Tesla báo cáo doanh số tăng vọt trong quý I bất chấp tác động của dịch Covid-19
Các nhà đầu tư hiện đang rất muốn biết kế hoạch tăng trưởng của ông Elon Musk thế nào khi nền kinh tế toàn cầu đều đang chững lại. Trước đó, ông này kì vọng tăng doanh số lên 36% trong năm nay so với năm ngoái. Tham vọng sản xuất 500.000 xe hơi có thể khó thành hiện thực khi nhà máy của Tesla ở Fremont vẫn đang đóng cửa tạm thời do chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp không “trọng yếu” đóng cửa cả tháng 4.
Công ty Tesla vừa báo cáo sản xuất được 88.400 xe hơi trong quý 1, tăng mạnh so với con số 63.000 quý trước khi mẫu xe thể thao Model 3 được tăng cường sản xuất ở nhà máy nước ngoài. Phân tích được thực hiện bởi FactSet dự đoán Tesla có thể sản xuất được 89.000 xe hơi trong khoảng thời gian này, giảm từ 106.000 dự đoán trong tháng 1. Cổ phiếu Tesla đã tăng khoảng 13% sau khi con số dự đoán được công bố tại thời điểm đó.
Một số chuyên gia phân tích đã giảm kì vọng với Tesla trong quý 1 và 2, trong khi các nhà đầu tư hoài nghi về con số tăng trưởng thật sự thấp hơn so với báo cáo chính thức. Kì thực, như hầu hết các nhà sản xuất xe hơi lớn khác, quý 1 chứng kiến mức tăng trưởng thấp kỉ lục của Tesla.
Quý 1 năm ngoái cũng là khoảng thời gian thách thức với Tesla khi công ty này chật vật bắt đầu sản xuất dòng xe Model 3 ở nước ngoài. Tuy nhiên, báo cáo cả năm hoạt động 2019 của Tesla khá khả quan, với doanh số toàn cầu 367.500 xe. Trước khi đại dịch bùng nổ, Elon Musk hứa hẹn sản lượng xe hơi sẽ tăng vượt bậc, cùng với sự ra đời của dòng xe Model Y và nhà máy ở Thượng Hải. Tuy nhiên, nhà máy Trung Quốc không thể sản xuất xe đúng hạn do đại dịch bùng phát và dòng xe Model Y chỉ vừa mới đến tay người tiêu dùng ở Mỹ vào tháng trước.
Mới đây, Tesla công bố đã vận chuyển tổng cộng 76.200 xe Model 3 và Model Y, tăng mạnh so với con số 50.900 xe Model 3 vào năm ngoái. Tổng doanh số của dòng xe lớn hơn Model S và Model X SUV tăng từ 12.100 lên 12.200. Hồi tháng 1 Tesla cảnh báo về tác động của đai dịch đến nền kinh tế Trung Quốc có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh quý 1. Đây là thời điểm trước khi đại dịch lan rộng tới các nước phương Tây và làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu.
Cho đến nay 42/44 nhà máy lắp ráp ô tô ở Mỹ đã phải ngừng hoạt động, theo Hiệp hội Sáng tạo Xe hơi. Ford Motor thông báo sẽ tạm đóng cửa vô thời hạn nhà máy, thay vì thực hiện kế hoạch mở cửa trở lại vào giữa tháng 4 trước đó. Fiat Chrysler Automobiles và Toyota Motor cũng có động thái tương tự. Sự ngừng hoạt động các nhà máy ngay lập tức dẫn đến gián đoạn dây chuyền và làm ảnh hưởng đến hàng trăm nhà cung ứng linh kiện ô tô.
Một chiếc xe hơi bao gồm khoảng 30.000 linh kiện nhỏ, được lấy từ hàng trăm nguồn cung ứng khác nhau. Gián đoạn ở một công ty có thể tác động đến các công ty còn lại, cuối cùng ảnh hưởng đến cả chuỗi sản xuất, nhà máy lắp ráp và nền công nghiệp nói chung. Nhiều nhà sản xuất xe hơi bao gồm Ford, Toyota và Nissan thông báo đã làm việc với bên cung ứng linh kiện nhằm đảm bảo họ có thể hỗ trợ lẫn nhau khi nhà máy ở Bắc Mỹ ngừng hoạt động.