Tết Canh Tý 2020, nguồn cung hàng hóa dồi dào nhưng vẫn lo thiếu thịt lợn

03/11/2019 15:15 GMT+7
Thời điểm chỉ còn hơn 1 tháng là đến Tết Dương lịch 2020 và hơn 2 tháng tới Tết Nguyên đán Canh Tý, năm nay, 2 dịp tết khá gần nhau, do đó, các doanh nghiệp, địa phương đang tích cực chuẩn bị nguồn cung hàng hóa. Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, các mặt hàng có nguồn cung dồi dào, riêng thịt lợn vẫn dự báo gặp khó.

Các đơn vị bán lẻ đã sẵn sàng

Đánh giá về thị trường hàng hóa phục vụ cho dịp cuối năm, bà Vũ Thị Hậu, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, ngay từ tháng 9, tháng 10, các kênh bán lẻ lên kế hoạch dự trữ hàng hóa, thương thảo hợp đồng để có được giá cả tốt. Qua đó, đảm bảo nguồn hàng dồi dào và giá cả bình ổn trong các dịp lễ Tết đầu năm.

"Những năm gần đây, nhìn chung, các kỳ nghỉ lễ, Tết thường dài, người dân có xu hướng đi du lịch nhiều. Bên cạnh đó, nguồn cung hàng hóa vào dịp lễ Tết thường được doanh nghiệp chuẩn bị tương đối dồi dào, sản lượng và chất lượng tăng nên chỉ cần áp dụng thêm các chương trình bình ổn thị trường là đáp ứng được nhu cầu của người dân", bà Vũ Thị Hậu thông tin.

Không chỉ các kênh bán lẻ, đến nay, các địa phương đã chuẩn bị nguồn hàng hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội thông tin thêm, hiện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đã triển khai hoạt động sản xuất, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa bảo đảm phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp Tết.

Tết Canh Tý 2020, nguồn cung hàng hóa dồi dào nhưng vẫn lo thiếu thịt lợn - Ảnh 1.

Nguồn cung hàng hóa cho 2 dịp Tết hiện rất dồi dào

"Ứớc tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 31,2 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019." Đại diện Sở Công thương TP Hà Nội cho hay.

Không chỉ Hà Nội, ông Võ Lê Bích Đồng, Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho hay, Chương trình bình ổn thị trường năm 2019 và Tết Canh Tý năm 2020 sẽ được thành phố triển khai tại 2.651 cửa hàng tiện lợi (tăng trên 200 cửa hàng so cuối năm 2018); 4.209 điểm bán hàng thực phẩm bình ổn thị trường (tăng 82 điểm bán so với năm ngoái).

Theo thông tin từ Sở Công Thương TP.HCM chương trình được thực hiện từ ngày 1/4/2019 đến 31/3/2020. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong chương trình gồm 10 nhóm hàng như gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, thủy, hải sản, rau củ quả…

Ngoài ra, các mặt hàng sữa trong chương trình gồm bốn nhóm gồm sữa bột dành cho trẻ em; sữa bột dành cho bà mẹ mang thai; sữa bột chức năng; sữa nước dinh dưỡng bổ sung vi chất.

"Lượng sữa tham gia bình ổn thị trường bình quân gần 1.456 tấn/năm và 1,2 triệu lít sữa nước/năm. Chương trình bình ổn thị trường có sự đồng hành của 12 ngân hàng tham gia hỗ trợ các DN với số vốn là 19.650 tỷ đồng, lãi suất ngắn hạn 5,5 đến 7%/năm, trung và dài hạn 9 đến 10%/năm." Sở Công Thương TP.HCM cho hay.

Mối lo thiếu thịt lợn vẫn thường trực

Năm nay, mặt hàng thiết yếu là thịt lợn dự báo gặp khó về nguồn cung. Nguyên nhân do dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp khiến nguồn cung thị trường trong nước trở nên khan hiếm.

Đối với nguy cơ thiếu thịt lợn, Bộ NN&PTNT đã có kịch bản chi tiết cụ thể tình hình sản xuất, dịch bệnh. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ đạo tái đàn ở các khu vực hết dịch và đa dạng hóa nguồn cung các sản phẩm thay thế.

Về phía Bộ Công Thương, ông Nguyễn Văn Bình, Tổng cục Quản lý thị trường chia sẻ, các cơ quan chuyên môn về quản lý thị trường cả nước đã ra quân chốt ở các điểm kiểm dịch 24/24, tránh tình trạng kinh doanh, vận chuyển lợn bệnh vào tiêu thụ.

Tết Canh Tý 2020, nguồn cung hàng hóa dồi dào nhưng vẫn lo thiếu thịt lợn - Ảnh 2.

Thịt lợn vẫn được dự báo gặp khó khăn về nguồn cung cho Tết 2020.

Đồng thời, vận động các tiểu thương trong chợ ký cam kết không kinh doanh, tiêu thụ lợn bệnh. Trong trường hợp nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu, có kế hoạch nhập khẩu nguồn thịt từ nước ngoài để thay thế.

Trước đó, nguồn cung thịt lợn được dự báo giảm 200.000 tấn so với năm 2018. Theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, nếu dịch tả lợn châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp thì nguồn cung cho đợt Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đứng trước nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng…

Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, dịch tả lợn châu Phi khiến cho sản lượng chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề, dự báo cuối năm, nguồn cung ứng thịt lợn giảm 200.000 tấn so với năm trước. Lượng thịt lợn thiếu hụt đang được tính toán bù đắp bằng các mặt hàng thịt khác như bò, gà,...

Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, lượng nhập khẩu thịt gà đang có xu hướng tăng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong nước do dịch tả lợn châu Phi.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ trong nước đối với thịt gà vẫn không tăng dù có dịch tả lợn châu Phi. Thịt lợn vẫn chiếm tới 70% nhu cầu sử dụng hàng ngày, do đó, việc chuyển đổi thói quen sử dụng sang thịt gà vẫn khá hạn chế.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục