Sức đáp trả kinh tế của Ấn Độ trước Trung Quốc
Một buổi sáng gần đây, Anil Gupta, một nhân viên hải quan cao cấp ở thủ đô Ấn Độ, kiểm tra lại tủ quần áo, đồ dùng vệ sinh cá nhân và các mặt hàng điện tử để tìm bất cứ thứ gì dán nhãn "Made in China". Anh lọc được một số quần áo hiệu Brooks Brothers, Diesel và đến Scotch & Soda được sản xuất tại Trung Quốc. Gupta mang chúng lên sân thượng và châm một que diêm để đốt.
"Tôi đã khóc khi chúng bốc cháy", Gupta, 47 tuổi, nói rằng những món đồ này nằm trong số áo phông và áo sơ mi yêu thích của anh, dùng để mặc trong dịp đặc biệt. Nhưng anh nói đốt là cần thiết để giải tỏa cơn giận, trả thù cho cái chết của 20 binh lính Ấn Độ trong cuộc đụng độ biên giới với Trung Quốc gần đây.
Hôm qua (29/6), Ấn Độ cấm sử dụng 59 ứng dụng di động mà hầu hết là có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong một động thái mạnh mẽ nhất nhắm vào Bắc Kinh. Trong khi đó, những người Ấn Độ như Gupta đang tự mình quay lưng với Trung Quốc theo cách duy nhất có thể nghĩ ra, là thông qua thái độ tiêu dùng.
"Lần này, hơn cả sức mạnh đạn dược của Ấn Độ, sức mạnh chiếc ví sẽ hữu ích", Sonam Wangchuk, một người làm việc hướng tới cải cách giáo dục ở Ladakh nói trong một video đăng tải cuối tháng 5/2020. Video kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc của ông đã có 4,2 triệu lượt xem.
Những người nổi tiếng của Ấn Độ cũng chú ý đến lời kêu gọi của Wangchuk. Nam diễn viên Milind Soman cho biết trên Twitter rằng anh đã gỡ cài đặt ứng dụng TikTok. Các hashtag liên quan đến tẩy chay hàng Trung Quốc đang thịnh hành trên các kênh truyền thông xã hội phổ biến của nước này, từ YouTube, Twitter, Facebook và thậm chí đến LinkedIn.
"Hãy xây dựng thói quen nhìn nguồn gốc sản xuất, nếu nó được viết rõ ràng - Made In China, xin vui lòng đặt nó xuống, bất kể giá rẻ," Devesh U, một trợ lý tổng giám đốc, viết trong một bài đăng trên LinkedIn.
Trong những ngày gần đây, các kênh tin tức địa phương ở Ấn Độ phản ảnh các cuộc biểu tình nhỏ trên đường phố ở các thị trấn như Jammu và Varanasi. Một đoạn video cho thấy một người đàn ông ném chiếc TV màn hình phẳng của mình, được sản xuất tại Trung Quốc, từ tầng một của một tòa nhà chung cư.
Không dễ tẩy chay
Ngày 23/6, Ấn Độ ban hành quy tắc nhà bán hàng trên thương mại điện tử phải khai báo xuất xứ của tất cả sản phẩm. Trước đó, chính phủ nước này cũng yêu cầu tất cả các khoản đầu tư từ Trung Quốc phải được chính phủ phê duyệt. Họ cũng có kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.
Có những phản ứng từ người dân lẫn chính phủ, nhưng nhiều người tại Ấn Độ cũng nhanh chóng nhận ra rằng, việc thoát ly khỏi kinh tế Trung Quốc là nói dễ hơn làm. Các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất có mặt ở khắp mọi nơi ở Ấn Độ và trong mọi ngành công nghiệp, từ đồ chơi cho đến tranh tượng các vị thần của Ấn Độ.
Thương mại song phương giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã tăng từ 3 tỷ USD năm 2000 lên mức cao nhất mọi thời đại là 95 tỷ USD vào năm 2018. Cán cân thương mại nghiêng về phía Trung Quốc khi xuất khẩu của nước này gấp 4 lần nhập khẩu từ Ấn Độ. Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc là mức thâm hụt lớn nhất trong tất cả đối tác kinh tế.
Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc như OnePlus, Vivo và Oppo đã chiếm lĩnh thị trường điện thoại thông minh ở Ấn Độ. Các nhà đầu tư Trung Quốc như Tencent và Alibaba đã rót hàng triệu USD vào một số công ty kinh tế số như Ola - phiên bản Ấn Độ của Uber; Paytm - công ty thanh toán kỹ thuật số và Byju - ứng dụng dạy kèm trực tuyến. Ngoài ra, các ứng dụng của Trung Quốc như TikTok và UC Browser có hàng triệu người dùng ở Ấn Độ.
"Có quá nhiều sự hiện diện của Trung Quốc trong cuộc sống hàng ngày của người Ấn Độ", Alka Acharya, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi nói.
Tương quan chưa đồng đều
Trong nhiều năm, Mỹ và các đồng minh đã cố gắng thuyết phục Ấn Độ trở thành một đối tác kinh tế và quân sự gần gũi hơn với họ để đối trọng với vị thế đang lên của Trung Quốc. Còn theo The New York Times, Ấn Độ vẫn đứng sau Trung Quốc khi nói đến sức mạnh quân sự và kinh tế.
Về mặt kinh tế, Ấn Độ đã trở nên sẵn sàng hơn để sử dụng thị trường rộng lớn của mình như một đòn bẩy để gây áp lực với Trung Quốc. Các quy định gần đây nhắm vào Trung Quốc về nguồn gốc sản phẩm, phê duyệt đầu tư, cấm các ứng dụng và dọa tăng thuế... chính là đứng trên sức mạnh về quy mô thị trường.
Các nhà ngoại giao kỳ vọng Ấn Độ sẽ ngăn gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia vào thị trường mạng 5G. Mỹ cáo buộc Huawei hỗ trợ chính phủ Trung Quốc trong lĩnh vực không gian mạng nên đã thúc giục các đồng minh ngăn chặn sự phát triển của Huawei.
"Mặc dù tiềm năng sức mua của Ấn Độ giúp họ có thể đáp trả Trung Quốc nhưng họ thật sự chưa có sức mạnh gần với khả năng chi tiêu và cho vay mà Trung Quốc dùng để tăng ảnh hưởng trên toàn cầu", New York Times phân tích.
Sức ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc thực tế đang tạo áp lực địa chính trị vây quanh Ấn Độ. Trong khi quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ ở dãy Himalayas, chính phủ Nepal đồng thời tuyên bố một phần lãnh thổ trên biên giới mà Ấn Độ coi là của riêng mình. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cho rằng các hành động biên giới của Nepal, được thực hiện theo lệnh của Trung Quốc.
Tại Pakistan, nước mà Ấn Độ cũng có tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc đang xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ, và một số trong phần lãnh thổ mà chính phủ Ấn Độ tuyên bố thuộc về mình. Với mỗi dự án được xây dựng, Trung Quốc đang khiến Ấn Độ khó giữ vững hơn các yêu sách lãnh thổ của họ.
Và ngay ngoài khơi bờ biển phía nam Ấn Độ, Trung Quốc đã sở hữu một cảng ở Sri Lanka sau khi nước này không thể trả nợ cho Bắc Kinh. Một số quan chức Ấn Độ lo ngại Trung Quốc có thể quân sự hóa cảng, dù Sri Lanka phủ nhận.
Gần đây, đại dịch tạo cơ hội cho ông Narendra Modi dùng ngành công nghiệp dược phẩm khổng lồ của Ấn Độ để tăng cường quan hệ ngoại giao. Các nhà ngoại giao ở Ấn Độ nói rằng trong những ngày đầu của cuộc khủng hoảng, ông Modi và bộ trưởng ngoại giao đã liên tục gọi điện thoại để đề nghị giúp đỡ thuốc men cho các nước.
Trước đó, Modi cũng có cuộc gặp gỡ nồng nhiệt với Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông đến thăm Ấn Độ. Trong một bình luận vào tuần trước, ông Gokhale, cựu ngoại trưởng Ấn Độ, nói rằng các nước không còn có thể bỏ qua những hành vi của Bắc Kinh và phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, quan hệ Mỹ - Ấn đôi khi cũng không nồng ấm.