“Startup” Việt vẫn nhộn nhịp giữa đại dịch

22/10/2020 09:39 GMT+7
Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đã và đang phát triển rất mạnh mẽ, ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 càn quét nền kinh tế toàn cầu. Những hỗ trợ và chính sách từ các tổ chức, quỹ tài chính và cơ quan nhà nước đang là “đòn bẩy” giúp các DN khởi nghiệp (startup) trụ vững.
“Startup” Việt vẫn nhộn nhịp giữa đại dịch - Ảnh 1.

DN khởi nghiệp cần tận dụng hết lợi thế về công nghệ. Ảnh: H.Dịu

Dòng vốn liên tục đổ về

Covid-19 vẫn luôn là “phép thử” cho tất cả DN và các DN khởi nghiệp cũng không phải là ngoại lệ. Bởi ngay trong bối cảnh nhiều DN đang khốn khó thì không ít startup vẫn nhận được dòng vốn hàng triệu USD từ các quỹ hoặc các DN nước ngoài.

Nhờ nhanh nhạy nắm bắt thời cơ, BuyMed – một startup công nghệ y tế trong lĩnh vực phân phối dược phẩm trực tuyến, sở hữu trang thương mại điện tử thuocsi.vn cũng đã thành công trong việc huy động 2,5 triệu USD trong vòng Series A, được dẫn dắt bởi Sequoia Capital India cùng Genesia Ventures và Cocoon Capital, nâng tổng vốn đầu tư lên 3 triệu USD. Đại diện DN khởi nghiệp này cho rằng, việc phát triển siêu ứng dụng trong ngành dược nói riêng và chăm sóc sức khỏe nói chung là “một mũi tên trúng nhiều đích”, bởi chăm sóc sức khỏe là một thị trường rất tiềm năng, bởi nguồn cung nhỏ, trong khi nhu cầu của mọi người rất lớn, nhất là trong bối cảnh của đại dịch.

Tương tự, một số startup trong lĩnh vực về y tế, dược phẩm hay vệ sinh công nghiệp... cũng đều đang được hưởng lợi từ đại dịch nhờ nhu cầu tăng cao của thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn ấy, nhiều startup Việt trong các lĩnh vực tưởng chừng "không liên quan" nhưng vẫn thu hút nhà đầu tư mạnh mẽ.

Mới đây, chuỗi rửa xe Vietwash vừa công bố khoản huy động vốn trị giá 1,7 triệu USD từ tập đoàn năng lượng Hàn Quốc GS Caltex, tương đương 11,56% cổ phần. Đây là một startup được thành lập từ năm 2014, đang vận hành hơn 50 cửa hàng rửa xe trên toàn quốc. Việc bổ sung vốn được kỳ vọng sẽ giúp DN này lên hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2022.

Trước đó, một startup trong lĩnh vực tài chính là Wee Digital cũng thông báo đã gọi vốn thành công từ quỹ đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc InterVest và VinaCapital Ventures với con số có thể lên tới cả triệu USD. Đại diện Wee Digital cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung vào việc hợp tác với các khách hàng là ngân hàng trong việc áp dụng giải pháp sinh trắc học cho một loạt dịch vụ ngân hàng, giúp cung cấp cho người dùng trải nghiệm liền mạch, dễ dàng. Còn theo đại diện của quỹ đầu tư mạo hiểm InterVest, với tiềm năng thị trường cũng như nền tảng công nghệ, Wee Digital có khả năng tạo đột phá.

Mặc dù vậy, nếu nhìn toàn diện bức tranh kinh doanh của các DN khởi nghiệp trong nước thì vẫn có những màu xám. Một nhà sáng lập DN khởi nghiệp về điểm chỉ dẫn địa lý xanh cho ngành rau củ quả cho biết, đại dịch bùng phát đúng vào thời điểm DN chuẩn bị đón nhận sự hợp tác, đầu tư của các nhà đầu tư ngoại đến từ Singapore, nhưng các quy định về cách ly xã hội, các chuyến bay thương mại tạm thời đóng cửa đã khiến việc hợp tác bị đình trệ chưa có ngày trở lại. Ngoài ra, không ít startup trong một số lĩnh vực về công nghệ, thiết bị thông minh... lại không có đầu ra cho sản phẩm. Điều này khiến các DN khởi nghiệp khó khăn chồng khó khăn.

Khơi thông các nguồn lực cho khởi nghiệp

Nói về những khó khăn của DN khởi nghiệp, bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Giám đốc Quốc gia (Việt Nam, Lào và Campuchia) của Google nhận định, nhiều thách thức đang làm chậm quá trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Tiêu biểu như vấn đề thiếu nguồn vốn cho các startup công nghệ, đa phần các startup phải đến giai đoạn sau của quá trình khởi nghiệp mới tiếp cận được vốn, còn ở giai đoạn đầu thường rất khó khăn, nên cần đẩy mạnh tiếp cận vốn cho các DN này thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm. Ngoài ra, các DN khởi nghiệp còn thiếu nguồn nhận lực, việc đào tạo còn chưa sát thực tế nhu cầu của DN, cần đẩy mạnh hợp tác công tư PPP trong đào tạo nhân lực. Hơn nữa, hành lang pháp lý cho DN khởi nghiệp sáng tạo chưa theo kịp, nên cần có cách tiếp cận ủng hộ, hỗ trợ, thân thiện hơn với các startup.

Chia sẻ về kinh nghiệm tại Malaysia, ông Fadzli Shah, Giám đốc chiến lược, Tập đoàn kinh tế kỹ thuật số Malaysia (MDEC) cho hay, các DN nhỏ và vừa vẫn luôn là động lực thúc đẩy phát triển và giải quyết việc làm cho đa số người lao động. Vì thế, Chính phủ và các đơn vị tư nhân Malaysia đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ các startup. Đầu tiên là về các vấn đề như nâng cao nhận thức từ những bước khởi đầu cho DN nắm bắt được những kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng lãnh đạo DN… Bên cạnh đó, rất nhiều những chương trình, những hoạt động để hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa tìm hiểu tri thức về thương mại điện tử cho đến khi các DN này “trưởng thành” hơn…

Theo ông Fadzli Shah, các DN khởi nghiệp đã phải “vật lộn” rất nhiều để có thể tiếp tục tiến bước trên thị trường trong bối cảnh Covid-19, nên những “đòn bẩy” ban đầu đến từ Chính phủ và các tổ chức hỗ trợ sẽ giúp các DN này nắm bắt được tình hình, tìm cách vượt qua, kiến tạo cơ hội cho DN vươn mình lên, đổi mới sáng tạo, biến nguy thành cơ.

Từ những vấn đề nêu trên, ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844), Bộ Khoa học công nghệ cho rằng, đại dịch Covid-19 đến rồi sẽ qua, nhưng trong một thế giới mở, liên kết đa chiều và phụ thuộc lẫn nhau ngày nay, hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia rất cần sự kết nối với khu vực và toàn cầu. Để hình thành một lực lượng DN khởi nghiệp thực sự mạnh, đủ năng lực cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Việt với chất lượng và độ tinh xảo cao, chiếm lĩnh được thị trường trong nước và vươn ra thị trường khu vực, thậm chí toàn cầu, chính sách cho khởi nghiệp cần tính toán sao cho không đầu tư dàn trải, không hỗ trợ chung chung mang tính phong trào cho khởi sự kinh doanh, mà cần có lộ trình chiến lược kết hợp các giải pháp chính sách ngắn hạn và dài hạn, tập trung cho các DN khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao trong một số lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế hoặc phát triển sản phẩm, dịch vụ mang thế mạnh riêng có của vùng, miền, quốc gia.

Bên cạnh các nguồn lực tài chính, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cần được hỗ trợ bởi hạ tầng kỹ thuật cứng và mềm thuận lợi. Quan trọng hơn, theo ông Phạm Dũng Nam, các startup cần nuôi dưỡng văn hóa dám đương đầu với rủi ro, thách thức và bao dung với sự thất bại như một bước đệm tất yếu dẫn tới thành công. Tuy nhiên, đối với một nước chịu ảnh hưởng của văn hóa truyền thống Á Đông như Việt Nam, việc thay đổi tư duy và văn hóa khởi nghiệp của người dân cần thời gian và lộ trình, khởi đầu từ các chính sách có định hướng dài hạn của Nhà nước. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong năm 2019, số lượng các vườn ươm tổ chức thúc đẩy kinh doanh trong cả nước đã có 61 tổ chức, số lượng Co – working Space đã đạt 170 tổ chức – đây sẽ là một trong những cơ sở giúp DN khởi nghiệp vươn lên.

Theo Bình Nam/Báo Hải Quan
Cùng chuyên mục