Tập đoàn đa quốc gia ồ ạt chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc để tránh thuế
Việc áp mức thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc đang khiến cho nhiều doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sang Việt Nam và các nước khác ở châu Á. Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á được cho là sự lựa chọn thay thế tốt nhất để các nhà đầu tư muốn chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc.
Theo thống kê của Nikkei, có 11 công ty trong đó có 7 công ty có thông báo chính thức là sẽ sang Việt Nam và 4 công ty đang cân nhắc khả năng này. Ngoài ra, sẽ có 3 công ty sang Ấn Độ, 1 công ty sang Hàn Quốc, 7 công ty sang Nhật Bản, 4 hoặc 6 công ty sang Thái Lan, 4 công ty sang Đài Loan, 4 công ty sang Mexico và 1 công ty sang Hoa Kỳ.
Danh sách các công ty rời khỏi Trung Quốc tránh ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại (Nguồn: Company announcements and media reports).
Theo nghiên cứu của Nikkei, hơn 50 công ty toàn cầu bao gồm Apple và Nintendo đã công bố hoặc đang xem xét kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Mới đây, Apple đã kêu gọi các nhà cung cấp lớn xem xét chuyển 15% đến 30% sản lượng linh kiện iPhone ra khỏi Trung Quốc. Theo Nikkei Asian Review, Apple sẽ chuyển nhà máy sản xuất tai nghe không dây AirPods từ Trung Quốc sang Việt Nam để giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh thương mại Mỹ - Trung vẫn đang gia tăng.
Hai nhà sản xuất máy tính của Mỹ là HP và Dell cũng cân nhắc chuyển tới 30% sản lượng máy tính xách tay của họ ở Trung Quốc sang Đông Nam Á.
Vào tháng 5 mới đây, theo CEO Jim Weber của hãng sản xuất giày Brooks Sports (Mỹ) cũng cho biết sẽ chuyển phần lớn các hoạt dộng sản xuất của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh kéo dài mà không có kết luận chắc chắn.
Không chỉ các công ty nước ngoài, một số lượng lớn các nhà sản xuất từ các nước khác trên thế giới, bao gồm các nhà sản xuất máy tính cá nhân, điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác cũng có ý định dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Đầu tháng 7, nhà sản xuất hãng đồ chơi điện tử Nintendo của Nhật Bản đã có thông tin sẽ chuyển một số cơ sở sản xuất thiết bị chơi game cầm tay (Switch) từ Trung Quốc sang Việt Nam vì lo ngại ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại.
Dynabook, công ty con của Sharp cũng đang cân nhắc kế hoạch chuyển bộ phận sản xuất máy tính cá nhân phục vụ cho thị trường Mỹ sang một nhà máy tại Việt Nam. Ông Kiyofumi Kakudo, CEO của công ty sản xuất máy tính cá nhân Dynabook cho biết: “Chúng tôi cần đến nhiều biện pháp bền vững để có thể né tránh được rủi ro thuế cao và được chính phủ Mỹ bảo hộ”. Hiện, dòng máy tính cá nhân này chiếm khoảng 10% tổng hoạt động sản xuất máy tính cá nhân của hãng. Trước đó, Dynabook sản xuất gần như tất cả các máy tính xách tay của mình tại Trung Quốc, chủ yếu tại một nhà máy ở Hàng Châu, cách Thượng Hải 175 km về phía Tây Nam.
Ngoài ra, Kyocera của Nhật Bản cũng có ý định dịch chuyển sản xuất nhà máy in sang Việt Nam.
Công ty điện tử đa quốc gia TCL của Trung Quốc cũng có ý định “quay lưng” với chính nước này khi đang tính chuyển sản xuất TV từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Nhằm giảm thiểu thiệt hại tới nền kinh tế, Bắc Kinh đang có nhiều nỗ lực trong việc giảm bớt các hạn chế đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Cuối tháng 6, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ giảm các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong bảy lĩnh vực, bao gồm dầu khí. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang tìm cách để mang lại kế hoạch mở cho lĩnh vực tài chính.
Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cũng đã quyết định thành lập thành lập một nhóm để lãnh đạo các biện pháp và kế hoạch tuyển dụng để tăng cường các chương trình đào tạo nghề bằng cách sử dụng nguồn tiền dư thừa từ các chương trình bảo hiểm nhà nước.