảng 0,5ha, đến nay quy mô trang trại của anh đã mở rộng lên hơn 1,5ha. Với 2 ao nuôi cá (gồm cá trắm, chép, rô phi), hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 40 tấn cá các loại, trung bình mỗi tấn có giá từ 25-30 triệu (tùy vào loại cá), 3 chuồng nuôi gà, nuôi theo hình thức gối đầu (khoảng trên 7.000 con/lứa, mỗi năm 3 lứa), mỗi cân gà bán ra thị trường hiện nay có giá từ 40.000-45.000 đồng/kg, cùng đàn bò 3B hơn 100 con mỗi lứa.
Ông Nguyễn Tiến Trường – Phó Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Trung cho biết: Với sứ mệnh "tam nông", thời gian qua Agribank đã chủ động cân đối nguồn vốn, triển khai có hiệu quả chương trình cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Nhờ đó, nhiều nông dân trên địa bàn đã có điều kiện đầu tư, phát triển sản xuất, chăn nuôi hiệu quả và vươn lên làm giàu chính đáng.
"Trong thời gian tới, Agribank nói chung cũng như các Chi nhánh khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng sẽ bám sát định hướng phát triển của từng địa phương để tiếp tục đầu tư tín dụng cho lĩnh vực "tam nông" giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao thu nhập…", ông Trường cho hay.
Trong 5 năm trở lại đây, mô hình nuôi bò 3B đang phát triển rất mạnh tại thị xã Điện Bàn, anh Kiệt cũng đang tập trung đầu tư mạnh vào phát triển đàn bò, và đây cũng là nguồn thu nhập chính của trang trại.
"Gia đình tôi phất lên được như ngày hôm nay là nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Agribank, tôi rất biết ơn ngân hàng đã cho tôi vay vốn để phát triển kinh tế. Hiện nay, trang trại của tôi cho doanh thu khoảng 8-9 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí tôi lãi gần 1 tỷ đồng mỗi năm…", anh Kiệt phấn khởi nói.
Anh Kiệt đã gắn bó với Ngân hàng Agribank gần 20 năm nay, kể từ khi còn là một thanh niên luôn khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Mới đầu, từ vài chục triệu vốn vay của Ngân hàng Agribank, anh đã đầu tư nuôi gà, cá, đến nuôi bò. Rồi dần dần, làm ăn có lãi, anh đã sử dụng đồng vốn để quay vòng phát triển sản xuất. Cứ mỗi lần mở rộng làm ăn, Ngân hàng Agribank Chi nhánh thị xã Điện Bàn là địa chỉ tin cậy và đầu tiên mà anh muốn tìm đến để vay vốn mở rộng sản xuất.
Cũng tại Quảng Nam, chúng tôi cùng cán bộ Agribank đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của hộ bà Hồ Thị Nhé, người Bhnoong (dân tộc Giẻ-triêng) ở thôn 1, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Bà Nhé cho biết, trước đây vợ chồng bà làm mấy sào ruộng, cùng với chăn nuôi nhỏ lẻ, ngoài ra ai thuê gì làm đó để kiếm kế sinh nhai, tuy nhiên thu nhập khá bấp bênh. Năm 2016, được sự hỗ trợ của Agribank Chi nhánh huyện Phước Sơn, gia đình bà vay 350 triệu để phát triển kinh tế gia đình, bằng mô hình chăn nuôi heo (lợn) rừng.
"Nhờ có nguồn vốn Agribank mà gia đình tôi xây dựng được mô hình kinh tế rộng hơn 32ha, gồm chăn nuôi bò, heo rừng, gà và trồng keo. Đến nay, cơ ngơi của gia đình gồm có gần 30ha rừng trồng keo, hơn 1ha trồng sắn, 60 con heo rừng, 40 con bò, cùng đàn gà ta thả vườn. Hàng năm trang trại mang lại doanh thu hơn 350 triệu đồng, trừ các khoảng chi phí, trả lãi ngân hàng, gia đình tôi lãi hơn 150 triệu đồng. Nhờ làm ăn hiệu quả, gia đình tôi vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống…", bà Nhé vui mừng nói.
"Phao cứu sinh" cho nông dân
Trước đây gia đình bà Nhé thuộc diện hộ nghèo, đời sống khá khó khăn, nhưng từ khi có nguồn vốn Agribank gia đình bà đã vươn lên thoát nghèo, làm ăn có hiệu quả, có tiền xây nhà mới khang trang và nuôi 4 đứa con ăn học.
"Ở đây không những gia đình tôi mà có hàng nghìn hộ dân ở huyện miền núi Phước Sơn này nhờ được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, nhất là Ngân hàng Agribank mà người dân chúng tôi xây dựng được các mô hình kinh tế, từ đó có nguồn thu nhập ổn định và vươn lên trong cuộc sống. Gia đình tôi và người dân nơi đây biết ơn Ngân hàng Agribank nhiều lắm...", bà Nhé nói.
Còn tại Đà Nẵng, mô hình chăn nuôi heo của gia đình ông Nguyễn Ngọc Tửu (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) là một trong những mô hình điển hình.
Trò chuyện cùng phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Tửu chia sẻ, trước đây vợ ông đã chăn nuôi heo nhưng nhỏ lẻ, còn ông thì làm bác sĩ, sau khi nghỉ hưu ông về phụ vợ và mở rộng chuồng trại để xây dựng mô hình nuôi heo với quy mô lớn, làm hướng phát triển kinh tế tiếp theo cho gia đình.
Ông Tửu nhớ lại, năm 2014 từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Hòa Vang - Nam Đà Nẵng, ông đã đầu tư 200 triệu đồng cho mô hình chăn nuôi heo, ban đầu ông chỉ nuôi khoảng 20 con heo thịt, ngoài ra còn chăn nuôi thêm gà, trồng rau.
Là tay ngang rẽ hướng sang chăn nuôi, nên ông gặp muôn vàn khó khăn do chưa có kinh nghiệm, hơn nữa nguồn vốn để đầu tư xây dựng chuồng trại, con giống cũng khá lớn.
Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, nên mô hình chăn nuôi heo của ông Tửu phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Hàng năm ông đã lấy nguồn lãi thu được để trả tiền ngân hàng và tái đầu tư mở rộng quy mô đàn heo.
Ông Tửu cho biết thêm, mô hình chăn nuôi heo đang phát triển thuận lợi thì năm 2019 dịch tả lợn châu Phi bùng phát, đàn heo hơn 60 con gần xuất chuồng phải tiêu hủy, thiệt hại gần 500 triệu đồng, khiến gia đình ông thiệt hại nặng nề. Trong lúc khó khăn, ông được Agribank Chi nhánh huyện Hòa Vang Nam Đà Nẵng cho vay vốn, nhờ đó ông đã bắt đầu tái đàn heo, thời gian qua đàn heo của gia đình ông đang phát triển tốt.
"Sau nhiều lần vay trả, đến nay tổng dư nợ của tôi là 1 tỷ đồng, việc được Agribank "hậu thuẫn" đã giúp tôi và hàng trăm hộ dân khác không lo sợ thiếu vốn. Được Agribank cho vay vốn là nguồn động viên, khích lệ rất lớn cho tôi vững tin tái đàn heo, ngân hàng thật sự là "phao cứu sinh" cho gia đình tôi vực dậy kinh tế khi mà thiên tai, dịch bệnh luôn hoành hành", ông Tửu vui mừng nói.