Sửa đổi nhiều luật liên quan đến bất động sản trong năm 2020
Tác động từ chính sách
Theo nhận định của giới đầu tư, chuyên gia, hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn; thủ tục cấp phép rườm rà; cơ chế, chính sách cho phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chưa phù hợp; quy định về phát triển, giao dịch sản phẩm condotel chưa rõ ràng; lòng tin của nhà đầu tư đang giảm sút… là những yếu tố tạo nên khủng hoảng của thị trường bất động sản trong thời gian gần đây.
Hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn; thủ tục cấp phép rườm rà; cơ chế, chính sách cho phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chưa phù hợp; quy định về phát triển, giao dịch sản phẩm condotel chưa rõ ràng; lòng tin của nhà đầu tư đang giảm sút… là những yếu tố tạo nên khủng hoảng của thị trường bất động sản trong thời gian gần đây.
Ngoài những quy định chồng chéo hoặc xung đột pháp luật giữa luật này với luật kia, thị trường bất động sản sẽ bị tác động bởi Quy định về hệ số điều chỉnh giá đất. Bởi, hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số k) tại nhiều địa phương được điều chỉnh tăng so với năm 2018. Hệ số k là căn cứ để tính tiền sử dụng đất, việc điều chỉnh liên tục dẫn đến việc tính tiền sử dụng đất của các dự án trên địa bàn sẽ được điều chỉnh tăng theo và chi phí đầu ra cũng được định giá cao hơn.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, khó khăn trên thị trường bất động sản còn kéo dài trong 2020 bởi những vấn đề về pháp lý, về tín dụng, về an toàn dòng vốn...
"Vướng mắc về pháp lý không dễ được giải quyết ngay, tín dụng cho bất động sản thì ngày càng thắt chặt, việc tiếp cận đất đai ngày càng hạn chế... sẽ khiến thị trường ngày càng khó khăn, suy giảm, do đó doanh nghiệp phải cẩn trọng. Khó khăn hiện nay là khủng hoảng từ thừa hàng (gian đoạn trước) chuyển sang thiếu hụt nguồn hàng, trong khi sức mua đang lớn, sự chú ý của dân, dòng tiền hướng vào thị trường bất động sản rất nhiều", ông Nam cho biết.
Sửa đổi hàng loạt luật liên quan đến thị trường bất động sản
Tại cuộc gặp mới đây với các thành viên Hội Môi giới bất động sản Việt Nam khu vực miền Trung, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản Việt Nam (Bộ Xây dựng) cho hay, theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội và Chính phủ thì trong năm 2020 sẽ có 3 đạo luật hết sức quan trọng được sửa đổi, có sức tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản.
Trước hết, đó là luật Xây dựng. Dự thảo sửa đổi luật này đã báo cáo Quốc hội được 1 kỳ, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua vào tháng 5/2020. Trong đó có nhiều thủ tục đã được Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, như phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc triển khai đầu tư; đồng thời làm rõ những trường hợp hiện nay còn đang vướng mắc trong thủ tục thẩm định, thẩm tra dự án.
Thứ hai là Luật Đầu tư, sẽ có tác động rất lớn đến các nhà đầu tư. Trong thời gian qua có nhiều ý kiến kêu ca về sự mâu thuẫn, không thống nhất giữa luật Đầu tư, luật Nhà ở trong các thủ tục đầu tư. Vì vậy, trong dự thảo sửa đổi luật Đầu tư trình Quốc hội cho ý kiến lần 1 có nhiều điểm đã tháo gỡ những sự trùng lắp trong chấp thuận chủ trương, lựa chọn chủ đầu tư.
"Hiện dự thảo sửa đổi luật Đầu tư đang được Bộ KH&ĐT chủ trì tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa và dự kiến cũng sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 5/2020!" - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản Việt Nam (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Khởi cho hay.
Thứ ba là việc sửa đổi luật Đất đai, đang được dư luận hết sức quan tâm, theo kế hoạch sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần 1 vào tháng 5/2020 và dự kiến được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2020. Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, có rất nhiều ý kiến chung quanh các quy định pháp luật liên quan vấn đề đất đai, và hiện cơ quan chủ trì soạn thảo đang tiếp nhận ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
Đối với lĩnh vực nhà ở, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, dự kiến đến cuối năm 2020 cũng sẽ chỉnh sửa, điều chỉnh, bổ sung một số quy định pháp luật trong luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản và một số thủ tục pháp lý hiện hành đang có vướng mắc.
"Có thể nói vấn đề pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng như các lĩnh vực khác có liên quan luôn được nghiên cứu để điều chỉnh, sửa đổi kịp thời, bảo đảm làm sao những nhà đầu tư, những nhà hoạt động chân chính, những nhà kinh doanh đúng pháp luật sẽ có cơ hội làm ăn. Và chắc chắn sẽ có những quy định để chúng ta tránh những hiện tượng lợi dụng kẽ hở pháp luật làm ảnh hưởng đến những người làm ăn chân chính!", ông Nguyễn Mạnh Khởi nói.
Trưởng Văn phòng Luật sư Nam Hà Nội Phạm Thanh Sơn nhìn nhận, hiện nay, giữa quy định của pháp luật đến thực thi trong thực tế còn một khoảng cách khá xa. Bên cạnh sự chồng chéo giữa các quy định hiện nay, vẫn còn một khoảng trống lớn liên quan đến quy định về các giới hạn vi phạm pháp luật liên quan đến nhiều hoạt động trong kinh doanh bất động sản.
Điều này thực sự đặt các doanh nghiệp vào một thế khó khi loay hoay tìm cách vừa "đi trước đón đầu", trong khi vẫn phải đảm bảo không rơi vào trường hợp vi phạm pháp luật hoặc làm sao để có thể làm mà sau này không bị hồi tố vi phạm pháp luật. Trong khi quá trình đầu tư đã tốn công, tốn sức, tốn thời gian, thì những tồn tại như trên khiến doanh nghiệp càng ngày càng khó khăn hơn.