Phố Wall trông đợi gì từ báo cáo kinh doanh quý II?
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II đã bắt đầu đầu tuần qua, khi Citigroup trở thành ngân hàng lớn đầu tiên công bố báo cáo doanh thu. Goldman Sachs và J.P. Morgan Chase sau đó cũng công bố lợi nhuận vượt mức kỳ vọng. Tuy nhiên nhìn chung, dự báo về kết quả kinh doanh quý II của thị trường nói chung khá ảm đạm.
Thương chiến và thuế quan đã làm mờ đi triển vọng kinh doanh quý II
Nhiều chuyên gia nhận định triển vọng nền kinh tế Mỹ quý II khá tiêu cực do ảnh hưởng của xung đột thương mại và hàng loạt trừng phạt thuế quan mà ông Trump áp đặt hoặc đe dọa áp đặt lên các đối tác lớn. “Tin tốt là kỳ vọng của thị trường rất thấp, nên sẽ không có những cú sốc lớn một khi các tập đoàn công bố hiệu quả kinh doanh ảm đạm. Tuy nhiên, tin xấu là điều này đang báo hiệu sự suy thoái đến gần” - một chuyên gia phân tích của MarketWatch nhận định.
Dưới đây là 5 yếu tố thị trường cần lưu ý trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh năm nay, theo các chuyên gia MarketWatch.
Diễn biến xung đột thương mại
Thị trường quan ngại về nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang trở lại
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, EU và mới đây nhất là Ấn Độ chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh quý II.2019. Ngay chính chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED cũng thừa nhận điều này trong phiên điều trần trước Hạ viện và Thượng viện Mỹ tuần trước.
Thị trường vẫn quan ngại và thận trọng về nguy cơ trừng phạt thuế quan và chiến tranh thương mại leo thang trở lại, nhất là khi hôm 16.7, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố con đường đi đến thỏa thuận thương mại với Trung Quốc sẽ kéo dài, đồng thời đe dọa tiếp tục áp thuế bổ sung với 325 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc. Về phía ngược lại, Trung Quốc cũng đưa Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn, người có lập trường cứng rắn với Mỹ vào đoàn đàm phán.
Những xung đột càng kéo dài, thị trường càng có nguy cơ đối diện với tình trạng cắt giảm việc làm và các dữ liệu yếu kém của nền kinh tế. Đó chính là lý do vì sao nhiều nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến của căng thẳng thương mại. Một số chuyên gia nhận định thỏa thuận thương mại lúc này giữa Bắc Kinh và Washington sẽ đẩy chỉ số S&P 500 lên tới 3.200 - 3.300 điểm, ngưỡng kỷ lục mới với thị trường chứng khoán. Còn một khi đàm phán đi sai đường khiến tranh chấp thương mại leo thang, không loại trừ khả năng S&P 500 sẽ chạm đáy 2.500 điểm so với mức cao kỷ lục hơn 3.000 điểm thiết lập hôm Thứ Sáu tuần trước.
TS Lombard nhấn mạnh rủi ro trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung xuất phát từ chính cách tiếp cận vấn đề của cả hai bên. Trong khi Trung Quốc nỗ lực khắc phục thâm hụt thương mại, Mỹ lại đòi hỏi nước này giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, ăn cắp tài sản thương mại, nguy cơ gián điệp… Mỹ cáo buộc Trung Quốc không tôn trọng thỏa thuận, còn Trung Quốc thì cho rằng Mỹ đang cố tình cản trở các bước nhảy vọt công nghệ của đất nước này. Để đi đến một thỏa thuận, cần sự phân biệt rạch ròi vấn đề thương mại và công nghệ, điều mà Bắc Kinh và Washington đều chưa đạt tới.
Đã nhiều lần Bắc Kinh tỏ ra cứng rắn, kiên quyết bảo vệ nền tảng luật pháp quốc gia cũng như quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp trong nước. Các quan chức Trung Quốc thậm chí cáo buộc Mỹ “bắt nạt kinh tế”, “khủng bố kinh tế” còn Huawei thì phản đối việc đưa đế chế công nghệ này vào nội dung đàm phán thương mại giữa hai quốc gia. Nếu tình hình không cải thiện trong vài tháng tới, nhiều khả năng nỗ lực nối lại đàm phán thương mại sẽ trở thành vô ích.
Ngoài vấn đề thương mại Mỹ Trung, xung đột của Mỹ với Mexico hay EU cũng là điểm nóng. Hồi tuần trước, viện Quản lý Cung ứng Mỹ công bố chỉ số sản xuất trong tháng 6 đạt 51,7%, giảm 0,4% so với mức 52,1% hồi tháng 5. Nguyên nhân được cho là căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và Mexico khiến xuất khẩu yếu đi. Hồi tháng 8.2018, trước khi xung đột Mỹ Trung leo thang, chỉ số này đạt tới 60,8%.
Dù Trump sau đó tuyên bố đình chỉ vô thời hạn trừng phạt thuế quan với Mexico, thì mối quan ngại đó cùng với thuế quan áp đặt lên hàng nhập khẩu Trung Quốc đã tàn phá chuỗi cung ứng hàng hóa Mỹ một cách rõ rệt. Và không nghi ngờ gì, kết quả kinh doanh ảm đạm trong quý II là điều nằm trong dự đoán.
Bối cảnh kinh tế mờ triển vọng
Dự kiến lợi nhuận các doanh nghiệp trong S&P 500 sẽ giảm tới 3% quý II
Các nhà đầu tư thường sẽ tìm kiếm triển vọng lợi nhuận từ các lĩnh vực công nghệ viễn thông vốn có tốc độ phát triển vượt bậc, nhưng bối cảnh hiện nay của nền kinh tế Mỹ sẽ khiến doanh nghiệp khó mà có được một dự đoán tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong 11 lĩnh vực quan trọng của S&P 500, dự kiến có tới 5 lĩnh vực sẽ chứng kiến sự sụt giảm ESP (lợi nhuận trên 1 cổ phiếu) trong quý II năm nay, dẫn đầu là lĩnh vực công nghệ thông tin, do ảnh hưởng của tranh chấp thương mại quốc tế. Dự kiến lợi nhuận các doanh nghiệp trong S&P 500 sẽ giảm tới 3%. Phố Wall đang phản ứng thận trọng, khi mà GDP Trung Quốc đang chứng kiến mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1992 và kinh tế Châu Âu cũng có nhiều dấu hiệu giảm tốc.
Broadcom đã công bố báo cáo tài chính quý II trong đó khẳng định hạn chế thương mại với Huawei nói riêng và căng thẳng Mỹ Trung nói chung đang tác động xấu đến lợi nhuận của hãng. Hồi tuần trước, Samsung cảnh báo lợi nhuận quý II của công ty có thể giảm hơn 1 nửa do vụ việc Huawei ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu con chíp. Cụ thể, lợi nhuận hoạt động quý II sẽ giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn khoảng 6,5 nghìn tỷ won.
Mặc cho Mỹ và Trung Quốc nối lại các cuộc điện đàm từ tuần trước, thị trường không thấy rõ triển vọng một thỏa thuận thương mại trong thời gian ngắn. Không có bất kỳ một cuộc gặp gỡ trực tiếp nào sau Hội nghị Thượng đỉnh G20.
Biến động đồng bạc xanh
Sự biến động giá trị đồng USD so với 6 loại tiền tệ có tính thanh khoản cao sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh các tập đoàn đa quốc gia, vì nó gây ra những ảnh hưởng đến giá trị doanh thu và lợi nhuận trên thị trường quốc tế cũng như chi phí nguyên vật liệu nước ngoài.
Theo dữ liệu từ Factset, chỉ số US Dollar đo lường sức mạnh đồng bạc xanh đã đạt mức bình quân 97,05 trong 3 tháng vừa qua, tăng 4,9% so với mức bình quân 92,48 hồi cùng kỳ năm ngoái. Không có gì lạ khi Tổng thống Trump kêu gọi hạ giá đồng bạc xanh để thích nghi với "nỗ lực thao túng tiền tệ" của các đối tác như Mỹ và EU nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh trước Mỹ. "Chúng ta nên có biện pháp thích nghi, hoặc ngồi như kẻ bù nhìn xem họ hưởng lợi" - ông Trump nhấn mạnh. Tuy nhiên, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin có vẻ như đều phản đối can thiệp hạ giá USD.
Lạm phát chuỗi cung ứng
Cùng với biến động đồng USD và quan ngại trừng phạt thuế quan, biến động giá hàng hóa cũng ảnh hưởng lớn tới tỷ suất lợi nhuận biên cũng như kết quả kinh doanh của công ty.
Một tin tốt cho các công ty ngoài lĩnh vực năng lượng và vật liệu, là giá nguyên liệu thô nhìn chung đều giảm do sự giảm tốc của nền kinh tế. Chỉ số hàng hóa Bloomberg theo dõi biến động giá của hơn 20 loại hàng hóa cơ bản đã đo được giá trung bình trong quý II là 79,78, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng sự giảm giá nguyên vật liệu trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tiệm cận mức thấp nhất mọi thời đại sẽ đặt ra bài toán về lương tăng tương đối, đồng thời khiến các công ty khó lòng tăng giá bán hàng để bù đắp những ảnh hưởng nặng nề của trừng phạt thuế quan. Điều đó làm giảm tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp.
Một ví dụ, công ty sản xuất ốc vít và linh kiện Fastenal vừa báo cáo lợi nhuận quý II giảm mạnh so với dự kiến dù doanh thu tăng: lợi nhuận gộp giảm tới 18% xuống còn 46,9% và chi phí cho người lao động tăng 6,8%.
“Chúng tôi đã tăng giá thành phẩm như một chiến lược bù đắp mức thuế quan trừng phạt cho các nguyên liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng mức tăng đó không đủ để bù đắp sự lạm phát chung trên thị trường.”
“Chúng tôi không phải chịu tác động trực tiếp của thuế quan, nhưng phải chịu tác động gián tiếp thông qua các mặt hàng chúng tôi mua, các công ty chúng tôi hợp tác… Nhìn chung, thuế quan đã tạo nên lạm phát lớn trong chuỗi cung ứng, dù rằng lạm phát thị trường vẫn thấp” - CEO Fasternal cho hay.
“Fastenal đã tiến hành một số điều chỉnh giá tiếp theo, điều được kỳ vọng sẽ hấp thụ một phần lạm phát và có hiệu quả với lợi nhuận quý III”.
Dự báo quý III ảm đạm
Những nhận định của CEO Fastenal trên đây cũng phản ánh lo ngại kết quả kinh doanh quý III tiếp tục bị ảnh hưởng bởi biến động đồng USD, biến động giá hàng hóa và lạm phát chuỗi cung ứng.
Dự đoán kết quả kinh doanh quý III cho thấy dường như lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tiếp tục suy giảm. Lợi suất trên mỗi đơn vị cổ phiếu từ S&P 500 dự kiến sẽ giảm 1,1% so với năm 2018, theo Factset. Các nhà đầu tư có thể không quan tâm lắm đến suy giảm lợi tức, vì S&P 500 vẫn đang vượt ngưỡng 3.000 còn FED thì dự báo một đợt cắt giảm lãi suất cuối tháng 7. Tuy nhiên thị trường nên cẩn trọng, vì triển vọng của nền kinh tế thường luôn đi đôi với lợi nhuận doanh nghiệp. Một khi triển vọng ảm đạm, nhà đầu tư không thể kỳ vọng những dự báo lợi nhuận kinh doanh khả quan.
Các nhà phân tích cũng như CEO các tập đoàn lớn đều thống nhất chưa đưa ra triển vọng tích cực cho kết quả kinh doanh quý III năm nay.