Sầu riêng xuất khẩu tiếp đà tăng trưởng năm 2024
Theo Nhadautu.vn , ngay từ đầu tháng 1/2024 xuất khẩu sầu riêng đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài sầu riêng tươi nguyên trái, lượng sầu riêng đông lạnh, sầu riêng sấy xuất khẩu cũng tăng mạnh. Dự báo đà tăng trưởng của loại trái cây này vẫn tiếp tục tăng mạnh năm 2024.
Theo số liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Việt Nam hiện có 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này.
Hiện có 23 địa phương ở Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch. Trong đó, tỉnh Tiền Giang có số lượng mã số vùng trồng được cấp phép nhiều nhất với 155 mã số; tiếp theo là Lâm Đồng, Đắk Lắk và Bình Phước có số lượng mã số được cấp phép lần lượt đạt 96, 68 và 65.
Các địa phương có số lượng mã số vùng trồng được cấp phép ít nhất là Trà Vinh và Phú Yên với 1 mã số mỗi địa phương, Sóc Trăng có 3 mã số, Bà Rịa - Vũng Tàu và Kon Tum mỗi địa phương có 5 mã số.
Về cơ sở đóng gói, hiện có 22 địa phương có mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Trong đó, Tiền Giang là địa phương có số lượng mã số cơ sở đóng gói nhiều nhất, với 67 mã số; Cần Thơ, Tây Ninh và Hậu Giang mỗi địa phương có 1 mã số.
Nhay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhiều cơ sở sầu riêng thu mua trái xuất khẩu trọng điểm của tỉnh Tiền Giang đã mở cửa hoạt động trở lại.
Theo tìm hiểu, hiện giá trái sầu riêng ở mức cao, trái sầu riêng Monthong (loại 1) giá trên dưới 200.000 đồng kg, sầu riêng Ri6 giá gần 160.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong thời gian qua, với mức giá này nếu vườn sầu riêng cho năng suất, chất lượng cao nhà vườn có lãi gần 2 tỷ đồng/ha.
Nguyên nhân sầu riêng ở mức cao được các nhà vườn lý giải là do vào thời điểm vụ nghịch, sản lượng ít, hầu hết các vườn ở giai đoạn ra trái non, khoảng 3 tháng sau mới bước vào thu hoạch rộ.
Trước đó, vào thời điểm cuối năm 2023, sầu riêng cũng được bán với giá khá cao 70.000 - 80.000 đồng/kg và tăng mạnh từ thời điểm trước Tết Nguyên đán đến nay.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dịp Tết Nguyên đán nhu cầu biếu tặng của người dân Trung Quốc tăng cao là cơ hội cho sầu riêng Việt.
Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng tới 24 thị trường, nhưng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 99% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhờ xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc năm qua tăng cao, đã góp phần lớn vào kết quả xuất khẩu 5,6 tỷ USD toàn ngành rau quả.
Nhiều chuyên gia đầu ngành dự báo, nếu Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh thì giá trị xuất khẩu của sầu riêng sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. Hiện tại, các cơ quan chức năng phía Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất việc đàm phán kỹ thuật để đi đến ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh.
Như thông tin Nhadautu.vn từng đưa, việc Trung Quốc đồng ý nhập sầu riêng cấp đông của Việt Nam được cho là "cánh cửa mới" cho trái sầu riêng Việt.
"Tiềm năng cho xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc còn kéo dài ít nhất từ 5-10 năm nữa. Với tầm nhìn này, doanh nghiệp có thể tính toán, lựa chọn đầu tư để tham gia vào thị phần sầu cấp đông", ông Nguyên dự báo.
Còn theo Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA), dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD vào năm 2025. Đây được coi như cơ hội lớn cho trái sầu riêng Việt Nam nếu phát triển theo hướng bền vững trong thời gian tới.