Sau FBI, đến lượt Ngoại trưởng Mỹ "buông lời cay đắng" với Trung Quốc

09/07/2020 09:06 GMT+7
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 8/7 tiếp tục lên tiếng khẳng định chính quyền Trump sẽ tìm mọi cách ngăn chặn các nỗ lực từ phía Trung Quốc trong việc đánh cắp thông tin cá nhân của công dân Mỹ.
Sau FBI, đến lượt Ngoại trưởng Mỹ "buông lời cay đắng" với Trung Quốc - Ảnh 1.

Sau FBI, đến lượt Ngoại trưởng Mỹ "buông lời cay đắng" với Trung Quốc

“Cơ sở hạ tầng truyền thông 100 năm tới phải dựa trên sở hữu lý tưởng của phương Tây để bảo vệ thông tin cá nhân của công dân một cách minh bạch” - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định. Ông cáo buộc các công ty công nghệ Trung Quốc không đáp ứng sự minh bạch cần thiết như vậy.

Nhận định được đưa ra chỉ hai ngày sau khi ông Pompeo tuyên bố Mỹ đang xem xét việc cấm các ứng dụng Trung Quốc bao gồm TikTok do hàng loạt mối quan ngại an ninh quốc gia. Hôm 6/7, trong cuộc phỏng vấn với tờ Fox News, nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ đã khẳng định rằng chính quyền Trump sẽ kiểm tra độ tin cậy bảo mật của cơ sở hạ tầng các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc tương tự như những gì đã thực hiện với các đại gia viễn thông Trung Quốc là Huawei và ZTE.

“Những bình luận đầu tuần của tôi về một công ty cụ thể được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Mỹ đánh giá mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc” - ông Pompeo ám chỉ TikTok. “Hiện lại, chúng tôi đang đánh giá, điều tra từng trường hợp vì tin rằng dữ liệu trong smartphone công dân Mỹ bị thu thập trái phép. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc không có cách nào dễ dàng truy cập và đánh cắp các thông tin đó”. Các bước chi tiết mà chính phủ Mỹ sẽ thực hiện để bảo vệ thông tin cá nhân của công dân hiện chưa được tiết lộ cụ thể.

Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ đã bắt đầu điều tra TikTok từ tháng 11/2019 sau hàng loạt quan ngại về an ninh mạng. 1 tháng sau đó, Cơ quan Hệ thống Thông tin Quốc phòng Mỹ đã khuyến cáo các nhân viên Bộ Quốc phòng không sử dụng TikTok do những rủi ro tiềm ẩn trong nền tảng phương tiện truyền thông xã hội này. Lầu Năm Góc cũng từng cấm sử dụng smartphone Huawei, modem viễn thông Huawei và ZTE trên mọi căn cứ quân sự của Mỹ khắp thế giới với cùng mối quan ngại như vậy.

Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng là người từng chỉ trích Huawei và nhiều công ty công nghệ khác của Trung Quốc là công cụ cho hoạt động tình báo của Bắc Kinh. Từ lâu, Trung Quốc đã nhận nhiều cáo buộc từ Mỹ về hành vi gián điệp kinh tế và ăn cắp bí mật thương mại để phục vụ tham vọng vươn lên thành siêu cường công nghệ. Các quan chức Mỹ thậm chí còn dẫn chứng rằng hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc đã gây ra thiệt hại hàng tỷ USD doanh thu và hàng ngàn việc làm cho nền kinh tế Mỹ. Đi kèm theo đó là mối đe dọa an ninh quốc gia đáng chú ý.

Ở phía ngược lại, Bắc Kinh khẳng định họ không đứng sau các hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ như vậy.

Ông Pompeo không phải quan chức Mỹ duy nhất “buông lời cay đắng” nhắm đến Bắc Kinh trong tuần qua. Tại một sự kiện diễn ra ở Viện Hudson tuần này, Giám đốc FBI Christopher Wray đã chỉ trích hoạt động gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc chống lại Mỹ là một trong những phi vụ chuyển nhượng tài sản bất hợp pháp lớn nhất lịch sử loài người, gây tác hại kinh tế tiềm tàng với mọi doanh nghiệp Mỹ và nền kinh tế nói chung. 

Ông Christopher Wray tiết lộ rằng cứ mỗi 10 giờ FBI lại mở một cuộc điều tra chống tình báo, và khoảng một nửa trong tổng số hơn 5.000 trường hợp có liên quan đến Trung Quốc. “Đó là mối đe dọa cho cả quốc gia, từ các vùng nông thôn đến thành phố lớn… Tổng chưởng lý William Barr và Ngoại trưởng Mike Pompeo đang chuẩn bị công bố các động thái mới để giải quyết mối đe dọa từ Trung Quốc”.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục