Tăng trưởng tín dụng năm 2020 khó đạt mục tiêu?

18/02/2020 08:45 GMT+7
Theo CTCP Chứng khoán BIDV (BSC), tỉ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) toàn ngành sẽ cải thiện nhẹ trong năm 2020, từ mức 3,56% của năm 2019. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng năm 2020 chỉ ở mức 12,5% - thấp hơn so với mục tiêu đã được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trước đó.

CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) vừa công bố báo cáo triển vọng ngành ngân hàng với nhận định tỉ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) toàn ngành sẽ cải thiện nhẹ trong năm 2020.

NIM toàn ngành 2020 được dự báo cải thiện nhẹ lên mức 3,62%

Theo dự báo của BSC, NIM toàn ngành trong năm 2020 sẽ cải thiện nhẹ lên mức 3,62% (tức tăng 0,06 điểm %) khi các ngân hàng cơ cấu lại các khoản vay sang cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), và khách hàng cá nhân.

Ngoài ra, việc Thông tư 22 chính thức có hiệu lực với việc nới mức trần qui định tỉ lệ LDR (dư nợ cho vay/tổng tiền gửi) đối với các ngân hàng hàng thường mại cổ phần giúp giảm bớt áp lực huy động trong hệ thống.

Tăng trưởng tín dụng năm 2020 khó đạt mục tiêu? - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, theo BSC, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, sẽ hạ nhiệt sau khi các ngân hàng huy động đủ nguồn bù đắp phần thiếu hụt do việc rút tiền từ Kho bạc Nhà nước trong tháng 11/2019 và sẽ giữ ở mức thấp nhờ dự báo thanh khoản ổn định.

Đối với các khoản thu ngoài lãi, BSC nhận định tỉ trọng thu nhập ngoài lãi trong tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng tiếp tục tăng trong năm 2019.

Hiện nay, cơ cấu thu nhập ngoài lãi đang chiếm 24,6% (tăng từ mức 20,4% tổng thu nhập năm 2014) nhờ sự tăng trưởng ấn tượng từ thu phí dịch vụ (tăng trưởng gộp 30% trong giai đoạn 2014 – 2019 và các phần thu hồi từ các khoản nợ xấu, kinh doanh trái phiếu và ngoại hối (tăng trưởng gộp 22% trong giai đoạn 2014 – 2019).

BSC kì vọng việc tăng trưởng phí sẽ tiếp tục ở mức cao từ 20% - 25% trong năm 2020 khi các ngân hàng đẩy mạnh thu phí từ dịch vụ thanh toán, bancassurance,… Bên cạnh đó, một vài ngân hàng dự kiến sẽ ghi nhận các khoản one off lớn đến từ thu một lần phí bancassurance như Vietcomank, TPBank...

Được biết, trong năm 2019, NIM toàn ngành ngân hàng được cải thiện lên mức 3,56% (tăng 0,03 điểm %) do ảnh hưởng từ các yếu tố: tăng trưởng tín dụng chậm lại, lãi suất huy động tăng ở các kì hạn dài trong khi lãi suất cho vay ổn định và hoạt động cơ cấu lại các khoản vay với lãi suất cao hơn của các nhà băng.

Tăng trưởng tín dụng năm 2020 ở mức 12,5%

Đánh giá về cung cầu tín dụng năm 2020, BSC dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2020 ở mức 12,5%, thấp hơn con số năm 2019.

Tăng trưởng tín dụng năm 2020 khó đạt mục tiêu? - Ảnh 3.

Theo BSC, cầu tín dụng sẽ giảm do nền kinh tế giảm tốc, GDP tăng trưởng chậm lại và nhu cầu vay vốn dài hạn để sản xuất kinh doanh cũng tăng chậm.

Trong khi đó về phía cung, các ngân hàng thiếu vốn sẽ bị hạn chế cấp tín dụng (VietinBank, Agribank, ...). Đồng thời, việc điều chỉnh mức trần LDR (tỉ lệ Dư nợ tín dụng/Vốn huy động) cùng về 85% với các hầu hết các ngân hàng sẽ khiến áp lực huy động giảm bớt.

Cụ thể, các ngân hàng có vốn Nhà nước lớn sẽ phải giảm tỉ lệ này xuống mức 85% vào trước năm 2022 còn các ngân hàng cổ phần sẽ tăng trần LDR lên 85%. Theo dự báo của BSC, huy động khách hàng của toàn hệ thống sẽ tăng trưởng ở mức 11,4% so với năm trước.

Trong năm 2019, tăng trưởng tín dụng đạt mức 13,7% (cùng kì năm 2018 là 13,9%), cơ cấu cho vay vẫn tập trung chủ yếu vào nông nghiệp (8,9%), công nghiệp và xây dựng (29,2%) và thương mại (21,9%) là những lĩnh vực được ưu tiên cho vay của chính phủ.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục