Rộ tin đồn Foxconn muốn bán nhà máy LCD 8,8 tỷ USD ở Trung Quốc
Foxconn đang phải đối diện với một tương lai mờ mịt về cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc.
Reuters dẫn lời một nguồn tin giấu tên cho biết các cuộc thảo luận về thương vụ này đang ở giai đoạn đầu và chưa có một mức định giá chính xác nào cho nhà máy LCD tại Trung Quốc.
Nguồn tin của Reuters nhận định đây không phải là một thương vụ dễ dàng và có thể sẽ mất một thời gian dài để tiến hành.
Trong khi đó, Foxconn từ chối bình luận về thương vụ nói trên, nhấn mạnh “công ty không phản hồi các tin đồn hoặc thông tin mang ý nghĩa đầu cơ thị trường".
Thông tin về việc bán lại nhà máy sản xuất LCD diễn ra trong bối cảnh Foxconn phải đối diện với một tương lai mờ mịt giữa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài.
Hôm 1/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc kể từ ngày 1/9.
Theo các chuyên gia, cuộc chiến thương mại đã phá vỡ chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, buộc Foxconn phải xem xét lại các khoản đầu tư của chính mình. Nhận thấy nhu cầu về TV và màn hình lớn có thể bị chậm lại, ban lãnh đạo của công ty đã nhanh chóng tìm kiếm người mua nhà máy LCD của mình.
Tuy nhiên, việc nhà máy mới sẽ không thể đi vào sản xuất cho đến đầu tháng 10 khiến cho nó trở nên ít hấp dẫn hơn trong mắt người mua. Bởi một dự án như vậy luôn đi kèm những rủi ro có thể phát sinh, so với một nhà máy đã hoạt động ổn định.
Nhà máy sản xuất màn hình tinh thể lỏng (LCD) ở thành phố Quảng Châu được Foxconn khởi công vào năm 2016. Foxconn đặt mục tiêu nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2019 để đáp ứng nhu cầu về TV và màn hình lớn ở châu Á, nhằm đối đầu trực diện với nhà sản xuất màn hình khổng lồ của Trung Quốc là BOE Technology Group.
Dự án được điều hành bởi một liên doanh giữa chính quyền tỉnh Quảng Châu và Sakai Display Products của Nhật Bản. Sakai là nhà máy sản xuất bảng điều khiển tiên tiến thuộc sở hữu của người sáng lập Foxconn Terry Gou và Sharp, tập đoàn Nhật Bản đã bị Foxconn thâu tóm.