Sản lượng lợn tại Trung Quốc tăng, áp lực giảm giá lợn trong nước ngày càng lớn
Giá lợn hơi ngày 30/3, thị trường lặng sóng, giá cao nhất chỉ 52.000 đồng/kg
Giá lợn hơi hôm nay 30/03/2023, mức cao nhất chỉ đạt 52.000 đồng/kg. Thị trường lại tiếp tục trầm lắng khi mức giá lợn tái đà đi ngang, liên tục giữ mức giá thấp trong khoảng 48.000-52.000 đồng/kg khiến chăn nuôi không khỏi lo lắng cận kề thua lỗ.
Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay không ghi nhận biến động mới và dao động trong khoảng 48.000 - 50.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất khu vực 48.000 đồng/kg tiếp tục được ghi nhận tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình. Cao hơn một giá ở mức 49.000 đồng/kg gồm các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Thương lái tại các tỉnh thành còn lại gồm Hưng Yên, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nội, Tuyên Quang tiếp tục thu mua lợn hơi với giá 50.000 đồng/kg, cao nhất khu vực.
Cùng chung xu hướng thị trường với khu vực miền Bắc, tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay không ghi nhận sự biến động mới và dao động trong khoảng 48.000 - 51.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá cao nhất khu vực 51.000 đồng/kg được ghi nhận tại Lâm Đồng, Bình Thuận. Ở chiều ngược lại, giá lợn hơi tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Ngãi đang neo ở mức 48.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Các tỉnh/thành còn lại duy trì thu mua ổn định trong khoảng 49.000 - 50.000 đồng/kg.
Tại khu vực phía Nam, giá lợn hơi hôm nay cũng lặng sóng theo xu hướng chung của thị trường và dao động trong khoảng 50.000 - 52.000 đồng/kg. Theo đó, 52.000 đồng/kg là giá lợn hơi cao nhất có mặt tại Vũng Tàu và Cà Mau. Thấp hơn một giá, tại Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và Kiên Giang thương lái đang thu mua lợn hơi với giá 51.000 đồng/kg. Mức giá thấp nhất khu vực 50.000 đồng/kg được ghi nhận tại các tỉnh thành còn lại gồm Bình Phước, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng.
Ngày 30/3, giá lợn của Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam giữ mức 54.500 đồng/kg. Giá lợn Trung Quốc giảm xuống mức thấp mới là 49.700 đồng/kg, so với mức 51.000 đồng/kg của vài ngày qua. Sản lượng lợn tại Trung Quốc tăn làm giá giảm. Cụ thể: Đàn lợn nái của Trung Quốc trong tháng 2/2023 đã tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.
Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc (MARA) cho biết, đàn lợn nái của Trung Quốc trong tháng 2/2023 đạt 43,4 triệu con, giảm 0,6% so với tháng 1/2023 nhưng tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 5% so với mục tiêu đề ra.
Giá lợn hơi tại quốc gia tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới này dao động quanh mức 15 nhân dân tệ (tương đương 2,18 USD)/kg kể từ cuối năm 2022, do áp lực từ nhu cầu yếu và nguồn cung dư thừa. Với giá lợn hơi thấp, mức lỗ trung bình cho một con lợn hiện tại là khoảng 100 nhân dân tệ (14,52 USD).
Cục Chăn nuôi và Thú y của MARA dự báo giá lợn sẽ không tăng mạnh trong những tháng tới.
Các chuyên gia cho biết, dịch tả lợn châu Phi ở Trung Quốc bùng phát sẽ dẫn đến việc giảm sản lượng lợn hơi vào cuối năm 2023, đẩy giá thịt lợn ở Trung Quốc tăng lên khi nhu cầu phục hồi (hiện 1 USD = 6,8680 nhân dân tệ).
Không chỉ tại Trung Quốc, giá thịt lợn tại Mỹ cũng giảm. Giá thịt lợn kỳ hạn tại Mỹ giảm mạnh trong hai tuần qua đã khiến thị trường rơi vào tình trạng bán ra ồ ạt, có khả năng giảm xuống mức đáy thị trường. Chỉ số giá thịt lợn trên sàn CME mới nhất giảm thêm 84 xu, đánh dấu mức giảm 2,18 USD trong ba ngày qua. Mặc dù giá giao kỳ hạn giảm mạnh so với giá giao ngay, nhưng hợp đồng kỳ hạn giao hàng tháng 4/2023 phải đối mặt với áp lực giảm giá, các nhà giao dịch dự đoán giá giao ngay sẽ giảm trong ngắn hạn.
Mặt hàng thịt lợn Mỹ đang gặp khó khăn ở cả hai phía cung cầu. Lượng lợn giết mổ trong tuần trước đã tăng 2,75% so với cùng kỳ, chứng tỏ nguồn cung lợn hiện tại đang vượt xa dự báo. Tuy nhiên, giá bán lẻ thịt lợn vẫn cao hơn nhiều so với năm trước mặc dù giá trị lợn hơi và thịt lợn bán buôn đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó thật khó để kích thích nhu cầu của người tiêu dùng khi giá bán lẻ vẫn tăng cao.
Theo USDA, dự báo doanh số bán ròng thịt lợn của Mỹ năm 2023 đạt 38.000 tấn, tăng 7% so với dự báo trong tuần trước và tăng 8% so với mức trung bình 4 tuần trước đó. Mức tăng chủ yếu ở Mexico (18.400 tấn, giảm 600 tấn so với dự báo trong tuần trước), Canada (4.800 tấn, giảm 500 tấn), Nhật Bản (4.400 tấn, giảm 200 tấn), Hàn Quốc (3.400 tấn, giảm 300 tấn) tấn) và Australia (1.800 tấn). Xuất khẩu thịt lợn của Mỹ đạt 30.500 tấn, tăng 3% so với dự báo tuần trước và tăng 2% so với mức trung bình 4 tuần trước đó. Xuất khẩu chủ yếu sang Mexico (13.200 tấn), Trung Quốc (4.400 tấn), Nhật Bản (3.900 tấn), Hàn Quốc (2.600 tấn) và Canada (1.500 tấn).
Giá giảm song nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc vẫn tăng mạnh. Trong 2 tháng đầu năm 2023 Trung Quốc đã nhập khẩu 380.000 tấn thịt lợn, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc tăng vào cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tăng trong năm 2023, đặc biệt là khi nước này đang chống chọi với đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi mới. Dịch bệnh trước đây đã tiêu diệt gần một nửa số lợn của Trung Quốc đang bùng phát trở lại, có khả năng làm tăng giá loại thịt yêu thích của Trung Quốc.
Dữ liệu chính thức về virus khó có được ở Trung Quốc, vì vậy các thương nhân và nhà phân tích sử dụng các cuộc khảo sát của riêng họ để đánh giá thiệt hại. Rabobank cho biết đợt bùng phát khá nghiêm trọng vào tháng 1 và tháng 2 và đợt mới nhất sẽ cắt giảm công suất sản xuất và đẩy giá thịt lợn lên cao trong quý II/2023. Dự đoán, trong tuần tới, giá thịt lợn giao kỳ hạn tháng 4 đạt 75 – 81 USD và có xu hướng đi ngang.
Thực tế, bất chấp những thách thức ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành chăn nuôi nước ta vẫn đạt được một số bước tiến quan trọng.
Trong năm 2022, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, dịch tả lợn châu Phi và yếu tố đầu ra không ổn định là những khó khăn mà các doanh nghiệp trong chuỗi ngành chăn nuôi tại Việt Nam đã phải đối mặt. Tuy vậy, theo báo cáo từ Cục chăn nuôi, giá trị sản xuất chăn nuôi trong năm 2022 ước tính vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 5,93% so với năm 2021. Tính đến nay, Việt Nam đã lọt top 10 thế giới về sản lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Cục Chăn nuôi cũng đặt mục tiêu năm 2023, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục đà tăng từ 4,5% đến 5,0%.
Mặc dù triển vọng chung của toàn ngành được dự báo khả quan và tiềm năng, nhưng để đạt được con số tăng trưởng trên, các nhà sản xuất đòi hỏi sẽ phải thích nghi tốt hơn với các vấn đề, khó khăn bùng nổ kể từ sau dịch Covid-19. Trong đó, chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi vẫn là bài toán nan giải đặt ra cho các doanh nghiệp nội địa từ nhiều năm nay.
Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết: "Mặc dù là nước nông nghiệp nhưng thực tế Việt Nam lại phải nhập khẩu phần lớn nông sản làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN). Các loại nguyên liệu này chiếm tới trên 60% giá TĂCN thành phẩm nên chỉ cần thị trường nông sản thế giới biến động thì sẽ tác động ngay tức thì đến toàn bộ chuỗi chăn nuôi trong nước".
Ngô, đậu tương, khô đậu tương và lúa mì là những loại nông sản chính mà các doanh nghiệp Việt Nam phải chi hàng tỷ USD để nhập về hàng năm. Hiện nay, Việt Nam đang là nước nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 và nhập khẩu ngô lớn thứ 6 trên thế giới.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu 9,57 triệu tấn ngô trong năm 2022 với kim ngạch đạt 3,33 triệu USD; giảm 4,5% về khối lượng nhưng tăng 15,6% về giá trị so với năm 2021. Nhập khẩu đậu tương năm 2022 đạt 1,84 triệu tấn với giá trị đạt 1,28 tỷ USD, giảm 8,9% về lượng nhưng tăng 7,9% về giá trị so với năm 2021.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, giống và thức ăn được xem là 2 điều kiện cơ bản và quan trọng nhất quyết định tính cạnh tranh trong ngành. Để cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại với nguồn lực tài chính dồi dào cùng công nghệ tiên tiến, các nhà máy và hộ sản xuất vẫn cần giải pháp dài hạn cho mắt xích nguồn nguyên liệu.
Áp lực đầu ra khiến ngành chăn nuôi chịu thiệt kép
Trong vài tháng trở lại đây, giá lợn hơi không có nhiều biến động, thậm chí còn có xu hướng giảm trong giai đoạn cận Tết Nguyên đán, thời điểm mà nhu cầu vốn được kỳ vọng sẽ tăng mạnh nhất trong năm. Giá lợn hơi bình quân cả nước được ghi nhận chỉ biến động trong khoảng 50.000-53.000 đồng/kg trong 2 tháng đầu năm và vẫn chưa thể vượt mức giá thành sản xuất trung bình (khoảng 55.000 đồng/kg).
Nguồn cung thịt lợn dồi dào trong khi sức tiêu thụ yếu là nguyên nhân khiến cho giá lợn hơi liên tục lao dốc kể từ đợt "sốt giá" vào tháng 7 năm ngoái. Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, ước tính tổng số lượng lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 1 năm nay tăng 10,4% so với cùng thời điểm năm 2022. Cục Xuất nhập khẩu dự báo, trong quý I/2023, mức tiêu thụ thịt nhiều khả năng vẫn duy trì ở mức thấp so với cùng kỳ các năm trước.
Bức tranh nhu cầu ảm đạm xuất phát từ Trung Quốc, quốc gia sản xuất hơn 1/3 tổng số lượng thịt lợn của thế giới. Sản lượng thịt lợn tại thị trường lớn nhất thế giới này năm ngoái đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014. Trong tháng 1/2023, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã phải kêu gọi nông dân giảm sản lượng thịt lợn dư thừa. Nhu cầu của quốc gia tiêu thụ lớn chậm lại trong khi năng lực sản xuất dư thừa đã tác động dây chuyền đến giá lợn thế giới.
Hồi tháng 2, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã phải đưa ra cảnh báo sớm về giá thịt lợn trong nước khi tỉ lệ giá giữa thịt lợn và lương thực trên toàn quốc là 4,96:1, cán mốc báo động cấp cao nhất về tình trạng giảm giá quá mức mà nước này đề ra. Mặc dù nhu cầu được dự báo sẽ tăng trở lại vào cuối quý I/2023 do chính sách mở cửa của Trung Quốc nhưng giá lợn có thể sẽ phải bước sang đầu quý III mới có thể ghi nhận sự cải thiện khi nền kinh tế tăng tốc trở lại.
Như vậy, bối cảnh thị trường chăn nuôi bước vào đầu năm nay vẫn đang khá mù mịt. Tự chủ nguyên liệu đầu vào vẫn là mục tiêu mà các doanh nghiệp hướng tới để phát triển bền vững. Tuy nhiên, những biện pháp ngắn hạn như tìm nguồn cung thay thế rẻ hơn hay thay đổi thành phần trong thức ăn để ứng phó với tình hình hiện tại sẽ là ưu tiên. Bên cạnh đó, triển vọng giá nông sản thế giới trong năm 2023 cũng nên được các doanh nghiệp theo dõi để đưa ra chiến lược mua hàng hợp lý.
Theo dữ liệu từ MXV, giá ngô và đậu tương thế giới đang duy trì ở mức cao do đà tăng từ cuối năm ngoái, được thúc đẩy bởi tình hình hạn hán nghiêm trọng tại Argentina. Dự báo sản lượng đậu tương của nước này trong niên vụ 2022/23 đã bị Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) cắt giảm tới 8,5 triệu tấn so với mức kỳ vọng 49,5 triệu tấn được đưa ra vào đầu niên vụ.
Tuy nhiên, tính cả 3 quốc gia sản xuất lớn ở Nam Mỹ gồm Brazil, Argentina và Paraguay thì tổng sản lượng đậu tương đạt mức 204 triệu tấn, tăng 14,8% so với năm ngoái. Trong thời gian tới, trọng tâm của thị trường nông sản sẽ dần chuyển sang mùa vụ sắp được gieo trồng tại Mỹ. Chi phí phân bón năm nay cũng hạ nhiệt so với cùng kỳ năm ngoái, nếu như thời tiết không quá bất lợi thì giá nông sản có thể sẽ hạ nhiệt vào quý II và giảm bớt áp lực giá đầu vào cho các doanh nghiệp chăn nuôi.
Bên cạnh triển vọng cung cầu, các động thái điều chỉnh lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và tình trạng lạm phát dai dẳng cũng đẩy kỳ vọng về tỉ giá đồng USD sẽ tăng lên. Điều này sẽ là rủi ro đối với hoạt động nhập khẩu nông sản.
Ngoài ra, triển vọng kinh tế toàn cầu hay cụ thể hơn là khả năng tiêu thụ có hồi phục nhanh chóng hay không của Trung Quốc sau khi mở cửa sẽ quyết định đến giá thành phẩm ngành chăn nuôi. Theo MXV, ngành chăn nuôi nước ta vẫn sẽ phải gồng mình trước áp lực kép ít nhất là cho tới quý II/2023.