Philippines: Không tìm thấy bằng chứng Huawei tham gia hoạt động gián điệp của Bắc Kinh

22/05/2019 10:29 GMT+7
Kết luận này vừa được phía cảnh sát Philippines đưa ra sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa Huawei vào một danh sách đen kèm theo lệnh hạn chế thương mại hồi tuần trước.

Chính quyền Philippines hôm 21/5 cho biết không có bằng chứng nào về việc Huawei tham gia hay có liên quan đến hoạt động gián điệp cho Bắc Kinh - theo kết quả ban đầu cuộc điều tra của cảnh sát nước này về tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc.

Thông điệp này được đưa ra sau khi Hoa Kỳ gia tăng áp lực lên các đồng minh trong việc hạn chế thương mại đối với Huawei và toàn bộ 70 chi nhánh của tập đoàn này. Cục Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP) sau đó buộc phải phối hợp với các cơ quan thi hành pháp nước ngoài để mở cuộc điều tra về cáo buộc gián điệp mà chính phủ Hoa Kỳ áp đặt lên gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc.

“Cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Huawei tham gia vào các hoạt động gián điệp của Bắc Kinh” - Phát ngôn viên PNP, ông Bernard Banac cho biết trên tờ nhật báo Daily Inquirer của Philippines.

PNP cho hay không có bằng chứng cho thấy Huawei tham gia vào hoạt động gián điệp cho Bắc Kinh

Đây là một diễn biến có lợi cho Huawei sau lệnh nới lỏng hạn chế thương mại mà chính quyền Trump đưa ra hôm 20/5 (giờ địa phương) để hạn chế ảnh hưởng của chiến tranh thương mại đến các đối tác của Huawei tại Mỹ và Châu Âu. Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đã cấp giấy phép có hiệu lực trong 90 ngày để các công ty viễn thông tiếp tục hợp tác với Huawei, tuy nhiên Huawei không được phép nhập khẩu linh kiện điện tử sản xuất và chế tạo các sản phẩm chưa được chính phủ nước này thông qua.

Lucio B. Pitlo, thành viên nghiên cứu của Tổ chức Con Đường Tiến Bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Quezon (Philippines) cho biết kết quả tích cực từ phía Cục Cảnh sát Quốc gia Philippines sẽ là một lợi thế lớn với Huawei vào thời điểm hiện tại. “Điều này có thể tạo ra một sự khởi sắc trong quan hệ hợp tác của Huawei với các công ty viễn thông, đặc biệt là trong bối cảnh smartphone 5G sắp ra mắt.” Dù vậy, Huawei vẫn phải đối mặt với các cuộc thăm dò, điều tra tiếp theo từ Bộ Quốc phòng và lực lượng Cố vấn An Ninh Quốc gia Philippines.

Mặc dù Philippines có tên trong khối đồng minh không thuộc NATO thân cận với Mỹ, Manila vẫn chào đón Huawei sau cam kết xây dựng mối quan hệ gần gũi với Bắc Kinh của Tổng thống Duterte. Hai nhà mạng lớn nhất Philippines là Smart Communications và Globe Telecom cũng khẳng định sẽ sử dụng công nghệ Huawei để triển khai phủ sóng mạng 5G trong tương lai.

Nhà mạng Globe Telecom của Philippines sẽ tiếp tục sử dụng công nghệ của Huawei trong phát triển mạng 5G

Chính phủ Philippines hiện đang hợp tác với Huawei trong một dự án lắp đặt hệ thống camera giám sát trị giá hơn 400 triệu USD mang tên Safe Phillippines tại thủ đô Manila và thành phố Davao phía Nam nước này.

Rõ ràng, việc Philippines lên tiếng khẳng định Huawei không có dấu hiệu tham gia vào hoạt động nội gián của Bắc Kinh đã đi ngược lại cáo buộc của chính quyền ông Trump hồi tuần trước nhằm đưa công ty này vào danh sách đen. Trước đó, trong chuyến thăm Manila vào tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cảnh báo chính quyền ông Duterte về những rủi ro cho người dân Philippines và an ninh Philippines một khi hợp tác với Huawei.

“Là một đồng minh lâu đời của Mỹ, tuyên bố vừa qua của Philippines nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ Washington - Manila, nhất là trong bối cảnh căng thẳng leo thang và chiến tranh thương mại đang biến thành chiến tranh công nghệ. Vị thế công nghệ ngày càng tăng của Huawei rõ ràng thể hiện tham vọng siêu cường công nghệ của Trung Quốc, và Mỹ chắc chắn không hài lòng về điều này” - Ông Lucio B. Pitlo cho hay.

Alvin Lim, một nhà phân tích của Wikistrat tại Singapore cũng nhận định, kết luận của PNP chắc chắn sẽ đưa Manila tiến gần hơn với Bắc Kinh thay vì Washington.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục