Quảng Ngãi: Tiếp tục chi ngân sách duy trì cây cảnh ngoại dặt dẹo ở dự án chục tỷ
Sáng 7/7, liên quan đến việc đổ tiền tỷ chọn mua và đưa về trồng hàng trăm cây cảnh ngoại, ở dự án vườn hoa kiến thiết đô thị Lý Sơn, nhưng sau nhiều năm trồng vẫn hom hem, tong teo gây nhiều phản ứng trong dư luận, PV Etime tiếp tục tìm hiểu vụ việc này.
Đại diện phòng Văn hoá huyện Lý Sơn cho biết, vào cuối năm 2021, sau khi BQL DA huyện Lý Sơn (đại diện chủ đầu tư) hoàn thành vườn hoa kiến thiết đô thị Lý Sơn, cùng với các vị trí khác tương tự, công trình này (vườn hoa kiến thiết đô thị Lý Sơn), được bàn giao lại cho đơn vị đảm nhận chăm sóc.
Trả lời câu hỏi sau hơn 1,5 năm được giao chăm sóc đến nay, tình trạng phát triển của số cây (Bàng Đài Loan và Osaka) thế nào, có khả năng tạo bóng mát như mục đích đề ra không; số tiền được cấp để chăm sóc hàng năm là bao nhiêu, đại diện phòng Văn hoá huyện Lý Sơn đã trả lời cụ thể những thắc mắc này.
Theo đó trong tổng số tiền mà huyện đã cấp ngân sách, phục vụ chăm sóc các vườn hoa trên đảo hơn 1 tỷ đồng/năm, đại diện phòng Văn hoá huyện Lý Sơn cho biết, phần dành cho số Bàng Đài Loan và Osaka, cùng một số cây trồng khác tại vườn hoa kiến thiết đô thị Lý Sơn, ước khoảng 120 triệu đồng.
Vị đại diện phòng Văn hoá huyện Lý Sơn thẳng thắn, sau hơn 1 năm chăm sóc, thực tế cho thấy tuy không chết nhiều, nhưng toàn bộ số cây Bàng Đài Loan và Osaka, phát triển quá chậm và vẫn tong teo, nên khó có thể tạo ra bóng mát, như giống bàng vuông bản địa đã và đang trồng tại đảo.
Sau 3 năm trồng nhưng phát triển thì dặt dẹo, tong teo và thân, cành lá giống như chổi quét sân như vậy; tiền cấp để chăm sóc tính bằng con số trăm triệu đồng/năm không phải nhỏ, nhưng không biết đến bao giờ mới có bóng mát, vì sao không bỏ, để trồng thay giống bàng vuông bản địa, PV Etime tiếp tục đặt câu hỏi.
Đại diện phòng Văn hoá huyện Lý Sơn giải bày, nếu cây (Bàng Đài Loan và Osaka) mà chết, thì nói làm gì (trồng thay thế bàng vuông bản địa). Nhưng nó hiện vẫn sống (dù đặt dặt, phát triển chậm), thì làm sao dám nhổ bỏ để trồng thay thế (Bàng vuông bản địa) được.
Với thực tế đang diễn ra kể từ khi chi tiền tỷ ngân sách, để trồng hàng trăm cây cảnh Bàng Đài Loan và Osaka, nhằm mục đích lấy bóng mát nhưng kết quả mang lại như nêu trên, nhưng cấp thẩm quyền địa phương nơi đây vẫn tiếp tục chi tiền trăm triệu/năm để duy trì chăm sóc. Câu hỏi đặt ra đến bao giờ, chính quyền Lý Sơn mới dừng đâm đầu theo lao đối với hàng trăm cây cảnh nhập ngoại ở dự án này?.