Tập đoàn Sao Mai (ASM): Lợi nhuận lao dốc 70%, vay nợ 'chạm' báo động hơn 10.120 tỷ đồng

02/08/2023 15:49 GMT+7
Khép lại quý II/2023, Tập đoàn Sao Mai (ASM) báo lãi hợp nhất 105,7 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm trước.

CTCP Tập đoàn Sao Mai (ASM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II và luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023. Trong kỳ này, doanh thu thuần của ASM đạt 3.254,8 tỷ đồng, giảm 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn bán hàng giảm 15% xuống 2.867,4 tỷ đồng, lãi gộp giảm 39% xuống 387,5 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính ở mức 56,2 tỷ đồng, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó chi phí tài chính tăng vọt 61% lên 220 tỷ đồng, có tới 212,1 tỷ đồng là chi phí lãi vay.

Chi phí bán hàng giảm 74,3% xuống 36 tỷ đồng; chi phí quản lý tăng 27% lên gần 70 tỷ đồng. Lợi nhuận khác kỳ này giảm mạnh từ 15,6 tỷ đồng xuống còn vỏn vẹn 418,7 triệu đồng.

Khép lại kỳ này, Tập đoàn Sao Mai báo lãi hợp nhất 105,7 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm trước.

Tập đoàn Sao Mai (ASM): Lãi lao dốc 70%, vay nợ hơn 10.120 tỷ đồng, chiếm tới 88% nguồn vốn - Ảnh 1.

BCTC hợp nhất quý II/2023 của ASM

Luỹ kế bán niên, ASM đạt 6.305 tỷ đồng doanh thu thuần và 191,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 12,7% và 71,5% so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu doanh thu, từ cá xuất khẩu đạt 1.477,7 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu từ thức ăn cá giảm nhẹ xuống 2.783 tỷ đồng; doanh thu thương mại ở mức 1.476 tỷ đồng; doanh thu cung cấp dịch vụ đạt 120 tỷ đồng; doanh thu điện năng lượng mặt trời tăng 32% lên 405,7 tỷ đồng; doanh thu bất động sản giảm 64% xuống 57 tỷ đồng, còn lại là doanh thu khác.

Năm 2023, Sao Mai lên kế hoạch doanh thu thuần đạt 15.250 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế đạt 545 tỷ đồng (giảm sâu 43,4% so với thực hiện năm 2022). Như vậy sau 6 tháng, Công ty mới thực hiện được 35% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Sao Mai ở mức 19.281 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn tăng 5,7% lên mức 9.775 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền giảm 61,7% xuống 325 tỷ đồng; đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng 79% lên 1.695,6 tỷ đồng, trong đó có hơn 3,3 tỷ đồng đầu tư trái phiếu; chứng khoán kinh doanh ở mức 6,6 tỷ đồng, dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh gần 1,5 tỷ đồng.

Công ty có khoản phải thu ngắn hạn khách hàng 1.887 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm. Trong đó phải thu công ty mua bán điện - Tập đoàn Điện lực Việt nam 146,2 tỷ đồng; thu CTCP Xuất khẩu Thuỷ Hải sản Sạch 150,3 tỷ đồng; thu Công ty TNHH MTV Kiểm định và Đầu tư Toàn cầu 125,5 tỷ đồng; thu CTCP Dầu cá châu Á 341 tỷ đồng...

Công ty có khoản tạm ứng cho Bùi Thị Ngọc Linh 42,2 tỷ đồng, Lê Văn Ba 17,5 tỷ đồng. Khoản nợ xấu khó có khả năng đòi ở mức 66,7 tỷ đồng.

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm nhẹ ở mức 1.223 tỷ đồng, trong đó xây dựng cơ bản khu đô thị Bình Long 401,3 tỷ đồng; khu Dân cư Lam Sơn Sao Vàng 131,8 tỷ đồng; Khu dân cư Tân Châu - An Giang 34,3 tỷ đồng; Khu đô thị mới Sao Mai xã Minh Sơn và TT Triệu Sơn, huyện Triệu Sơn 48,3 tỷ đồng; Dự án mua đất Mỹ Thới 151,7 tỷ đồng...

Hàng tồn kho tăng 9,3% lên 3.486 tỷ đồng; chi phí trả trước ngắn hạn gấp 2,4 lần lên 14,5 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, tổng nợ phải trả tăng nhẹ 2,3% lên 11.502 tỷ đồng. Tổng nợ vay ở mức 10.125 tỷ đồng, chiếm tới 88% nguồn vốn, tăng hơn 3% so với đầu năm. Khoản vay nợ không được thuyết minh trong báo cáo tài chính hợp nhất. Trong 6 tháng đầu năm 2023, ASM phải trả hơn 400 tỷ đồng tiền lãi, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2022. Vốn chủ sở hữu giảm nhẹ xuống mức 7.769 tỷ đồng.



O.L
Cùng chuyên mục